Đảm bảo công bằng cho nhà bán lẻ xăng dầu
Để thị trường xăng dầu hoạt động ổn định, công thức tính giá cơ sở phải phân định chi phí và lợi nhuận tối thiểu ở cả 3 khâu: đầu mối, thương nhân phân phối và doanh nghiệp bán lẻ.
>>Cân nhắc việc cho phép các đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy hàng từ nhiều nguồn
Đây là chia sẻ của TS Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty TNHH Bội Ngọc (Trà Vinh) với Diễn đàn Doanh nghiệp.
- Nhiều ý kiến cho rằng, mức chiết khấu cho doanh nghiệp tham gia kinh doanh xăng dầu, đặc biệt là doanh nghiệp bán lẻ, đang được cho là nguyên nhân dẫn đến những bất ổn của thị trường xăng dầu đã và đang diễn ra thời gian qua, ông đánh giá sao về nhận định này?
Trong Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 chưa có nội dung đề cập về chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu. Tại Điều 38 về nguyên tắc điều hành giá xăng dầu chỉ quy định, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu được quyền quyết định giá bán buôn.
Căn cứ vào tình hình thực tế tại doanh nghiệp, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu quyết định giá bán lẻ xăng dầu trong hệ thống phân phối của mình phù hợp với chi phí phát sinh thực tế tại doanh nghiệp và không cao hơn giá điều hành do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công bố.
Từ đó dẫn đến hiện trạng, chiết khấu 0 đồng, thậm chí âm, không đủ đảm bảo chi phí trong kinh doanh, khiến doanh nghiệp không thiết tha với việc bán hàng.
Để thị trường hoạt động ổn định trong tình hình hiện nay thì công thức tính giá cơ sở phải phân định chi phí và lợi nhuận tối thiểu ở cả 3 khâu: đầu mối, thương nhân phân phối và doanh nghiệp bán lẻ.
Chiết khấu hay một số người gọi là thù lao cần phải được đưa vào công thức tính giá cơ sở, xem như chi phí lưu thông của khâu bán lẻ một cách hợp lý và cần thiết. Bởi, từ trước tới nay không phân định rõ vấn đề này nên giao quyền chung cho doanh nghiệp đầu mối phân chia chi phí của cả hệ thống dẫn tới các công ty đầu mối có quá nhiều quyền quyết định phần lợi nhuận và chi phí lưu thông, dẫn tới khâu của doanh nghiệp bán lẻ có chi phí rất thấp, thường là dưới điểm hòa vốn khiến các doanh nghiệp bán lẻ nằm trong tình trạng thua lỗ hơn 1 năm nay, gặp khó khăn và bất ổn, khiến thị trường có những thời điểm thiếu hàng, đứt gãy chuỗi cung ứng.
Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới việc phải sửa Nghị định về kinh doanh xăng dầu, vì vậy, cần đưa chi phí và lợi nhuận của doanh nghiệp bán lẻ vào công thức tính giá cơ sở.
>>Cần có quy định mức chiết khấu tối thiểu cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu
- Vậy, trong Nghị định sửa đổi về kinh doanh xăng dầu lần này, mức chiết khấu cần được xử lý như thế nào, thưa ông?
Chiết khấu tối thiểu bằng tỷ lệ % trên giá bán để doanh nghiệp bán lẻ giữ vững được hoạt động kinh doanh trong mọi tình huống, nhằm cung cấp sản phẩm xăng dầu tới tay người tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhất là ở những thời điểm thị trường xăng dầu thế giới bất ổn, giá cả biến động lớn.
Theo tôi, nên quy định mức chiết khấu tối thiểu khoảng 5-6% trên mức giá bán lẻ. Mức chiết khấu tối thiểu có ý nghĩa, mang tính căn cơ, giữ vững quan điểm của Đảng và Nhà nước là vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, bởi chiết khấu tối thiểu là phần cứng và là công cụ quản lý Nhà nước hữu hiệu nhằm đảm bảo cho mọi hoạt động của cả hệ thống kinh doanh xăng dầu ổn định, phục vụ cho nhu cầu xã hội và nền kinh tế trong mọi tình huống.
Phần còn lại có thể là phần tăng thêm, là sự cơ động, linh hoạt của các nhà cung cấp để cạnh tranh giành thị phần theo nguyên tắc hoạt động kinh tế thị trường có sự điều hành của Nhà nước.
- Để doanh nghiệp bán lẻ đảm bảo chi phí kinh doanh với mức chiết khấu, ông có đề xuất, kiến nghị gì?
Theo tôi để giải quyết vấn đề này thì không có cách nào khác là chúng ta phải nhìn nhận lại chi tiết từng khía cạnh, vấn đề của Nghị định hiện hành đang áp dụng. Trong đó, cái gì phức tạp nhất thì mình nên quy về đơn giản nhất có thể để giải quyết, và như đã nêu, chi phí lưu thông trong công thức tính giá cơ sở cần phải được chia rõ phần chi phí và lợi ích ở cả 3 khâu: đầu mối, thương nhân phân phối và doanh nghiệp bán lẻ.
Hiện nay, chi phí lưu thông chung là 1.350 đồng/lít xăng gồm có lợi nhuận định mức là 300 đồng và 1.050 đồng chi phí lưu thông/lít xăng. Vì vậy, chỉ cần phân chia trong công thức giá cơ sở đã xây dựng ra thành 3 phần ở các khâu theo tỷ lệ (%) phù hợp với sự đóng góp trong cả hệ thống là vấn đề sẽ được giải quyết.
Hiện, trong Nghị định do không ghi rõ tỷ lệ nên doanh nghiệp đầu mối hưởng hết khi họ lỗ, và khi lãi thì doanh nghiệp đầu mối lại dùng để bù vào lỗ của chu kỳ trước.
Do vậy, tôi đề nghị phân chia rõ tỷ lệ ở các khâu về chi phí lưu thông định mức và riêng khâu bán lẻ cộng thêm 5%/giá bán thời điểm tương đương với 1.180 đồng/lít xăng theo giá hiện nay.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Cân nhắc việc cho phép các đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy hàng từ nhiều nguồn
11:00, 07/02/2023
Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đề xuất mức chiết khấu tối thiểu
03:20, 04/02/2023
Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu gửi đơn “cầu cứu” Thủ tướng
05:00, 02/02/2023
Cần có quy định mức chiết khấu tối thiểu cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu
03:30, 21/11/2022
Kiến nghị Bộ Công Thương gỡ khó cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu
00:06, 12/10/2022
Vì sao doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu liên tục kêu càng bán, càng lỗ?
00:50, 02/10/2022
Hoá giải thế khó trên thị trường bán lẻ xăng dầu
11:10, 20/09/2022