Duy trì chính sách tiền tệ, tài khoá linh hoạt trong năm 2024

Diendandoanhnghiep.vn Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024 được đánh giá khả quan hơn, nhưng vẫn còn những thách thức tiềm ẩn, đòi hỏi các biện pháp duy trì ổn định kinh tế nhạy bén và linh hoạt.

>> Chính sách tiền tệ 2023: Tiếp tục củng cố vững chắc nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô

Các chỉ số kinh tế tích cực

Triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2024 có những dấu hiệu cho thấy sẽ khả quan hơn năm 2023. Bởi, trong những tháng cuối cùng của năm nay, các chỉ số kinh tế - xã hội của Việt Nam hầu hết đều có biến động tích cực, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; tỷ giá được ổn định; tăng trưởng được thúc đẩy.

PGS.TS. Nguyễn Thanh Phương, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng

PGS.TS. Nguyễn Thanh Phương, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng

Cùng với đó, các tổ chức quốc tế như IMF, OECD, Goldman Sachs… mới đây đều đưa ra những nhận định lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế của toàn cầu trong năm tới. Các chính sách tài khóa và tiền tệ thắt chặt nhằm kiểm soát lạm phát đã gây ra những trở ngại cho nền kinh tế trong năm 2023, nhưng những tác động tồi tệ nhất được cho là đã qua, các nền kinh tế Hoa Kỳ, Châu Âu có thể đạt được mức tăng trưởng khả quan trong năm 2024, và điều này sẽ ảnh hưởng tích cực đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Với đà phục hồi hiện tại cùng các biện pháp quyết liệt của Chính phủ, lãnh đạo các cấp, của doanh nghiệp và người dân, và triển vọng đang dần tích cực hơn của kinh tế thế giới, dự báo kinh tế Việt Nam năm 2024 sẽ phục hồi tốt hơn, và có thể đạt mức tăng trưởng 6-6,5% ở kịch bản cơ sở, theo đúng mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra.

Tuy nhiên, cũng phải nhận định rằng trong năm 2024, kinh tế cả trong và ngoài nước vẫn có thể tiếp tục đối mặt với những khó khăn chưa thể dự báo được hết, do đó, mục tiêu tăng trưởng kể trên của Việt Nam cũng không phải là một nhiệm vụ hoàn toàn dễ dàng.

Về lạm phát, sang năm 2024, với đà phục hồi kinh tế dự báo tốt hơn, cung tiền và vòng quay tiền cải thiện, trong khi lạm phát và giá cả thế giới (nhất là giá năng lượng) giảm nhưng còn ở mức cao, tôi cho rằng CPI bình quân của Việt Nam sẽ tăng khoảng 3,5-4%, trong ngưỡng mục tiêu cho phép. Ngoài ra, năm 2024, với dự báo giá điện tiếp tục đà tăng, giá dịch vụ y tế cũng có thể tăng mạnh do đề xuất thay đổi cách tính giá viện phí của Bộ Y tế gần đây, những điều này cũng có thể gây áp lực lên lạm phát. Phía cơ quan quản lý cho biết sẽ tính toán liều lượng và thời điểm điều chỉnh giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục, phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát. 

Về lãi suất điều hành, với việc các hoạt động kinh tế đang được phục hồi và cải thiện, tỷ lệ lạm phát đã giảm xuống dưới mức mục tiêu, tôi cho rằng, khả năng NHNN tiếp tục cắt giảm lãi suất trong năm sau là tương đối thấp. Điều này là tương đối hợp lý bởi dư địa giảm lãi suất điều hành của NHNN hiện nay còn khá ít. Thực tế, Chính phủ đã chuyển trọng tâm sang các biện pháp phi lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Do đó, theo nhiều dự báo, NHNN có thể sẽ duy trì lãi suất chính sách ổn định ở mức 4,5% trong năm 2024 để hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng, phục hồi.

Về tỷ giá, với những biện pháp can thiệp của NHNN nhằm ổn định và kiểm soát tỷ giá trong giai đoạn gần đây, áp lực tỷ giá trong năm 2024 sẽ được giảm bớt. Cán cân thanh toán, vốn liên hệ và tác động lớn tới tỷ giá, cũng được dự báo sẽ thặng dư mức cao trong năm sau.

Theo đó, tài khoản vãng lai, thặng dư thương mại trong năm 2024 sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, dự kiến cán cân thu nhập vẫn sẽ tiếp tục thâm hụt do các khoản thanh toán và rút lợi nhuận của khối FDI về nước. Trong khi đó, chuyển giao vãng lai duy trì thặng dư do sự ổn định của dòng kiều hối về Việt Nam.

Giải ngân FDI của Việt Nam cũng được IMF dự báo sẽ tăng trưởng tích cực, trong khoảng 5,1% năm 2024, trong khi đó dòng vốn gián tiếp vẫn duy trì dương nhưng ở mức thấp do lãi suất USD chưa hạ nhiệt.

Dự trữ ngoại hối của Việt Nam năm 2024 dự kiến tăng trưởng ở mức khá an toàn, từ đó góp phần giúp Việt Nam có thêm dư địa ổn định tỷ giá trong bối cảnh lạm phát thời gian tới được dự báo không phải rủi ro lớn với nền kinh tế.

>> Kỳ vọng chính sách tiền tệ sẽ nới lỏng hơn nữa trong năm 2024

Vẫn đòi hỏi linh hoạt chính sách

Mặc dù trong bối cảnh tích cực về triển vọng kinh tế, chúng ta cũng cần nhận thức về những thách thức tiềm ẩn. Các tổ chức quốc tế đánh giá cao khả năng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam, nhưng vẫn tồn tại một số yếu tố có thể tác động tiêu cực.

Dư địa giảm lãi suất điều hành của NHNN hiện nay còn khá ít vì nếu tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng có thể sẽ khiến áp lực tỷ giá tăng mạnh và tiềm ẩn rủi ro lạm phát

Dư địa giảm lãi suất điều hành của NHNN hiện nay còn khá ít vì nếu tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng có thể sẽ khiến áp lực tỷ giá tăng mạnh và tiềm ẩn rủi ro lạm phát

Ví dụ như thách thức từ biến động giá năng lượng và giá điện có thể gây áp lực lạm phát; hay những biến động khó lường của ngành tài chính - ngân hàng có thể ảnh hưởng đến việc ổn định lãi suất, tỷ giá.

Ngoài ra, hoạt động xuất khẩu cũng sẽ phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn trong thời gian tới, bởi nền kinh tế toàn cầu đang bước vào thời kỳ đầy rủi ro; nguy cơ suy thoái kinh tế, lạm phát và lãi suất tiếp tục duy trì ở mức cao khiến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh tại các quốc gia trên thế giới, trong đó có khu vực châu Âu, châu Mỹ đều là những đối tác thương mại lớn của Việt Nam, cùng với đó là xu hướng dịch chuyển nguồn cung về gần thị trường tiêu thụ...

Như vậy, nếu những khó khăn của nền kinh tế như sức mua trong nước giảm, đơn hàng xuất khẩu không phục hồi như kỳ vọng, nguồn vốn hỗ trợ chưa tới được các doanh nghiệp… tiếp diễn trong năm 2024, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường có thể sẽ tiếp tục gia tăng, từ đó, làm suy giảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh chung của nền kinh tế.

Do đó, các biện pháp duy trì ổn định kinh tế vẫn đòi hỏi sự nhạy bén và linh hoạt từ các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan quản lý nhà nước. Trong đó, tăng cường giám sát hệ thống sẽ là một trong những định hướng trọng tâm trong điều hành của NHNN năm 2024. Việc giám sát hướng tới các vấn đề như sở hữu chéo, kiểm soát rủi ro tín dụng, song song với việc thực hiện quy trình tín dụng tại các ngân hàng, việc ứng dụng và những rủi ro khi ứng dụng công nghệ mới trong hệ thống ngân hàng…

Đặc biệt, dư địa giảm lãi suất điều hành của NHNN hiện nay còn khá ít vì nếu tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng có thể sẽ khiến áp lực tỷ giá tăng mạnh và tiềm ẩn rủi ro lạm phát. Vì vậy, tôi cho rằng, bên cạnh chính sách tiền tệ thì Việt Nam cần tăng cường hơn nữa các chính sách tài khóa nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp (giảm thuế giá trị gia tăng, tích cực đẩy mạnh hơn nữa đầu tư công…), từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Duy trì chính sách tiền tệ, tài khoá linh hoạt trong năm 2024 tại chuyên mục DIỄN ĐÀN TÀI CHÍNH của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714286984 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714286984 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10