Còn nhiều thách thức sau 2 năm thực thi Hiệp định EVFTA

Diendandoanhnghiep.vn Mặc dù được đánh giá đã và đang mang lại nhiều kết quả tích cực sau 2 năm có hiệu lực thi hành, thế nhưng, theo các chuyên gia, việc thực thi Hiệp định EVFTA vẫn còn đó những thách thức…

>> EVFTA "gỡ" hai “khúc mắc” cho kinh tế Việt Nam

Có hiệu lực từ ngày 01/8/2020, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã mang lại những kết quả tích cực cho nền kinh tế, nhiều ngành hàng như: giày dép, dệt may, thủy sản, gỗ, rau quả… đều đã tận dụng khá tốt và gia tăng được kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, mặt hàng nông sản, thực phẩm, rau quả xuất khẩu của Việt Nam đang tăng trưởng cao ở mức từ 20-30%/năm và không bị hạn chế về chủng loại, sản lượng.

Đáng nói, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 suốt 2 năm qua, thế nhưng, cộng đồng doanh nghiệp của Việt Nam và 27 quốc gia thành viên EU đã khai thác có hiệu quả các ưu đãi từ hiệp định này.

Hiệp định EVFTA mang lại nhiều kết quả tích cực cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam - Ảnh minh họa (Nguồn: Báo Công Thương)

Hiệp định EVFTA mang lại nhiều kết quả tích cực cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam - Ảnh minh họa (Nguồn: Báo Công Thương)

Cụ thể, theo số liệu của Bộ Công Thương, năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - EU đạt 57 tỷ USD (tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2020), ước tính 6 tháng đầu năm 2022, tăng 15 % so với cùng kỳ năm ngoái và ghi nhận mức xuất siêu của Việt Nam sang EU tăng gần 40%.

Trong đó, đa số các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường EU đều có mức tăng trưởng rất cao, có thể kể đến như: sắt thép tăng 200%; cà phê tăng 75,2%; hạt tiêu tăng 55,8%;… cùng với đó, một số nhóm hàng truyền thống như: dệt may, gia dày, đồ gỗ,… cũng đạt mức tăng trưởng từ 10 - 15%.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã và đang đạt được, vẫn còn đó nhiều thách thức cần được tập trung tháo gỡ, để có thể tận dụng tốt hơn nữa các cơ hội, ưu đãi từ EVFTA.

Đánh giá về việc doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ EVFTA trong 2 năm vừa qua, ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) nhìn nhận, EU là thị trường khó tính với hàng rào kỹ thuật nhưng doanh nghiệp Việt Nam vẫn đáp ứng yêu cầu cao để vào thị trường. Điều này cho thấy tư duy của doanh nghiệp đã thay đổi, doanh nghiệp Việt Nam đã định hướng thị trường và mặt hàng tốt hơn. Tuy nhiên, nhìn vào thị phần hiện nay vẫn còn thấp, rau quả chưa đến 4%, thủy sản 8%, xuất khẩu gạo vào EU vẫn rất thấp...

“Chúng ta vẫn đang tập trung quá nhiều vào thị trường truyền thống, thị trường Đông Á, trong khi đó thị trường EU rất lớn, rất hiệu quả thì chúng ta chưa tập trung, như vậy dư địa tăng trưởng còn rất lớn, chúng ta có thể làm tốt hơn nữa”, ông Ngô Chung Khanh khẳng định.

>> EVFTA thúc đẩy Việt Nam phát triển bền vững

Bên cạnh những mặt tích cực đã và đang đạt được, việc thực thi Hiệp định EVFTA được cho vẫn còn nhiều thách thức - Ảnh minh họa (Nguồn: VASEP)

Bên cạnh những mặt tích cực đã và đang đạt được, việc thực thi Hiệp định EVFTA được cho vẫn còn nhiều thách thức - Ảnh minh họa (Nguồn: VASEP)

Chia sẻ về nguyên nhân dẫn đến thực trạng đã nêu, theo các chuyên gia, sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam vẫn còn thấp hơn so với nhiều nước xuất khẩu khác về giá mặc dù nhiều mặt hàng đã được hưởng ưu đãi thuế quan (về 0%) khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, đó là vấn đề cần phải sớm tháo gỡ.

Thông tin với báo chí, bà Lê Hằng - Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, khi xuất khẩu sang EU, thách thức lớn đối với thủy sản là bảo đảm quy tắc xuất xứ. Mặc dù VASEP, Bộ Công Thương đã có nhiều chương trình phối hợp đào tạo cho doanh nghiệp bảo đảm về chứng nhận xuất xứ nhưng cũng không tránh khỏi việc không tìm hiểu kỹ. Do từng thị trường có những kiểm soát riêng, dẫn tới những hiểu lầm về cấp C/O, quy tắc xuất xứ. Cùng với đó, thẻ vàng IUU là yếu tố làm hạn chế rất nhiều khi xuất khẩu thủy sản sang EU.

Ngoài ra, còn có các thách thức khác về dài hạn như yêu cầu chứng nhận ngày càng cao hơn của thị trường, môi trường hay lao động cũng là vấn đề nghiêm trọng đối với thủy sản Việt.

Do vậy, để tận dụng thị trường EU, theo bà Lê Hằng, doanh nghiệp phải tháo gỡ được khó khăn về thẻ vàng IUU, lấy lại được thẻ xanh để tăng cơ hội cho thủy sản. Bởi nếu chuyển sang thẻ đỏ sẽ có nguy cơ mất thị trường EU và như vậy, mỗi năm sẽ mất 500 triệu USD riêng cho ngành thủy sản sang EU. Hơn nữa, đây còn là thị trường định hướng chi phối các thị trường khác trong việc kiểm soát chặt về nguồn gốc xuất xứ.

Về Hiệp định EVFTA, bà Lê Hằng mong có thêm sự hỗ trợ từ Bộ Công Thương để hướng dẫn doanh nghiệp tận dụng tối đa ưu đãi thuế quan cũng như áp dụng tốt quy tắc xuất xứ nhằm giảm bớt vướng mắc khi xuất khẩu thủy sản.

Còn theo ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, điều quan trọng nhất là cần cung cấp thông tin đầy đủ cho cộng đồng doanh nghiệp để có thể khai thác tốt những quy định đã có. Bên cạnh đó, cần sự hỗ trợ thông tin tốt khi tham gia vào thị trường EU để doanh nghiệp tiếp cận xu hướng tiêu dùng mới tại thị trường này.

“Cần mở rộng, đa dạng hoá thị trường, quan tâm nhiều hơn đến các thị trường ngách, những thị trường càng đòi hỏi tiêu chuẩn càng cao, càng cho giá trị gia tăng lớn”, ông Dương bày tỏ.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Còn nhiều thách thức sau 2 năm thực thi Hiệp định EVFTA tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711652270 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711652270 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10