Sửa Luật Đấu thầu: Cần tăng cường tính công khai, minh bạch
Để kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, nâng cao sự cạnh tranh… nhiều ý kiến cho rằng, cần tăng cường tính công khai, minh bạch trong Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi)…
>> 5 “chiêu trò” lách luật phổ biến trong đấu thầu
Đấu thầu nếu không được quy định và quản lý một cách chặt chẽ sẽ trở thành mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng, trục lợi. Thực tế, những năm gần đây, hàng loạt các vụ án, tiêu cực liên quan đến hoạt động đấu thầu đã bị các cơ quan chức năng đưa ra ánh sáng, điển hình như: Vụ án đấu thầu mua chế phẩm Redoxy-3C của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội liên quan đến ông Nguyễn Đức Chung - cựu Chủ tịch TP. Hà Nội; vụ án vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) liên quan đến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi; vụ án kit test của Công ty Việt Á; vụ CDC Hà Nội;...
Mặc dù mỗi vụ việc có những phương thức và thủ đoạn vi phạm khác nhau, tuy nhiên, theo các chuyên gia, yếu tố đầu tiên dẫn đến thực trạng đã nêu xuất phát từ sự thiếu minh bạch, công khai trong hoạt động đấu thầu.
Từ thực tế đã nêu, Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) được cho đã bổ sung một điều mới về đình chỉ cuộc thầu, không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư và sửa đổi, bổ sung cơ bản quy định về hủy thầu với việc trao nhiều quyền hạn cho người có thẩm quyền, chủ đầu tư,…
Thế nhưng, theo đánh giá của các chuyên gia, các hành vi bị cấm mới chủ yếu quy định đối với nhà thầu, còn đối với người có thẩm quyền, chủ đầu tư, người có ảnh hưởng, các hành vi cấm lại ít được quy định.
Góp ý xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN cho rằng, cần sửa đổi Điều 14 quy định về hành vi bị cấm trong đấu thầu, trong đó, cần bổ sung quy định cấm hành vi “thông thầu”, cấm các hành vi dàn xếp, “gọt chân cho vừa giày” để tạo điều kiện cho một đối tượng trúng thầu.
“Bên cạnh đó, cần bổ sung trường hợp “không ai tham gia đấu thầu” vào quy định các trường hợp hủy thầu; để đảm bảo tính công bằng, nghiêm minh trong đấu thầu, đồng thời cần nghiên cứu xem xét các quy định cấm thầu, trong đó, các quy định không nên tạo quá nhiều quyền quyết định cho nhà đầu tư…”, Luật sư Hiệp chia sẻ.
>>Tiếp tục xử lý nghiêm các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn
Thực tế, thời gian qua, xoay quanh hoạt động đấu thầu dư luận vẫn liên tục phản ánh về tình trạng chủ đầu tư, bên mời thầu cố tình “cài cắm” tiêu chí, thông thầu, gian lận thầu. Vì thế, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) sẽ có những quy định cụ thể về hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ, có thể dẫn chiếu tới quy định Bộ Luật hình sự để thống nhất áp dụng trên thực tiễn, làm rõ phạm vi liên quan đến môi giới, hối lộ trong đấu thầu, hành vi thông thầu; quy định rõ hành vi cản trở trong đấu thầu… nhằm hạn chế những tác động tiêu cực và làm ảnh hưởng đến thời gian, kết quả, hiệu quả của công tác đấu thầu nói chung.
Trước đó, cho ý kiến thảo luận về Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị, cần công khai, minh bạch các vấn đề liên quan đến gói thầu để người dân và báo chí theo dõi, giám sát, từ đó phát hiện những vi phạm, sai sót trong đấu thầu; bổ sung sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát công tác đấu thầu, đảm bảo công khai, minh bạch.
Xem xét, rà soát sửa đổi Luật Đấu thầu theo hướng đảm bảo thực hiện chặt chẽ 6 yêu cầu công khai trong đấu thầu, bao gồm: công khai về điều kiện được dự thầu; danh sách và năng lực của những nhà thầu; điều kiện được trúng thầu; quá trình chấm thầu; kết quả trúng thầu; kết quả giải quyết khiếu nại, kiến nghị của nhà thầu.
Cho ý kiến thẩm định Dự thảo Luật sửa đổi, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng đề nghị, cơ quan soạn thảo quy định rõ về hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ, có thể dẫn chiếu tới quy định Bộ Luật Hình sự để thống nhất áp dụng trên thực tiễn, làm rõ phạm vi liên quan đến môi giới, hối lộ trong đấu thầu, hành vi thông thầu; quy định rõ hành vi cản trở trong đấu thầu gây tác động tiêu cực và làm ảnh hưởng đến thời gian, kết quả, hiệu quả của công tác đấu thầu.
Trong đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội - Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh: “Luật ban hành cần tăng cường tính công khai, minh bạch, khả thi, đảm bảo hiệu lực thi hành đồng thời làm căn cứ rõ ràng để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, tránh tạo ra nhiều tầng nấc pháp luật trung gian”.
Ngoài những nội dung đã nêu, với tính chất đặc trưng, có liên quan đến rất nhiều Luật chuyên ngành khác như: Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Dầu khí và nhiều luật chuyên ngành khác. Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cũng đề nghị, quá trình sửa đổi Luật, phải tiếp tục rà soát kỹ lưỡng để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong nội tại Luật và thống nhất với các luật khác có liên quan.
Được biết, Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) gồm 10 Chương, 98 Điều, so với Luật hiện hành, Dự thảo Luật sửa đổi lần này đã sửa đổi, bổ sung 75 Điều; bỏ 12 Điều; bổ sung mới 21 Điều; giữ nguyên 2 Điều.
Có thể bạn quan tâm