“Tương thích” với các FTA
Phải sửa đổi, bổ sung Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật để đảm bảo thi hành các cam kết về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong các FTA mà Việt Nam đã và đang đàm phán hoặc đã ký kết.
>>Còn nhiều thách thức sau 2 năm thực thi Hiệp định EVFTA
Đây là chia sẻ của Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN với Diễn đàn Doanh nghiệp.
- Bối cảnh 15 năm trước so với yêu cầu các FTA thế hệ mới buộc phải xem xét sửa đổi, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để phù hợp với thực tiễn và thúc đẩy sự phát triển, thưa Luật sư?
Qua hơn 15 năm thực hiện Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (TC&QCKT) năm 2006, hoạt động tiêu chuẩn hóa đã được nâng lên cả chất và lượng, góp phần thúc đẩy nâng cao năng suất chất lượng, năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa chủ lực của Việt Nam.
Tuy nhiên, từ thực tiễn thi hành, cùng với việc hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam thời gian qua cho thấy, Luật TC&QCKT đã bộc lộ nhiều bất cập.
Thực tế, các quy định từ Hiệp định WTO và các Hiệp định thương mại thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA, RCEP… trong đó, luôn có một Chương quy định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại, quy định về cam kết minh bạch hóa liên quan đến TC&QCKT, quy trình đánh giá sự phù hợp.
Cụ thể như: Điều 8.7 của Chương 8 Hàng rào kỹ thuật đối với thương mại của Hiệp định CPTPP; Điều 5.7 của Chương 5 Hàng rào kỹ thuật đối với thương mại của Hiệp định EVFTA; Điều 6.11 của Chương 6 Hàng rào kỹ thuật đối với thương mại của Hiệp định RCEP… Nội dung điều chỉnh của các Hiệp định đều yêu cầu các bên thừa nhận tầm quan trọng của tính minh bạch liên quan đến việc xây dựng, ban hành và áp dụng TC&QCKT và quy trình đánh giá sự phù hợp.
>>Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm tới việc tận dụng lợi thế từ các FTA
Thế nhưng, Luật TC&QCKT năm 2018 chỉ đưa ra được các nguyên tắc chung và phù hợp với thời điểm năm 2007 khi Việt Nam mới gia nhập WTO, chưa đáp ứng hoàn toàn với yêu cầu hội nhập quốc tế khi chúng ta đã ký kết, tham gia các FTA thế hệ mới, với các cam kết mở hơn, sâu hơn, cho phép các tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia sâu vào hoạt động xây dựng, áp dụng TC&QCKT; đồng thời, phải tuân thủ các yêu cầu cao hơn về minh bạch hóa.
Trong khi đó, Điều 6 Luật TC&QCKT quy định về nguyên tắc, chính sách cơ bản của hoạt động tiêu chuẩn và lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật “dựa trên tiến bộ khoa học và công nghệ, kinh nghiệm thực tiễn, nhu cầu hiện tại và xu hướng phát triển kinh tế - xã hội”, chưa thể hiện được tính chủ đạo của TC&QCKT vào hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
- Trên thực tế, việc sử dụng tiêu chuẩn quốc tế (ISO, IEC...) nhằm loại bỏ rào cản kỹ thuật đối với thương mại quốc tế được WTO đặc biệt quan tâm và là yêu cầu tối thiểu đối với hàng hóa của các nước khi thâm nhập vào thị trường toàn cầu. Để đáp ứng yêu cầu này, Việt Nam đã triển khai tiêu chuẩn hóa quốc gia ra sao, thưa luật sư?
Hiện nay, ngoài Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng Quy hoạch xây dựng TCVN, chưa có bộ, ngành nào xây dựng kế hoạch TCVN, QCVN trong thời gian 5 năm, chưa nói đến là kế hoạch dài hạn 10, 20 năm. Việc thiếu vắng TC&QCKT mang tầm chiến lược, đồng nghĩa với việc chưa đáp ứng cơ sở dữ liệu đầy đủ về tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài, tiêu chuẩn cơ sở khiến việc tra cứu, áp dụng tiêu chuẩn đối với các đối tượng có nhu cầu như doanh nghiệp, người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Chưa kể, hoạt động TC&QCKT hiện nay của Việt Nam chưa phát huy được tính dẫn dắt, chủ đạo trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội do phần lớn việc xây dựng tiêu chuẩn căn cứ theo nhu cầu thực tại.
Trong khi đó, nhìn từ kinh nghiệm quốc tế, các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế như Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế (IEC), Liên minh viễn thông quốc tế (ITU), Ủy ban Tiêu chuẩn Châu Âu CEN/CENELIC hoặc các quốc gia như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc… thì việc ban hành chiến lược tiêu chuẩn hóa sẽ xác định rõ các nguyên tắc, định hướng cơ bản, thiết lập chương trình hành động tổng thể, phát triển hệ thống tiêu chuẩn trung và dài hạn trên phạm vi toàn cầu hoặc quốc gia.
- Từ các kinh nghiệm quốc tế, theo Luật sư, Việt Nam cần “gỡ vướng” vấn đề này như thế nào?
Để phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về mục tiêu, định hướng của các ngành, lĩnh vực phải phù hợp với quy định của các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, công nghiệp 4.0 (đặc biệt là phù hợp với Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045) và đáp ứng tuân thủ cam kết hội nhập quốc tế, phù hợp xu thế phát triển, cần phải sửa đổi bổ sung hoặc nâng tầm Luật TC&QCKT thành Luật Chiến lược hóa tiêu chuẩn quốc gia.
Trong đó, việc luật hóa tiêu chuẩn phải tôn trọng, ưu tiên nhu cầu thị trường, như vậy mới đáp ứng được yêu cầu về quản lý, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Bởi nếu không tập trung vào thị trường, thì các tiêu chuẩn được công bố, áp dụng sẽ không hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực của Nhà nước và doanh nghiệp.
Đồng thời, phải lấy doanh nghiệp làm hạt nhân của hoạt động tiêu chuẩn hoá, trực tiếp sản xuất kinh doanh, thấu hiểu nhu cầu thị trường, và mong muốn của khách hàng…
- Xin cảm ơn Luật sư!
Có thể bạn quan tâm
Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng mạnh và bền vững vào các thị trường FTA
12:03, 19/11/2022
Tư duy cũ có thể khiến doanh nghiệp mất cơ hội từ UKVFTA
04:00, 14/11/2022
EVFTA góp phần quan trọng làm giảm nhẹ các tác động bất lợi cho nền kinh tế
16:03, 10/11/2022
Chuẩn bị tốt hơn cho các FTA
20:17, 11/10/2022
Còn nhiều thách thức sau 2 năm thực thi Hiệp định EVFTA
14:31, 22/08/2022
EVFTA "gỡ" hai “khúc mắc” cho kinh tế Việt Nam
03:06, 08/08/2022