Kinh tế

Tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt để hỗ trợ doanh nghiệp

Gia Nguyễn 05/11/2024 10:05

Tham gia thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước, đại biểu đề nghị tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt để hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo đó, tiếp tục phiên họp sáng 05/11, tham gia thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 và một số nội dung về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách Nhà nước, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre đánh giá cao Chính phủ cùng với các bộ, ngành, địa phương đã rất nỗ lực trong việc thu ngân sách Nhà nước.

tiep-tuc-linh-hoat-chinh-sach-tai-khoa-tien-te-05.11.2.2.jpg
Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre tham gia ý kiến tại hội trường - Ảnh: Media Quốc hội

Đại biểu cho biết, Chính phủ dự kiến thu ngân sách năm 2024 sẽ tăng 10% so với năm 2023. Trong dự toán ngân sách 2025, Chính phủ yêu cầu tăng thu thêm 5% so với năm 2024. Tuy nhiên, một số địa phương gặp khó khăn do ảnh hưởng của bão số 3, cần được hỗ trợ để phục hồi sản xuất kinh doanh và góp phần tăng thu ngân sách.

Vì vậy, đại biểu tỉnh Bến Tre đề nghị, cần tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Đồng thời, tập trung khai thác các nguồn thu như sử dụng đất, xổ số kiến thiết, trong đó cần sớm hoàn thiện các chính sách liên quan như bảng giá đất, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Đất đai. Hướng dẫn cụ thể cho các địa phương trong quá trình thu ngân sách, giải quyết những khó khăn vướng mắc.

Về tiết kiệm chi thường xuyên và đầu tư công, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn cho rằng, Chính phủ yêu cầu tiết kiệm 5% chi thường xuyên để tăng đầu tư phát triển. Để thực hiện được điều này, cần thực hiện cắt giảm 5% chi thường xuyên ngay từ đầu năm để tạo thuận lợi cho việc bố trí vốn đầu tư công. Cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch Đầu tư trong lập kế hoạch và bố trí nguồn vốn đầu tư công…

tiep-tuc-linh-hoat-chinh-sach-tai-khoa-tien-te-05.11.2.1.jpg
Đại biểu Cầm Hà Chung - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ tham gia ý kiến tại hội trường - Ảnh: Media Quốc hội

Liên quan đến vấn đề đã nêu, tham gia ý kiến tại hội trường, đại biểu Cầm Hà Chung - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội.

Đại biểu Cầm Hà Chung cho biết, theo tờ trình, Chính phủ có đề xuất cho phép dành 5% nguồn tiết kiệm chi thường xuyên để thực hiện chính sách xóa nhà tạm, nhà dột nát, đây là chủ trương rất tốt, phù hợp. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vấn đề này, Chính phủ cần cân nhắc.

“Chúng ta đề xuất giảm 5% chi thường xuyên năm 2024 nhưng bây giờ là tháng 10 rồi. Và theo quy định ngày 13/11 tới đây, Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết này. Địa phương đã xây dựng dự toán từ đầu năm, nhiều địa phương cơ bản đã giải ngân hết. Nếu cắt giảm 5% thì địa phương sẽ lấy nguồn ở đâu?”, đại biểu băn khoăn.

Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cân nhắc vấn đề này, đồng thời cần có cơ chế mở hơn. Nếu địa phương nào có khả năng tiết kiệm được thì thực hiện, không thể yêu cầu đồng loạt các địa phương đều như nhau. Nếu địa phương nào đã sử dụng hết và bắt buộc tiết kiệm thì đề nghị cần xem xét.

Ngoài ra, quan tâm về quản lý, sử dụng nguồn cải cách tiền lương, theo quy định hiện hành, các địa phương dành 70% tăng thu để thực hiện cải cách tiền lương. Đại biểu cho rằng, điều này dẫn đến có nhiều địa phương có nguồn tăng thu lớn, dư rất nhiều nhưng chỉ sử dụng 30%, còn 70% không có cơ chế nào để sử dụng, sau đó lại hoàn lại - Đây cũng là lãng phí nguồn lực.

“Không chỉ có vậy, có nhiều địa phương khó khăn, thậm chí là không có tăng thu, không đảm bảo được nguồn cải cách tiền lương. Do đó, để tạo động lực tăng thu, Chính phủ cần cân đối vốn ngân sách Trung ương cho các địa phương thiếu nguồn cải cách tiền lương. Đồng thời, có cơ chế cho đầu tư để sử dụng vào các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, có cơ chế sử dụng nguồn này chứ không đóng băng hoặc để treo như vậy”, đại biểu Cầm Hà Chung đề nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt để hỗ trợ doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO