Bảo vệ người tiêu dùng trên "chợ online"
Những năm gần đây, với sự bùng nổ của sàn thương mại điện tử, dịch vụ kinh doanh trực tuyến trên facebook, zalo… đã giúp cho việc mua sắm của người dân trở nên thuận lợi, dễ dàng hơn…
>>Bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng
Theo số liệu thống kê cho thấy, ước tính số lượng người mua sắm trực tuyến năm 2022 đạt 57-60 triệu người, với giá trị khoảng 6,1 - 6,6 triệu đồng/người. Đáng chú ý, trong đó, bên cạnh hàng có chất lượng thì có cả hàng hóa kém chất lượng.
Theo công bố của Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương, người tiêu dùng cũng gặp nhiều trở ngại khi mua sắm trực tuyến, như: Chất lượng kém so với quảng cáo (42%), vận chuyển và giao nhận kém (25%), dịch vụ chăm sóc khách hàng kém (22%), …
Trả lời báo chí xung quanh vấn đề này, ông Vũ Văn Trung – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết: Mỗi tháng, Hội các cấp đã nhận được 50-60 phản ánh, khiếu nại của khách hàng liên quan đến mua phải hàng kém chất lượng trên không gian mạng. Để xảy ra tình trạng này, ông Trung cho rằng: do pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ, thiếu đồng bộ và chưa theo kịp với tình hình thực tiễn với sự phát triển của thương mại điện tử như hiện nay. Cùng với đó, những thủ tục khiếu nại, khởi kiện đơn vị bán hàng kém chất lượng còn rườm rà nên hầu hết người tiêu dùng đều âm thầm chịu đựng mà không lên tiếng.
Với mục tiêu đến năm 2025 có 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến với giá trị mua hàng 600 USD tức khoảng 13 triệu đồng/người/năm, gấp đôi năm nay, doanh số thương mại điện tử có thể đạt 35 tỉ USD. Ông Vũ Văn Trung cho rằng, nếu chúng ta không có biện pháp để thanh lọc những đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để lừa đảo thì con số đã đề ra khó cán đích.
Có thể nói, xu hướng hiện nay là ngày càng gia tăng thị phần của thương mại điện tử. Chính phủ đang đặt mục tiêu đạt 20% từ kinh tế số trong GDP, trong đó phần lớn là thương mại điện tử. Nếu không có chính sách cụ thể để xử lý các gian lận, hành vi trục lợi, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng thì sẽ là thiếu sót, thậm chí sẽ gây hệ lụy rất lớn cho xã hội.
>>Vướng mắc cung cấp thông tin người bán hàng trên sàn thương mại điện tử
Theo các chuyên gia, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) vừa được Bộ Công Thương hoàn thiện đang là một tín hiệu đáng mừng để người tiêu dùng có thêm kênh bảo vệ quyền lợi khi tham gia mua sắm.
Có thể nói, đối với các tổ chức, cá nhân, đơn vị kinh doanh và người tiêu dùng, luật pháp càng quy định rõ ràng thì càng dễ quản lý và dễ để họ nhận thức tốt hơn. Người kinh doanh phải là người đầu tiên nhận thức rằng muốn kinh doanh bền vững thì phải có trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng. Quy định còn là cơ sở để người tiêu dùng có thể kiểm tra, giám sát, yêu cầu quyền lợi của mình đối với hoạt động của cả cơ quan chức năng, đơn vị trung gian và người bán hàng.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý vừa là người xây dựng, thiết kế luật, tuyên truyền, phổ biến chính sách và là người bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Cơ quan quản lý phải kiểm tra, giám sát thông qua số hóa, cần vận dụng chuyển đổi số, công nghệ số trong quản lý, điều hành vừa tiết kiệm, vừa sâu sát, vừa minh bạch và phù hợp trong thời đại công nghệ 4.0. Khi chúng ta có cơ chế rõ ràng thì công tác giám sát sẽ thuận lợi hơn, đầy đủ hơn; việc xử lý vi phạm cũng dễ dàng hơn và quyền lợi của người tiêu dùng cũng sẽ đảm bảo hơn.
Đồng thời với đó, công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm đặc biệt trong thương mại điện tử cần được chú trọng hơn nữa. Mỗi cán bộ quản lý, thực thi nhiệm vụ cần trang bị thêm kiến thức về CNTT, thương mại điện tử; có thể phối hợp, liên kết với các chuyên gia công nghệ thông tin để nâng cao năng lực phát hiện, xử lý những sai phạm ngày càng tinh vi, vì mục tiêu cao nhất là bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ Nhân dân.
Và cuối cùng, mỗi người tiêu dùng phải tự bảo vệ chính mình trên không gian mạng. Khi thương mại điện tử là xu hướng của thời đại, thì việc trang bị thêm cho mình kiến thức pháp luật về lĩnh vực này là vô cùng cần thiết. Ngoài việc lựa chọn những đơn vị bán hàng có thương hiệu, có uy tín, người tiêu dùng khi mua hàng cũng cần tìm những phương thức thanh toán đảm bảo, đồng thời tự nâng cao năng lực phát hiện những dấu hiệu lừa đảo, không ham rẻ để đặt mình vào những tình huống “không biết kêu ai”.
Có thể bạn quan tâm
Vướng mắc cung cấp thông tin người bán hàng trên sàn thương mại điện tử
11:06, 10/12/2022
“Bỏ ngỏ” thuế thương mại điện tử đến bao giờ?
03:30, 22/09/2022
“Nghìn lẻ một” chiêu trò trốn thuế - Bài 7: Gian nan quản lý thuế với thương mại điện tử
03:50, 15/08/2022
Bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng
03:00, 25/10/2022