Trong khi chính sách tiền tệ không có nhiều dư địa thì tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế thông qua chính sách tài khóa có ý nghĩa quan trọng để củng cố sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
>>>Tiếp sức phục hồi kinh tế
Đây là một trong những kiến nghị chính sách được Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đề cập trong công bố báo cáo “Điểm lại - Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam”. WB cũng nhận định, kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu phục hồi và dự báo tăng trưởng sẽ đạt 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6,0% vào năm 2025.
Ông Sebastian Eckardt - Giám đốc khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB về Kinh tế vĩ mô, thương mại và đầu tư cho biết: trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục có những bất định, nền kinh tế Việt Nam có tín hiệu phục hồi với khả năng chống chịu tốt. Dự kiến, đà phục hồi này tiếp tục duy trì trong năm nay.
Các chính sách kinh tế vĩ mô của Việt Nam cần hiệu chỉnh cho phù hợp với môi trường kinh tế toàn cầu. Trong đó, đẩy mạnh đầu tư công vừa góp phần thúc đẩy cầu và phục hồi kinh tế trong ngắn hạn vừa giải quyết những điểm nghẽn cơ sở hạ tầng quan trọng về năng lượng, giao thông và hậu cần vốn là nền tảng cho tăng trưởng kinh tế dài hạn của Việt Nam cũng như đảm bảo hỗ trợ chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế số.
Phân tích kỹ hơn về các động lực tăng trưởng của Việt Nam, bà Dorsati Madani - chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết: nền kinh tế Việt Nam bắt đầu có một số tín hiệu phục hồi ở cả ba trụ cột là xuất khẩu, tiêu dùng trong nước và đầu tư. Trong đó, sự phục hồi mạnh nhất là xuất khẩu từ nền tảng thấp năm 2023.
Nền kinh tế toàn cầu trải qua nhiều bất định và bức tranh này chưa rõ nét với tăng trưởng trì trệ và quá trình phục hồi không đồng đều trong các năm 2024 - 2025. Con số tăng trưởng của 3 đối tác thương mại chính của kinh tế Việt Nam là Hoa Kỳ, châu Âu và Trung Quốc tuy không phải là mức độ ngoạn mục nhưng cũng ghi nhận những dấu hiệu cải thiện. Lực cầu bên ngoài với hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể tốt hơn.
Ở trong nước, sự phục hồi dần đều trong xuất khẩu sẽ thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Từ nửa sau năm nay, tăng lương ở khu vực công và tăng lương hưu sẽ hỗ trợ thúc đẩy tiêu dùng trong nước.
Cũng ở nửa sau năm 2024, trong đầu tư tư nhân, bất động sản dự kiến phục hồi với nhiều cải cách thể chế được thực hiện như Luật Đất đai năm 2023 có hiệu lực thực thi; trái phiếu doanh nghiệp có tín hiệu tốt từ cuối năm ngoái.
Từ những phân tích trên, WB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6% vào năm 2025 khi lĩnh vực bất động sản dự báo sẽ phục hồi mạnh từ cuối năm nay và năm sau, thúc đẩy nhu cầu trong nước khi các nhà đầu tư và người tiêu dùng dần lấy lại niềm tin.
>>>Chính sách tài khóa nên tập trung vào tạo nền tảng phục hồi tăng trưởng
Trong bối cảnh này, WB nhấn mạnh đến việc tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế thông qua chính sách tài khóa để củng cố sự phục hồi và đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng từ nguồn lực công. Qua đó thu hút đầu tư tư nhân, thu hút FDI hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với tiềm năng tăng trưởng GDP là 0,1 điểm phần trăm cho mỗi mức tăng 1 điểm phần trăm trong đầu tư công tính theo tỷ lệ GDP.
Trong khi đó, chính sách tiền tệ tiếp tục các chính sách tạo thuận lợi nhưng không có nhiều dư địa cho việc cắt giảm lãi suất thêm do chênh lệch lãi suất giữa thị trường trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, đảm bảo sự ổn định của khu vực tài chính vẫn là điều quan trọng nhất. Trong đó tập trung quản lý rủi ro tiềm ẩn liên quan đến nợ xấu gia tăng, bao gồm cả nguyên nhân do giá trị tài sản giảm trên thị trường bất động sản. Vùng đệm vốn của các ngân hàng thương mại hiện tương đối mỏng và sự suy giảm của thị trường bất động sản có thể khiến nguồn vốn của các ngân hàng này sụt giảm thêm.
WB cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng những cải cách cơ cấu đem lại sinh khí cho nền kinh tế thông qua việc nới lỏng các quy định và cải thiện khả năng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hy vọng thời gian tới những doanh nghiệp này sẽ phát triển hơn, có năng suất cao hơn, sẽ trở thành những yếu tố chính đóng góp cho tăng trưởng kinh tế xuất khẩu. Cùng với đó, đẩy nhanh đầu tư vào ngành điện.
Có thể bạn quan tâm
2024 - Năm cảm nhận tác động trễ của chính sách tài khóa và tiền tệ
11:23, 13/02/2024
Chính sách tài khóa – Giải pháp hữu hiệu hỗ trợ kinh tế năm 2024 “bứt tốc”
04:00, 06/02/2024
Chính sách tài khóa - tiền tệ nới lỏng mạnh, hỗ trợ tăng trưởng GDP
05:05, 07/12/2023
Chính sách tiền tệ cạn dư địa, cần đẩy mạnh chính sách tài khoá
03:00, 07/10/2023
ADB: Việt Nam vẫn cần chính sách tiền tệ hỗ trợ và chính sách tài khóa mở rộng
14:43, 27/09/2023
Việt Nam cần nhiều công cụ chính sách tài khoá hơn
01:00, 14/07/2023
Hỗ trợ doanh nghiệp “vượt khó” – Cần tìm lối ra từ chính sách tài khóa
12:00, 03/06/2023