Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần quan tâm chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
Để thể hiện tính công khai, minh bạch trong xây dựng pháp luật, theo chuyên gia, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), cần quan tâm, giải quyết các vấn đề về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…
>> Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cân nhắc ấn định thời hạn thu hồi đất hoang hóa
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sau nhiều lần tổ chức lấy ý kiến, tiếp thu, sửa đổi và gần đây nhất là Dự thảo ngày 5/01/2023 (đã tiếp thu, chỉnh sửa sau Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XV tháng 11/2022). Đến thời điểm hiện nay, đây được coi là bản Dự thảo tiếp thu một cách đầy đủ, toàn diện nhất các ý kiến góp ý từ các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, xã hội và giới nghiên cứu. Trong đó, không ít nội dung được cho đã tiếp thu và chỉnh sửa thể hiện những quan điểm mới, những sửa đổi bám sát với yêu cầu của thực tiễn hơn, giải quyết được nhiều vấn đề tồn đọng trên thực tế.
Tiếp tục góp ý, hoàn thiện Dự thảo Luật (sửa đổi) lần này, nhiều ý kiến cho rằng, quá trình sửa đổi, nội dung của chính sách cần quan tâm, giải quyết các vấn đề về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đảm bảo quyền lợi cho người dân trong thu hồi đất.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, TS Nguyễn Quân - Hội Tự động hóa Việt Nam cho hay, về thu hồi đất và bồi thường khi thu hồi đất, đây là vấn đề quan trọng và nhạy cảm nhất của Luật.
Do đó, ngoài các dự án vì mục đích an ninh, quốc phòng, cần hạn chế các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trên cơ sở làm rõ tiêu chí xác định loại dự án, chỉ nên bao gồm các dự án quy định tại khoản 1, Điều 78 có cụ thể hóa “công trình công cộng không nhằm mục đích kinh doanh” như các công trình giao thông theo quy hoạch (đường, cầu, nhà ga, bến cảng...), trụ sở cơ quan Nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của nhà nước như: trường học, bệnh viện, viện nghiên cứu công lập..., công viên, quảng trường, công trình phúc lợi công cộng theo quy hoạch. Các dự án khác phải là loại dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ hoặc Quốc hội.
“Nhà nước sẽ chỉ chịu trách nhiệm thu hồi đất và bồi thường đối với số lượng hạn chế các dự án thực sự quan trọng và vì lợi ích quốc gia, công cộng, khi đó mức bồi thường sẽ được áp dụng mức giá đất theo quy định của bảng giá đất do UBND địa phương ban hành hàng năm… Ngoài các dự án này, Nhà nước không đứng ra thu hồi đất để giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án như trước đây, Nhà nước chỉ phê duyệt chủ trương thực hiện dự án và hướng dẫn chủ đầu tư về quy trình, thủ tục bồi thường và nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, các chủ đầu tư sẽ phải tự thỏa thuận mức bồi thường với người sử dụng đất khi triển khai thực hiện dự án…”, TS Nguyễn Quân đề xuất.
>> Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần làm rõ vấn đề thu hồi và giải quyết khiếu nại
Còn theo TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, về thu hồi đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là tồn tại cần quan tâm và giải quyết để thể hiện tính công khai, minh bạch trong xây dựng pháp luật. Trong Dự thảo Luật (sửa đổi) về thu hồi đất đã xác định trong chương VI với 11 Điều, về cơ bản đã có nhiều đổi mới bám sát định hướng đã xác định.
“Tuy nhiên, còn một số nội dung cần lưu ý. Đối với thu hồi đất vì mục đích an ninh quốc phòng, đã cụ thể hóa song với nhà công vụ, nhà khách nên tuân theo quy định về nhà ở xã hội trong Luật Nhà ở. Đối với thu hồi đất và phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia (Điều 78 Dự thảo) cần quy định rõ với dự án khu đô thị với khái niệm bao gồm cả xây dựng nhà ở thương mại, chỉnh trang…”, TS Đào Ngọc Nghiêm đề xuất.
Bên cạnh những nội dung đã nêu, góp ý Dự thảo, Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến - Chủ tịch Hội Luật gia TP. Hà Nội cũng cho rằng, liên quan thu hồi đất, trưng dụng đất, Dự thảo đã quy định cụ thể, chi tiết những trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai; thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất. Căn cứ, thẩm quyển thu hồi đất và quy trình thu hồi đất và trình tự thủ tục bồi thường hỗ trợ tái định cư thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, công cộng. Tuy nhiên còn, một số quy định chưa rõ ràng, khó thực hiện.
Về bồi thường hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, Dự thảo đã quy định hợp lý, sát thực tiễn, xử lý nhiều bất cập, vướng mắc của Luật Đất đai hiện hành về bồi thường hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất sử dụng vào mục đích an ninh, quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
“Tuy nhiên, Ban soạn thảo cần cụ thể hóa tiêu chí “Điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” quy định tại khoản 2 Điều 89 để cho quy định này được thực hiện trong thực tiễn; đồng thời, bổ sung câu “đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng đất” vào sau cụm từ “của pháp luật” tại khoản 5 Điều 89”, Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến đề xuất.
Được biết, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 Chương, 236 Điều, quy định về chế độ sở hữu đất đai, quyền hạn, trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, thống nhất quản lý về đất đai, việc quản lý đất đai và chế độ sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của công dân, người sử dụng đất đối với đất đai thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cân nhắc ấn định thời hạn thu hồi đất hoang hóa
11:00, 18/02/2023
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần làm rõ vấn đề thu hồi và giải quyết khiếu nại
04:00, 17/02/2023
Xem xét Dự án Luật Đất đai (sửa đổi): Có thể làm việc cả ngày nghỉ, giờ nghỉ
16:11, 07/02/2023
Lấy ý kiến nhân dân về Luật Đất đai sửa đổi
01:00, 04/01/2023
LUẬT ĐẤT ĐAI SỬA ĐỔI: Chuẩn hóa khái niệm “người sử dụng đất”
03:00, 21/11/2022