Dư địa và chính sách nào để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế năm 2024?

LÊ MỸ 21/02/2024 14:07

Việt Nam bước vào năm 2024 với dư địa dồi dào để kích thích nhu cầu trong nước, cộng hưởng chính sách tiền tệ nới lỏng với kỳ vọng một đợt cắt giảm lãi suất mới...

>>>2024 - Năm cảm nhận tác động trễ của chính sách tài khóa và tiền tệ

Theo đó, sẽ là động lực thúc đẩy cho các trụ cột kinh tế bứt phá, tạo kết quả tăng trưởng như mong đợi trong 2024.

Theo SSI Research,p/năm 2024 sẽ là năm “cấtp/cánh” cho việc triển khai và thực hiện

Theo SSI Research, năm 2024 sẽ là năm “cất cánh” cho việc triển khai và thực hiện các mục tiêu chính sách

Tiếp tục mở rộng tài khóa

Việt Nam bước vào năm 2024 với dư địa dồi dào để kích thích nhu cầu trong nước, với nợ công ước tính khoảng 39% - 40% GDP (thấp hơn nhiều so với mức trần 60% của Chính phủ Việt Nam), theo báo cáo triển vọng kinh tế năm 2024 của SSI Research vừa công bố.

Theo đó, Chính phủ cũng đang tích cực mở rộng nguồn thu từ cơ sở thuế (Quyết định 508/2022 về cải cách hệ thống thuế) và IMF ước tính rằng cân đối tài chính của Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng thâm hụt nhẹ trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, bao gồm cả cải cách tiền lương.

So với các nước trong khu vực, nợ Chính phủ của Việt Nam ở mức dễ kiểm soát và nằm trong nhóm thấp nhất trong khu vực khi Chính phủ đã không đẩy chi tiêu quá mạnh trong thời kỳ Covid-19. Do đó, các chuyên gia cho rằng việc Chính phủ Việt Nam có thể tiếp tục mở rộng chính sách tài khóa trong suốt năm 2024 để hỗ trợ nền kinh tế là hoàn toàn hợp lý.

Với dư địa như vậy, việc tiếp tục mở rộng chính sách tài khóa cho phép thúc đẩy tiêu dùng trong nước với cải cách tiền lương và vô số biện pháp hỗ trợ khác, theo SSI Research.

Sau một thời gian trì hoãn do đại dịch Covid-19, việc triển khai cải cách chính sách tiền lương cho khu vực công (+30% bình quân cho năm 2024) sẽ diễn ra từ 1/7/2024, cùng với đó là việc tăng lương tối thiểu vùng (+ 6%). Đây là những động lực mới cho tiêu dùng nội địa năm 2024, bên cạnh triển vọng kinh tế tốt hơn và việc Chính phủ tiếp tục giảm một số loại thuế, trong đó có thuế GTGT, trong nửa đầu năm.

Ngoài ra, một loạt các chính sách đáng chờ đợi, theo chia sẻ của Lãnh đạo Bộ Tài chính như Bộ này dự kiến tiếp tục đề xuất các giải pháp áp dụng cho năm 2024 , là xem xét tiếp tục giảm thuế, phí như: thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng, rà soát giảm thuế xuất nhập khẩu...

>>>Duy trì chính sách tiền tệ, tài khoá linh hoạt trong năm 2024

Bên cạnh đó, cơ quan thuế chậm hoàn thuế sẽ phải trả tiền chậm hoàn cho doanh nghiệp...; sẽ tạo thêm nguồn lực trực tiếp để doanh nghiệp, sản xuất, tiêu dùng phục hồi mạnh mẽ.

Điểm sáng đầu tư công

Theo kế hoạch đầu tư công năm 2024 được Quốc hội thông qua là 677,3 nghìn tỷ đồng, cao hơn 18% so với kế hoạch năm 2023 và chưa tính phần giải ngân từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Nhóm chuyên gia SSI Research đặt giả định rằng 95% kế hoạch năm 2023 sẽ được giải ngân và khoảng 40 nghìn tỷ đồng được chuyển từ Chương trình phục hồi, thì tổng chi cho cơ sở hạ tầng cho năm 2024 có thể đạt 710 nghìn tỷ đồng – con số thấp hơn một chút so với kế hoạch năm 2023 nhưng vẫn ở mức cao so với trung bình 5 năm qua.

Thực tế, theo công bố ngay đầu năm của Thủ tướng Chính phủ, năm 2024, cả nước dành 657.000 tỷ đồng cho đầu tư công, chủ yếu là đầu tư hạ tầng giao thông và phấn đấu đạt tỉ lệ giải ngân ít nhất 95%.

Nhấn mạnh đầu tư công có vai trò quan trọng, dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, Thủ tướng Chính phủ cho biết, cùng với hiệu quả thúc đẩy động lực tăng trưởng, việc tập trung giải ngân đầu tư công, với các dự án giao thông được đưa vào khai thác sẽ góp phần giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp, giảm giá thành đầu vào, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế; tạo không gian phát triển mới vì đường đi đến đâu, mở ra không gian phát triển mới đến đó, nhất là phát triển công nghiệp, các khu đô thị, dịch vụ…

So sánh với các quốc gia cùng khu vực, theo báo cáo phân tích, đầu tư công ở Việt Nam vẫn ở mức khoảng 6% GDP - nằm trong số những quốc gia chi tiêu nhiều nhất ở ASEAN (Indonesia [3%], Ấn Độ [4%] và Trung Quốc [5%]).

"Với việc ghi nhận mức tăng trưởng giải ngân tương đối cao (22.8% svck), đặc biệt trong giai đoạn cuối của năm tài khóa, có thể kỳ vọng sẽ tạo ra đóng góp vào tăng trưởng GDP của năm 2024. Điểm mới của năm 2024 có thể sẽ đến từ việc triển khai Nghị quyết 106/2023 của Quốc hội nhằm hỗ trợ triển khai các dự án cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ có hiệu lực trong ba năm – với mục tiêu đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý, ví dụ như giúp các nhà thầu tiếp cận dễ dàng hơn mỏ đất/đá phục vụ xây dựng đường cao tốc", các chuyên gia nhận định.

Chính sách tiền tệ nới lỏng

"Song kiếm hợp bích" cùng chính sách tài khóa kỳ vọng tiếp tục mở rộng, là chính sách tiền tệ được giới chuyên môn tin rằng cần thiết duy trì nới lỏng để hỗ trợ sản xuất và tăng trưởng trong năm 2024.

Theo các chuyên gia SSI Research, tin rằng NHNN vẫn còn dư địa để thực hiện thêm một đợt cắt giảm lãi suất chính sách nữa vào năm 2024, do hoạt động kinh tế vẫn chưa quay trở lại xu hướng tăng trưởng tiềm năng, chưa kể đến việc 2024 sẽ là năm đột phá cho kế hoạch trung hạn 2021-2025. Tuy nhiên, lãi suất tiền gửi sẽ khó tiếp tục giảm mạnh (dự báo lãi suất tiền gửi 12 tháng cuối năm 2024 của nhóm chuyên gia là 5,5% (tăng 50 điểm cơ bản so với 2023), trong khi lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện tại có thể có khả năng giảm thêm 50 -100 điểm cơ bản trong nửa đầu năm 2024.

Tuy quan điểm về việc NHNN có tiếp tục có thêm đợt cắt giảm lãi suất trong năm 2024 hay không vẫn còn nhiều ý kiến, phân tích trái chiều, song rõ ràng nhưng thuận lợi từ nội tại và khách quan đang cho phép những kỳ vọng giữ mặt bằng lãi suất thấp kéo dài. Trong đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có khả năng cắt giảm lãi suất vào tháng 5 tới sẽ tác động lên dư địa điều hành chính sách tiền tệ của nhiều quốc gia bao gồm có Việt Nam. Trong nước, áp lực lạm phát thấp là lợi thế lớn trong khi nhu cầu tiếp cận tín dụng vẫn cần được kích thích cao để tăng trưởng.

"Do vậy mục tiêu của chính sách tiền tệ có thể vẫn tiếp tục hướng tới các đối tượng cụ thể, ngành nghề ưu tiên… trong khi vẫn kiểm soát tăng trưởng tín dụng hợp lý (14-15%) nhằm đạt được mức tăng trưởng tối ưu và tiềm năng nợ xấu gia tăng, đồng thời kiềm chế lạm phát.

Thực thi chính sách đa mục tiêu chưa bao giờ là một công việc dễ dàng, tuy nhiên ít nhất áp lực lạm phát được kiểm soát tốt sẽ tạo dư địa rộng rãi hơn cho việc triển khai", chuyên gia SSI Research nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Tài khóa cần “song hành” cùng tiền tệ

    Tài khóa cần “song hành” cùng tiền tệ

    04:04, 02/01/2024

  • Duy trì chính sách tiền tệ, tài khoá linh hoạt trong năm 2024

    Duy trì chính sách tiền tệ, tài khoá linh hoạt trong năm 2024

    05:02, 01/01/2024

  • Giải bài toán khó trong điều hành chính sách tiền tệ, tài khoá năm 2024

    Giải bài toán khó trong điều hành chính sách tiền tệ, tài khoá năm 2024

    05:25, 20/02/2024

  • Chính sách tiền tệ 2023: Tiếp tục củng cố vững chắc nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô

    Chính sách tiền tệ 2023: Tiếp tục củng cố vững chắc nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô

    09:48, 28/12/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Dư địa và chính sách nào để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế năm 2024?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO