Chính sách tài khóa vẫn là "điểm tựa" để hỗ trợ doanh nghiệp “vượt sóng”

Bài: GIA NGUYỄN - Ảnh: QUỐC TUẤN 03/01/2023 04:00

Trước những khó khăn, thách thức được dự báo trong năm 2023, để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục “vượt sóng”, chuyên gia cho rằng, chính sách tài khóa vẫn đóng vai trò vô cùng quan trọng…

>> Tác động của chính sách tài khoá - tiền tệ đến tăng trưởng dài hạn

Theo đó, nền kinh tế Việt Nam được cho đã vượt qua “sóng gió” năm 2022 đầy thách thức của dịch COVID-19, cũng như sự tác động của thị trường thế giới do xung đột Nga - Ukraina… để đạt mức tăng trưởng GDP 8,02%. Tuy nhiên, song song với những cơ hội, năm 2023, cũng được dự báo sẽ còn không ít khó khăn, thách thức khi mới đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng toàn cầu là 2,7%, giảm 0,2% so với báo cáo hồi tháng 7/2022, đồng thời cảnh báo, “những điều tồi tệ nhất còn chưa diễn ra, thế giới có thể đối mặt với suy thoái nghiêm trọng”…

Song song với những cơ hội, nền kinh tế 2023 được dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức - Ảnh minh họa

Song song với những cơ hội, nền kinh tế 2023 được dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức - Ảnh minh họa

Trong bối cảnh đó, theo các chuyên gia, chính sách tài khóa với chức năng là công cụ quan trọng để điều tiết vĩ mô nền kinh tế, cần tiếp tục được điều hành linh hoạt để hỗ trợ doanh nghiệp “vượt sóng”.

Thực tế, chính sách tài khóa trong năm 2022, với nhiều chính sách thuế giãn, giảm được triển khai, nhất là việc giảm thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu… đã đem đến những tác động tốt trong việc kiềm chế lạm phát của Việt Nam vẫn ở dưới mức 4%, trong khi nhiều nền kinh tế trên thế giới đang đối mặt với lạm phát cao. Đồng thời, giúp các doanh nghiệp tiết giảm chi phí, để phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thông tin với báo chí, PGS.TS Nguyễn Thị Mùi - Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, năm 2023, Chính phủ, các bộ, ngành cần tiếp tục triển khai đồng bộ các gói tài chính hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đồng bộ các công cụ thuế trong chính sách tài khóa. Việc thực hiện chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế thông qua công cụ chủ yếu miễn, giảm thuế; gia hạn nộp thuế… là giải pháp cần thiết tiếp tục được triển khai để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ gia đình phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.

>>Kinh tế Việt Nam 2022: Hãy cân bằng chính sách tài khoá và tiền tệ

Các chuyên gia cho rằng, việc tiếp tục đồng bộ các chính sách tài khóa để hỗ trợ doanh nghiệp

Các chuyên gia cho rằng, việc tiếp tục đồng bộ các chính sách tài khóa để hỗ trợ doanh nghiệp "vượt sóng" - Ảnh minh họa

Đồng tình với quan điểm đã nêu, TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho rằng, năm 2023 vẫn cần các gói chính sách tài khóa để giúp nền kinh tế và doanh nghiệp chống chịu với tác động của tình hình kinh tế thế giới.

Để duy trì và tiếp tục phát huy vai trò của chính sách tài khóa đối với nền kinh tế, trong năm 2023, theo TS. Võ Trí Thành, Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện các chính sách, trong đó cần lưu ý đến các quy chế, quy trình liên quan tới việc thực thi các giải pháp trong Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế để nhanh chóng đi vào cuộc sống.

“Chính sách tài khóa vẫn là “điểm tựa” tốt, nên cần cân nhắc, tính toán trong vài năm tới gắn với đầu tư trung hạn, để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả. Điều này phụ thuộc vào khả năng thu, chi ngân sách nhà nước; huy động nguồn lực để tiếp tục giữ vững vị thế của chính sách tài khóa.

Trong năm 2023, việc triển khai chính sách tài khóa tiếp tục bám sát tình hình thực tiễn để có điều chỉnh cần thiết; chú ý điều chỉnh ở nguồn lực và việc thực thi đối với các trụ cột trong chương trình phục hồi, phát triển kinh tế. Đến nay, nhiều chương trình đã quá thời hạn, cần xem xét, điều chỉnh theo hướng tập trung vào các lĩnh vực mới như đào tạo kỹ năng, thúc đẩy đầu tư công, hay những dự án đầu tư năng lượng mới”, TS. Võ Trí Thành bày tỏ.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chia sẻ, trong bối cảnh nhiều yếu tố bất định khó lường của năm 2023, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Chính phủ tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ nhằm tiết giảm chi phí, phục hồi sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp mong muốn cơ quan Nhà nước tiếp tục cải cách thủ tục hành chính thuế, chế độ kế toán cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ theo hướng đơn giản, tạo thuận lợi hơn nữa, qua đó hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp trước áp lực về giá, chi phí sản xuất, sinh hoạt tăng cao.

“Doanh nghiệp cũng kỳ vọng Bộ Tài chính tiếp tục tham mưu với Chính phủ các chính sách tạo cơ chế thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp, khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân trong nước mạnh dạn đầu tư thành lập khu, cụm vườn ươm, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là ngành công nghiệp phụ trợ…”, ông Tô Hoài Nam bày tỏ.

Có thể bạn quan tâm

  • Tác động của chính sách tài khoá - tiền tệ đến tăng trưởng dài hạn

    Tác động của chính sách tài khoá - tiền tệ đến tăng trưởng dài hạn

    05:10, 26/11/2022

  • Chính sách tài khóa đã và đang là trụ cột của nền kinh tế

    Chính sách tài khóa đã và đang là trụ cột của nền kinh tế

    17:42, 28/10/2022

  • CHIẾN LƯỢC VỐN CỦA DOANH NGHIỆP (Kỳ 4): Phối hợp chính sách tài khoá – tiền tệ linh hoạt

    CHIẾN LƯỢC VỐN CỦA DOANH NGHIỆP (Kỳ 4): Phối hợp chính sách tài khoá – tiền tệ linh hoạt

    05:00, 26/08/2022

  • Kinh tế Việt Nam 2022: Hãy cân bằng chính sách tài khoá và tiền tệ

    Kinh tế Việt Nam 2022: Hãy cân bằng chính sách tài khoá và tiền tệ

    04:15, 04/02/2022

  • Chính sách tiền tệ cần là “hậu phương” cho chính sách tài khoá

    Chính sách tiền tệ cần là “hậu phương” cho chính sách tài khoá

    12:00, 09/01/2022

Bài: GIA NGUYỄN - Ảnh: QUỐC TUẤN