Bất cập thị trường năng lượng tái tạo - Bài 2: Chính sách ngắt quãng làm nản lòng nhà đầu tư

PHƯƠNG THANH 19/12/2022 05:00

Phát triển năng lượng tái tạo đang là xu hướng tất yếu trong cả giai đoạn trung và dài hạn. Tuy nhiên, điều mà các nhà đầu tư mong đợi hiện nay là chính sách nào sẽ tiếp nối giá FIT đã hết hạn.

 >>Bất cập thị trường năng lượng tái tạo - Bài 1: Dự án chuyển tiếp đối mặt với nhiều khó khăn

Thị trường bế tắc

Với cơ chế ưu đãi cố định (giá FIT) thông qua các Quyết định 11/2017/QĐ-TTg; 13/2020/QĐ-TTg; 39/2018/QĐ-TTg cho điện mặt trời và điện gió đã tạo động lực thúc đẩy, phát triển một lượng lớn nguồn điện năng lượng tái tạo (NLTT), đóng góp tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu nguồn điện. Hiện tại, tỷ trọng các nguồn điện sạch (bao gồm thủy điện và các nguồn NLTT khác) trong cơ cấu nguồn điện đã đạt 65,6% tổng công suất đặt của hệ thống. Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, dự kiến đến năm 2030, tổng công suất điện gió đạt 16.100 MW, điện mặt trời (gồm cả điện mặt trời mái nhà) là 16.500 MW và có thể thêm khoảng 2.400 MW thuộc các dự án đang triển khai đầu tư ở các mức độ khác nhau.

Phát triển Điện gió đã trở thành một trong bốn ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố Bạc Liêu.

Phát triển Điện gió đã trở thành một trong bốn ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố Bạc Liêu.

Tuy nhiên hiện nay do chính sách giá FIT đã hết nhưng chưa có chính sách gối đầu, khiến thị trường năng lượng tái tạo trở nên trầm lặng, các nhà đầu tư và doanh nghiệp, đơn vị cung cấp dịch vụ, thiết bị cho thị trường đã rơi vào giai đoạn “ngủ đông” chờ chính sách mới.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và Điện mặt trời Bình Thuận cho biết, thời điểm hiện nay thị trường năng lượng tái tạo đang gặp khoảng trống chính sách, các dự án dở dang chưa có cơ chế chuyển tiếp, các dự án trong tương lai cũng chưa biết cơ chế chính sách thế nào để chuẩn bị đầu tư. Đây là điểm nghẽn lớn cần được tháo gỡ khi Việt Nam có tiềm năng về năng lượng tái tạo và đang được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Ngoài vướng mắc trên, theo ông Thịnh điểm nghẽn thứ hai có nguy cơ giảm sức hút đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo là hệ thống truyền tải. Hiện nay lưới điện của Việt Nam còn yếu và chưa kết nối mạnh mẽ với khu vực; các dự án lưới giải tỏa công suất luôn chậm tiến độ. Có thể nói rất khó để hấp thụ thêm nguồn điện năng lượng tái tạo để đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả hệ thống lưới điện hiện nay. Hệ lụy này khiến nhiều nhà máy điện gió, điện mặt trời đang phải chịu cắt giảm công suất ở mức từ 5-25% gây ảnh hưởng rất lớn đến khả năng vận hành, phân bổ kế hoạch chi phí tài chính của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó là giá điện, hiện nay đang có nhiều bất hợp lý và cản trở phát triển năng lượng tái tạo. Chẳng hạn như giá đầu vào của các nhà máy điện tăng cao trong thời gian qua nhưng giá bán điện không tăng từ 2019 đến nay. Mới đây EVN đã dự báo lỗ khoảng 31 ngàn tỷ đồng trong năm 2022, do vậy đây có thể là nguyên nhân ảnh hưởng lớn đến việc huy động năng lượng tái tạo (vì giá đang cao hơn giá điện bình quân) và đặc biệt là đầu tư phát triển lưới điện để giải tỏa công suất năng lượng tái tạo.

“Tất cả những bất cập trên đang ảnh hưởng lớn đến khả năng hút đầu tư vào thị trường năng lượng tái tạo. Đặc biệt giai đoạn này rủi ro chi phí vốn tăng cao do lãi vay tăng mạnh cộng với phần cắt giảm công suất do quá tải đường dây làm giảm doanh thu, nhiều dự án đã không thể cân đối tài chính”- ông Thịnh cho biết.

>>Doanh nghiệp năng lượng tái tạo đang “thoi thóp” chờ cơ chế

Tháo gỡ các nút thắt

Việt Nam được đánh giá thuộc top đầu ASEAN về phát triển năng lượng tái tạo

Việt Nam được đánh giá thuộc top đầu ASEAN về phát triển năng lượng tái tạo

Để thị trường năng lượng tái tạo được phát triển trong bối cảnh mới, đại diện Hiệp hội Điện gió và Điện mặt trời Bình Thuận đề xuất, trước mắt chúng ta cần có cơ chế chuyển tiếp cho các dự án bị trễ thời hạn giá FIT năm 2020 với điện mặt trời và năm 2021 với điện gió.

Thứ hai là cần sớm có cơ chế giá FIT cho điện gió ngoài khơi áp dụng đến 2030 hoặc 5.000MW đầu tiên trước khi đấu thầu dự án để tạo đà cho nguồn năng lượng mà Việt Nam có rất nhiều tiềm năng này.

Thứ ba là giá điện tại Việt Nam cần phải được điều chỉnh cho phù hợp: vẫn có thể trợ giá cho người nghèo mức 100KWh/tháng, các mức còn lại cần điều chỉnh theo thị trường để cân đối chính sách thu mua năng lượng tái tạo. Ngoài ra Nhà nước cần đầu tư để phát triển lưới điện thông minh và lưới điện liên kết khu vực, đây là điều kiện tiên quyết để tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo lên mức cao hơn hiện nay.

Liên quan đến những bất cập trên, đại diện doanh nghiệp FDI cho biết, hiện nay cơ chế giá áp dụng cho các Dự án chuyển tiếp chưa rõ ràng. Bộ Công Thương chỉ đạo EVN đàm phán giá bán điện trực tiếp với nhà đầu tư, còn EVN đề xuất xác định giá bán điện thông qua cơ chế cạnh tranh/đấu giá, (quan điểm này được EVN nêu rõ tại công văn số 6570/EVN-TTĐ ngày 20/11/2022 về khung giá phát điện cho nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp).

Các nhà đầu tư cho rằng, giả sử cơ chế đàm phán giá bán điện được phê duyệt, thì việc tính toán khung giá phát điện và ban hành cơ chế, rồi đàm phán giá bán điện với EVN để hiệu chỉnh PPA dự kiến sẽ mất cả năm trời hoặc hơn mới có thể hoàn thiện.

Để tháo gỡ những khó khăn trên, các nhà đầu tư đề xuất: ngoài Bộ Công Thương thì tất cả các cơ quan chức năng liên quan như Cục Điều tiết Điện lực, Cục Điều độ hệ thống điện (A0), Tổng Công ty truyền tải điện (NPC) và EVN cần nghiên cứu kỹ lưỡng để khi ban hành chính sách tránh để xảy ra bất nhất, chồng chéo ảnh hưởng tới môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam. Bên cạnh đó, doanh nghiệp mong các Bộ, ngành tiến hành khảo sát và nghiên cứu kỹ lưỡng đến các thuận lợi, khó khăn, bất cập và thiệt hại ảnh hưởng đến nhà đầu tư năng lượng tái tạo để đưa ra được chính sách cho các dự án chuyển tiếp, hoặc những dự án mới được bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư, Nhà nước và người sử dụng điện nhằm phát triển bền vững, hiệu quả.

Có thể bạn quan tâm

  • Bất cập thị trường năng lượng tái tạo - Bài 1: Dự án chuyển tiếp đối mặt với nhiều khó khăn

    Bất cập thị trường năng lượng tái tạo - Bài 1: Dự án chuyển tiếp đối mặt với nhiều khó khăn

    11:00, 16/12/2022

  • Cần sớm ban hành giá điện năng lượng tái tạo

    Cần sớm ban hành giá điện năng lượng tái tạo

    04:00, 06/12/2022

  • Nút thắt hạn chế năng lượng tái tạo

    Nút thắt hạn chế năng lượng tái tạo

    02:00, 24/11/2022

  • Doanh nghiệp lo ngại về tương lai

    Doanh nghiệp lo ngại về tương lai "số phận" các dự án năng lượng tái tạo

    05:05, 25/11/2022

  • Năng lượng tái tạo hết quy hoạch

    Năng lượng tái tạo hết quy hoạch

    20:17, 24/11/2022

  • Phát triển năng lượng tái tạo đang chững lại

    Phát triển năng lượng tái tạo đang chững lại

    03:40, 19/11/2022

PHƯƠNG THANH