Năm tới chính sách tiền tệ khó có thể nới lỏng như năm nay bởi áp lực từ vấn đề tỷ giá và lạm phát. Vì vậy, nền kinh tế chỉ có thể trông chờ nhiều hơn vào chính sách tài khoá.
Đó là chia sẻ của PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế quốc dân mới đây tại toạ đàm MBS' Talk.
Bình luận về ba động lực của nền kinh tế là tiêu dùng - đầu tư - xuất khẩu, PGS.TS Phạm Thế Anh nhấn mạnh cả ba động lực này đều tăng trưởng hoặc phục hồi rất chậm.
>>> Thúc đẩy tăng trưởng thị trường trong nước gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô
Theo đánh giá của ông Thế Anh, đối với tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng đang giảm qua các quý. Kinh tế Việt Nam đã trải qua mấy năm COVID-19, năm 2022 lại trải qua cú sốc về tài chính tiền tệ, do đó thu nhập của người dân giảm sút rất mạnh, các nguồn tiết kiệm dần cạn kiệt, kể cả khối tư nhân hay khối doanh nghiệp.
Theo đó, “không thể kỳ vọng tiêu dùng sẽ tăng mạnh trong các tháng cuối năm. Hiện tiêu được “đỡ” rất nhiều bởi khu vực du lịch, nhất là du lịch quốc tế chứ tiêu dùng trong nước chưa có sự khởi sắc trở lại. Do vậy, đà tăng trưởng tiêu dùng trong các tháng cuối năm vẫn sẽ chậm lại chưa có sự đột biến".
Vị chuyên gia nhận định: với động lực từ đầu tư, năm nay chủ yếu đến từ đầu tư công, giải ngân vốn đầu tư công hiện đã đạt trên 50% kế hoạch còn các thành phần đầu tư tư nhân và đầu tư của khu vực FDI đều chưa đột phá.
Đầu tư FDI trong các tháng gần đây có sự tăng trưởng cho thấy những nỗ lực của Chính phủ đã ít nhiều tác động, tạo kỳ vọng cho khu vực này. Tuy nhiên, cần thời gian để hiện thực hoá các kỳ vọng này và chưa thể hiện được ngay trong giai đoạn trước mắt.
Ông Phạm Thế Anh cũng nhận định đầu tư tư nhân năm nay rất yếu do sức khoẻ của doanh nghiệp giảm sút, lãi suất đi vay tương đối cao, các điều kiện ràng buộc tín dụng chặt chẽ và đặc biệt là tính bi quan của doanh nghiệp khi họ chưa nhìn thấy được triển vọng tốt của nền kinh tế thế giới và trong nước. Ba thành phần đầu tư chủ yếu dựa vào đầu tư công nhưng không thể có nguồn lực để tăng mãi được.
Kinh tế thế giới được dự báo là tiếp tục ở môi trường lãi suất cao và gần đây những bất lợi còn đến từ việc giá nhiên liệu tăng cao và thời tiết khiến giá lương thực cũng tăng. Vì vậy, theo ông Phạm Thế Anh, động lực cuối cùng là xuất khẩu cũng sẽ tiếp tục khó khăn.
>>> Vượt "cơn gió ngược, GDP Việt Nam tăng trưởng ấn tượng
Đặc biệt, từ nay đến cuối năm, theo ông Thế Anh dự báo: giá nguyên liệu tiếp tục ở mức cao chứ không hạ ngay được. Những tín hiệu tích cực trong ngành xuất khẩu và chế biến, chế tạo trong những tháng gần đây mang tính tạm thời nhiều hơn.
Vì vậy, khả năng quay đầu của chính sách tiền tệ trên thế giới càng gặp khó.
Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế quốc dân lý giải, có thể do sắp vào mùa tiêu dùng của các nước phương Tây nên thị trường hồi phục một phần. Trong những tháng cuối năm, xuất khẩu có thể tốt hơn so với các tháng đầu năm nhưng để kéo nền kinh tế lên thì còn rất khó khăn.
Vì vậy, ông Thế Anh cho rằng: mục tiêu tăng trưởng 6,5% ngoài tầm tay, chỉ nên coi đó là mục tiêu để phấn đấu hơn là mục tiêu cần phải đạt được.
“Để đạt mục tiêu đó, quý IV phải tăng trưởng hai con số, trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế hiện nay, điều này là không khả thi. Điều này hàm ý rằng các chính sách đi kèm cũng đang hướng tới hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ", ông Phạm Thế Anh nói.
Tăng trưởng GDP năm 2024 so với năm 2023 theo ông Thế Anh điểm hạn chế là chính sách tiền tệ khó có thể nới lỏng thêm khi chính sách tiền tệ đang bộc lộ hạn chế.
Hiện nay, lãi suất huy động đã giảm rất sâu về giống thời điểm COVID-19, trong khi đó hiện nhu cầu tín dụng yếu - nhu cầu này không hoàn toàn phụ thuộc vào lãi suất mà còn phụ thuộc vào đầu ra của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp chưa tiêu thụ được sản phẩm thì cũng chưa có nhu cầu vay vốn để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Vì thế, nhu cầu của các thị trường thế giới có phục hồi hay không sẽ là một yếu tố rất quan trọng.
Lạm phát của Việt Nam cũng được cho là đang có dấu hiệu quay trở lại, sau khi giảm nhanh trong các tháng đầu năm thì đến gần đây lạm phát tổng thể đã tăng trở lại, nếu tính lạm phát đã lên tới 3,7%.
Đây là giới hạn mà chính sách tiền tệ đang gặp phải khi Việt Nam theo đuổi chính sách lãi suất thực dương nên khó thể giảm tiếp.
>>> Chờ đợi tín hiệu tăng trưởng tín dụng trở lại
Cùng với đó, sức ép tỷ giá là rất lớn khi lãi suất ở Việt Nam giảm mạnh mà môi trường lãi suất trên thế giới tiếp tục neo cao khiến cho lãi suất khó có thể hạ thêm trong vòng một năm tới.
"Khi nền kinh tế thế giới chưa hồi phục, chúng ta phải trông chờ nhiều hơn vào chính sách tài khoá mà trong đó chủ yếu là đầu tư công", ông Thế Anh nhấn mạnh.
Ông Phạm Thế Anh cho rằng, về chính sách để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm tới: Chính phủ cần tiếp tục thúc đẩy đầu tư công đồng thời chọn lọc một số thị trường để tập trung vào thì có thể kỳ vọng đây sẽ là động lực cho nền kinh tế.
Và việc tập trung vào phân khúc nhà ở thương mại bình dân hay nhà ở xã hội cùng với đầu tư công sẽ giúp nền kinh tế tăng trưởng tốt hơn. Còn tiêu dùng nội địa thì khó đột phá khi mà phần tích luỹ của người dân và doanh nghiệp dần cạn kiệt, đầu tư tư nhân sẽ phải chờ sự phục hồi của nền kinh tế thế giới, PGS.TS Phạm Thế Anh đánh giá.
Có thể bạn quan tâm
02:30, 30/09/2023
14:20, 19/09/2023
15:07, 14/09/2023
05:00, 12/09/2023