Tác động của chính sách tài khoá - tiền tệ đến tăng trưởng dài hạn

Diendandoanhnghiep.vn Chính sách tài khóa và tiền tệ có vai trò quan trọng đối với tăng trưởng trong dài hạn. Những quốc gia duy trì được chính sách kinh tế vĩ mô tốt thì sẽ duy trì được tăng trưởng cao và ổn định.

>> Kinh tế Việt Nam 2022: Hãy cân bằng chính sách tài khoá và tiền tệ

Tăng trưởng dựa vào vốn đang tới hạn

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 20 năm qua đã đạt được mức tăng trưởng tương đối ấn tượng kể từ khi đổi mới đến nay. Trung bình GDP của Việt Nam tăng khoảng 6,57%, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng này đang có xu hướng giảm dần trong khoảng 10 năm gần đây xuống khoảng 5,6%.

Mô hình tăng trưởng theo chiều rộng (tăng trưởng dựa vào vốn) của Việt Nam đang tới hạn

Mô hình tăng trưởng theo chiều rộng (tăng trưởng dựa vào vốn) của Việt Nam đang tới hạn

Quy mô của nền kinh tế đến 2021 đạt khoảng 363 tỷ USD và lọt vào Top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, còn GDP bình quân đầu người đạt khoảng 3.700 USD, cao gấp khoảng 2,4 lần so với năm 2011. Song thước đo GDP của Việt Nam cũng đang là chủ đề gây tranh cãi.

Từ năm 2008 đến nay, tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam đang chậm lại do nhiều yếu tố từ điều kiện nội tại đến môi trường khách quan bên ngoài. Chúng ta đều nhận thấy rằng, mô hình tăng trưởng theo chiều rộng (tăng trưởng dựa vào vốn) đang tới hạn. Do vậy, muốn đạt được tăng trưởng cao trong dài hạn, Việt Nam cần phải tìm những nguồn tăng trưởng mới và tìm kiếm các nhân tố mới.

Dữ liệu từ World Economic Outlook Database 2021 cho thấy, mức thu nhập bình quân đầu người theo sức mua tương đương của Việt Nam vào năm 2021 chỉ bằng 17% của Mỹ, 24-26% của Nhật Bản, Hàn Quốc (tụt hậu khoảng 33 năm), 40% Malaysia (tụt hậu khoảng 30 năm) và bằng 61% Thái Lan, Trung Quốc (tụt hậu khoảng 9 năm). Việt Nam chỉ đuổi kịp những nước thu nhập cao hơn nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian dài, nếu không thì khả năng đuổi kịp các nước càng xa hơn, nguy cơ bị tụt hậu.

Thành quả cùng thách thức

Trong 10 năm gần đây, Việt Nam đã đạt được những thành tích nhất định song hành với đó là nhiều thách thức. Về mặt ưu điểm, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam đã kiềm chế ở mức một con số bắt đầu từ năm 2013 – 2022. Còn trước đó, nền kinh tế Việt Nam liên tục trải qua những giai đoạn lạm phát ở mức hai con số.

Cán cân thương mại cũng liên tục thặng dư từ năm 2016 trong khi trước đó thâm hụt thương mại rất cao, đặc biệt ở những năm 2009-2011, đi kèm với đó là thâm hụt tài khoá, sự mất giá của đồng nội tệ. Nhưng trong 5 năm gần đây chúng ta đã khắc phục được thâm hụt thương mại nhờ thị trường xuất khẩu tiềm năng thông qua các Hiệp định thương mại tự do (FTAs).

Đầu tư nước ngoài tương đối ổn định, riêng nguồn vốn FDI đạt con số giải ngân lên khoảng 20 tỷ USD, kéo theo dự trữ ngoại hối của Việt Nam khá đáng kể, tăng khoảng 10 lần so với 10 năm trước.

Tuy nhiên chúng ta còn những thách thức nhất định, đặc biệt liên quan đến tài khóa tiền tệ như:

Thứ nhất, gánh nặng nợ công tăng khá nhanh và có nguy cơ gây bất ổn trong thập kỷ tới. Nếu Việt Nam tiến hành những chương trình dự án, kế hoạch đầu tư khổng lồ như cao tốc đường sắt Bắc Nam, hay những công trình trọng điểm khác tiêu tốn nguồn lực quốc gia trong khi cân bằng tài khóa chưa đạt được.

Mặc dù nợ công trên GDP sụt giảm, nhưng nguyên nhân là do GDP của Việt Nam được điều chỉnh một cách “khó hiểu”. Điều đó có nghĩa là khả năng thống kê của Việt Nam chưa được tốt, chúng ta chưa quan sát được hết các hoạt động kinh tế, do vậy thước đo GDP tương đối kém chính xác. Còn nếu so sánh giá trị tuyệt đối của nợ công trong giai đoạn này thì nó đã tăng lên khoảng 3,2 lần, tốc độ tăng nợ công trong một thập kỷ qua xấp xỉ khoảng hai con số.

Bên cạnh đó, nếu so với quy mô thu ngân sách thì tỷ lệ nợ công trên thu ngân sách bắt đầu giảm một chút vào những năm 2015 – 2016, nhưng gần đây lại tăng lên theo hình chữ U.

Đặc biệt, quy mô nợ công càng lớn, khiến cho gánh nặng nghĩa vụ trả nợ gốc và nợ lãi hàng năm tăng rất nhanh, trước đây khoảng 12 - 13% thu ngân sách, còn 2-3 năm trở lại đây đã tăng khoảng 21 - 22 % thu ngân sách. Như vậy hằng năm Việt Nam đang dành khoảng 1/5 thu ngân sách để chi trả cho các nghĩa vụ nợ.

Thứ hai, với chính sách tiền tệ cũng có rất nhiều vấn đề. Chúng ta hạ được tốc độ tăng trưởng cung tiền, kiềm chế lạm phát một con số, tuy nhiên chính sách tiền tệ hiện nay có rất nhiều bất cập. Trong đó còn nặng về can thiệp hành chính, chúng ta sử dụng rất nhiều công cụ hành chính trong thị trường tiền tệ, thị trường vốn.

Thứ ba, Việt Nam thiếu nền tảng tăng trưởng dài hạn, đó là chất lượng nguồn nhân lực khó có thể đáp ứng được những tiến bộ công nghệ mới, khó đưa Việt Nam bứt phá trở thành nước thu nhập trung bình cao trên thế giới trong những thập kỷ tới.

Thứ tư, nền kinh tế của Việt Nam trong hơn 10 năm qua định hướng phụ thuộc vào xuất khẩu, phụ thuộc vào dòng vốn đầu tư nước ngoài rất lớn. Cụ thể, tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa dịch vụ của Việt Nam trong 20 năm qua đã tăng khoảng 55%, riêng những năm gần đây tăng lên tới 105% GDP, nghĩa là quy mô xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ đã vượt 100% GDP. Nhập khẩu cũng tương tự, nếu cộng tổng xuất khẩu và nhập khẩu thì gấp hơn hai lần GDP.

Khi những thước đo sử dụng tỷ lệ so với GDP thì năm 2021 là năm bất thường, bởi vì chúng ta dùng thước đo GDP tăng thêm 25%. Định hướng xuất khẩu của Việt Nam thể hiện rất rõ khi chúng ta ngày càng ưu tiên tham gia các Hiệp định thương mại tự do, có những chính sách ưu đãi về thuế, cho thuê đất đai đối với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài định hướng xuất khẩu.

>> Chính sách tài khóa đã và đang là trụ cột của nền kinh tế

Tác động của tài khoá - tiền tệ

Có thể thấy, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam thực tế là ngày càng giảm dần, trong đó có rất nhiều thách thức liên quan đến tài khóa và tiền tệ. Định hướng tăng trưởng của Việt Nam trong dài hạn đang phụ thuộc vào khu vực nước ngoài, định hướng xuất khẩu và phụ thuộc FDI.

Việt Nam thiếu nền tảng tăng trưởng dài hạn, đó là chất lượng nguồn nhân lực khó có thể đáp ứng được những tiến bộ công nghệ mới

Việt Nam thiếu nền tảng tăng trưởng dài hạn, đó là chất lượng nguồn nhân lực khó có thể đáp ứng được những tiến bộ công nghệ mới

Trong bối cảnh đó, chính sách tài khóa và tiền tệ có giúp gì cho xu hướng tăng trưởng trong tương lai hay không và đang gặp những thách thức nào? Tôi muốn nhấn mạnh đến vai trò chính sách tài khóa và tiền tệ đối với tăng trưởng trong dài hạn. Bởi vì những quốc gia duy trì được chính sách kinh tế vĩ mô tốt, thì họ sẽ duy trì được tăng trưởng cao và ổn định, từ đó dẫn đến cải thiện nguồn thu ngân sách cũng như nền tài khóa vững mạnh. Qua đó, họ sẽ duy trì được tính bền vững của nợ công, của thu ngân sách và có nguồn lực dành cho đầu tư phát triển nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng tiền tệ thấp. Khi đó, chính sách tiền tệ không bị lạm dụng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà nền tảng tăng trưởng chủ yếu dựa vào chính sách tài khóa.

Ngược lại, nếu chính sách tài khóa yếu, thâm hụt ngân sách diễn ra, thì thường chính sách tài khóa phải được sử dụng rất nhiều để hỗ trợ tăng trưởng và hỗ trợ cả việc phát hành trái phiếu Chính phủ để tài trợ cho vay nợ chính phủ, dẫn đến tăng trưởng cung tiền cao.

Điều này đã được thể hiện rất rõ trong thập kỷ 2010, thâm hụt ngân sách của Việt Nam rất lớn và tăng trưởng cung tiền lên tới 30 - 40% - một năm mà hậu quả của nó là lạm phát cao, đồng nội tệ mất giá, tiền lương tăng nhanh, chi phí sinh hoạt, chi phí sản xuất tăng nhanh.

Cứ khi nào Việt Nam duy trì tăng trưởng cung tiền cao, thì tỷ lệ lạm phát cũng cao theo. Vì vậy, nếu Việt Nam muốn duy trì lạm phát ổn định thì phải kiểm soát được tốc độ tăng trưởng cung tiền.

Về tỷ giá hối đoái, trong thập kỷ trước liên tục bất ổn, có đợt phá giá mạnh đồng nội tệ nhưng 10 năm gần đây không còn hiên tượng đó, nhờ vậy các chính sách tiền tệ của NHNN có tín nhiệm cao hơn giai đọan trước.

Đặc điểm tiếp theo của hệ thống tiền tệ đó là khả năng tuân thủ các chỉ tiêu an toàn (Basel II) của hệ thống còn thấp và cơ cấu vốn huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn cao và khó giảm.

Huy động vốn của ngân hàng thường dưới một năm, trong khi đó vốn vay cho phát triển sản xuất dựa vào vốn vay dài hạn. Trong bối cảnh thị trường vốn còn sơ khai, vốn vay của doanh nghiệp vẫn phải phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng. Song, hiệu quả sử dụng tín dụng ngày càng thấp thể hiện qua dư nợ tín dụng/GDP tăng nhanh. Khi nền kinh tế Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào tín dụng, để tăng trưởng kinh tế thì tăng trưởng tín dụng cũng cao.

Khuyến nghị chính sách

Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng trong dài hạn của nền kinh tế Việt Nam, cần chú trọng đến một số vấn đề sau:

Một là chính sách tài khóa, cần đảm bảo tính bền vững của nợ công gồm hai chỉ tiêu: ổn định quy mô nợ công theo thu NSNN và kiểm soát nghĩa vụ nợ trên thu ngân sách. Tuy nhiên, cũng phải cải thiện cơ cấu chi ngân sách theo hướng giảm tiêu dùng tăng chi đầu tư phát triển. Thu NSNN nên giảm dựa vào các nguồn thu kém bền vững, tránh phát sinh những loại phí, lệ phí mới.

Đặc biệt, chính sách tài khóa nên định hướng theo hướng nghịch chu kỳ, cụ thể những năm nền kinh tế tăng trưởng cao cần có thặng dư ngân sách để tích lũy nguồn lực, dự phòng cho những thời kỳ xấu như giai đoạn COVID hay kinh tế thế giới khó khăn như hiện nay.

Hai là chính sách tiền tệ, phải ưu tiên mục tiêu kiểm soát lạm phát thông qua kiểm soát tăng trưởng cung tiền, không để tăng trưởng cung tiền vọt lên cao quá như thời kỳ trước.

Đặc biệt, chính sách tiền tệ phải tuân thủ theo quy tắc minh bạch, có giải trình rõ ràng, đây vẫn còn là nhược điểm lớn của chính sách tiền tệ ở Việt Nam. Một chính sách khó dự đoán, bất ngờ, không minh bạch sẽ gây bất ngờ cho nền kinh tế và tạo ra cú sốc tiêu cực. Chính sách tiền tệ cần phải thực hiện theo những quy tắc nhất định, tăng hay giảm lãi suất đều phải có lý do. Ví dụ điều chỉnh lãi suất theo mục tiêu ổn định lạm phát hay ổn định tỷ giá hay giảm tỷ lệ thất nghiệp. Khi đó, thị trường, doanh nghiệp và người dân sẽ dự báo được.

Chiếu theo kinh nghiệm từ Mỹ, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) còn chưa điều chỉnh lãi suất, thị trường và doanh nghiệp đã dự đoán được xu hướng, bởi họ căn cứ vào những thông tin về diễn biến lạm phát, thị trường tài chính, số người thất nghiệp... Từ đó dự đoán được lãi suất tăng bao nhiêu và không bất ngờ, không tiêu cực.

Trong khi đó, chính sách tiền tệ của Việt Nam gần như không có giải trình. Cả một thời gian dài không tăng lãi suất, đến tháng 9 và tháng 10 tăng hai lần gây ra cú sốc bất ngờ cho nền kinh tế, làm cho môi trường kinh tế vĩ mô rủi ro. Người dân và doanh nghiệp không thể lên kế hoạch kinh doanh dài hạn.

Riêng về tỷ giá, Việt Nam nên theo đuổi chế độ tỷ giá thả nổi có quản lý thay vì chính sách neo tỷ giá cứng nhắc như hiện nay. So với các nước trong khu vực, hay chỉ riêng ASEAN-5, các nước này vẫn theo chính sách tỷ giá thả nổi có quản lý. Từ đầu năm đến nay đồng tiền của họ mất giá 9-10% tương đương chúng ta, nhưng họ không bị vướng vào vấn đề lãi suất như ở Việt Nam hiện nay.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Tác động của chính sách tài khoá - tiền tệ đến tăng trưởng dài hạn tại chuyên mục DIỄN ĐÀN TÀI CHÍNH của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713609091 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713609091 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10