Chính sách tiền tệ cần là “hậu phương” cho chính sách tài khoá

DIỄM NGỌC 09/01/2022 12:00

Chính sách tiền tệ cần chịu trách nhiệm chính trong vai trò kiểm soát lạm phát, giảm thiểu rủi ro thị trường tiền tệ, tạo nguồn tài chính đủ rẻ, đủ ổn định cho các biện pháp hỗ trợ tài khóa...

>>Cần thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội

Hiện nay, nhiều chuyên gia đều đưa ra dự báo rằng, Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ bị lỡ nhịp với kinh tế thế giới và khu vực. Kết quả tăng trưởng thấp năm 2020, cũng như bình quân cả giai đoạn 5 năm 2021 - 2025 đang đặt ra sức ép lớn về phục hồi kinh tế năm 2022. Do đó, đề án và dự thảo nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022 - 2023 đang được thảo luận thông qua là hoàn toàn cấp thiết.

Để lo được kịp và đủ tiền cho gói hỗ trợ cũng là một trong những khó khăn, thách thức lớn

Để lo được kịp và đủ tiền cho gói hỗ trợ cũng là một trong những khó khăn, thách thức lớn

Theo Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, với các với định hướng tập trung nguồn lực cho 4 ưu tiên gồm: Y tế, an sinh xã hội, doanh nghiệp và cơ sở hạ tầng là cần thiết. Tuy nhiên, tính khả thi, khả năng hấp thụ của một số cấu phần như: Hỗ trợ lãi vay qua ngân hàng thương mại 40 nghìn tỉ đồng; thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi bổ sung qua Ngân hàng Chính sách xã hội 38,4 nghìn tỉ đồng; đặc biệt là về tăng cường đầu tư công cho hạ tầng giao thông chiến lược hơn 100 nghìn tỉ đồng vẫn còn nhiều băn khoăn.

“Các lập luận, phân tích, đánh giá, nhận định trong đề án chi tiết chưa thực sự thuyết phục. Đặc biệt, việc triển khai giải ngân được hết vốn của gói hỗ trợ và nền kinh tế hấp thụ kịp, hấp thụ hiệu quả trong thời hạn cho phép, sẽ đòi hỏi nỗ lực quyết tâm rất lớn của Chính phủ. Nhưng để lo được kịp và đủ tiền cho gói hỗ trợ thì còn khó khăn hơn nhiều.

Về tài khóa, đúng như Chính phủ nhìn nhận, tổng nhu cầu huy động vốn bổ sung cho NSNN 240 nghìn tỉ đồng là nhiệm vụ khó khăn và áp lực do 2 năm 2022 - 2023 còn phải huy động khoảng 1,1 triệu tỉ đồng theo dự toán NSNN được Quốc hội phê duyệt, trong đó riêng vay trong nước đã khoảng 1 triệu tỉ đồng, chủ yếu bằng hình thức phát hành trái phiếu chính phủ nội tệ. Trong khi về phía tiền tệ, các giải pháp nêu ra trong đề án còn khá chung chung và nặng về định tính”, Đại biểu Hà Sỹ Đồng bày tỏ.

>>Khuyến nghị chính sách phục hồi nền kinh tế: (Kỳ I) Phối hợp chính sách tài khoá và tiền tệ

Ngoài ra, vị Đại biểu cũng nhấn mạnh đến nội hàm cụ thể của việc chính sách tiền tệ phối hợp với chính sách tài khóa trong khuôn khổ gói hỗ trợ. Theo đó, chính sách tiền tệ cần hoàn thành tốt trọng trách của mình trong việc góp phần tạo lập và duy trì môi trường vĩ mô ổn định, điều kiện tài chính - tiền tệ thuận lợi cho chính sách tài khóa ngược chu kỳ phát huy tối đa hiệu quả. Cụ thể, chính sách tiền tệ cần chịu trách nhiệm chính trong vai trò kiểm soát lạm phát, giảm thiểu rủi ro thị trường tiền tệ, cũng như tạo nguồn tài chính đủ rẻ, đủ ổn định cho các biện pháp hỗ trợ tài khóa.

chính sách tiền tệ cần hoàn thành tốt trọng trách của mình trong việc góp phần tạo lập và duy trì môi trường vĩ mô ổn định, điều kiện tài chính - tiền tệ thuận lợi cho chính sách tài khóa phát huy hiệu quả

Chính sách tiền tệ cần hoàn thành tốt trọng trách của mình trong việc góp phần tạo lập và duy trì môi trường vĩ mô ổn định, điều kiện tài chính - tiền tệ thuận lợi cho chính sách tài khóa phát huy hiệu quả

Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã làm rõ, gói chính sách tài khóa, tiền tệ lần này là gói chính sách bổ sung ngoài khung khổ các kế hoạch trung hạn 5 năm mà Quốc hội đã quyết định và ngoài các chính sách đã quyết định trong năm 2020-2021. Do đó, đòi hỏi quyết định một cách thận trọng.

“Các chính sách nếu không được quyết định đúng và trúng, để xảy ra lãng phí là có lỗi với Nhân dân, bởi suy cho cùng nguồn lực thực hiện đều từ tiền thuế của Nhân dân. Lưu ý, việc quyết định chính sách mới nằm ngoài khung khổ đã có không phải là không có rủi ro, do đó, bên cạnh huy động được nguồn lực còn phải phân bổ đúng và trúng, sử dụng hiệu quả, tính khả thi cao. Thời gian thực hiện chỉ có 2 năm, nếu không bảo đảm triển khai nhanh, hiệu quả thì không còn là gói hỗ trợ khẩn cấp nữa”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết thêm, tinh thần là Quốc hội ủng hộ cao nhất để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện. Ủy ban Pháp luật cũng cần chủ động rà soát các vấn đề này. Các cơ chế chính sách thí điểm phải rõ địa chỉ để kiểm soát, cái gì cần sửa luật thì báo cáo Quốc hội để sửa luật. Nếu có ủy quyền, phân cấp thì chỉ ủy quyền, phân cấp một cấp, đi liền với đó là trách nhiệm.

Trách nhiệm của Quốc hội và Chính phủ lần này là rất nặng nề, vì đây là vấn đề hệ trọng liên quan đến sự phục hồi và phát triển bền vững của đất nước. Trách nhiệm càng lớn thì càng phải thận trọng, kỹ lưỡng.

Có thể bạn quan tâm

  • Giải toả tâm lý lo lạm phát, sớm thúc đẩy chương trình phục hồi kinh tế

    05:30, 08/01/2022

  • Nỗ lực giảm lãi suất và thuế phí theo chương trình phục hồi

    04:30, 08/01/2022

  • Quốc hội xem xét Chương trình phục hồi kinh tế

    10:30, 07/01/2022

  • Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi kinh tế

    13:38, 05/01/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chính sách tiền tệ cần là “hậu phương” cho chính sách tài khoá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO