Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần có sự đột phá trong quản lý và sử dụng đất
Ngoài những góp ý về các bất cập, hạn chế xoay quanh các quy định được đề xuất, chuyên gia cũng cho rằng, nội dung Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), cần có sự đột phá trong quản lý và sử dụng đất…
>> Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần ngăn chặn việc tùy tiện điều chỉnh quy hoạch
Theo đó, việc lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã và đang bước vào cao điểm với nhiều hình thức khác nhau. Bên cạnh rất nhiều bất cập từ quy định của 9 nội dung trọng tâm đưa ra lấy ý kiến cho đến kỹ thuật lập pháp ở Dự thảo đã được chỉ ra. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, không ít quy định vẫn đang “nhường” khó khăn cho dân, chưa xác định rõ mối quan hệ giữa chủ sở hữu (toàn dân) và đại diện của chủ sở hữu (Nhà nước), đặc biệt trong các quy định về quản lý và sử dụng đất.
Góp ý tại Hội nghị lấy ý kiến các tổ chức, nhà khoa học về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức vừa qua, dẫn thực tế về tình trạng tham nhũng, quản lý đất đai, vi phạm của các cơ quan quản lý ngày càng nghiêm trọng, GS.TS Lê Hồng Hạnh - nguyên Phó hiệu trưởng Trường đại học Luật Hà Nội, nhấn mạnh, toàn bộ nội dung Dự thảo Luật (sửa đổi) chưa cho thấy những thay đổi đột phá trong quản lý và sử dụng đất.
Theo ông Hạnh, Dự thảo Luật (sửa đổi) vẫn thiên về tăng cường quản lý với cán cân lệch hẳn sang yếu tố siết chặt quản lý Nhà nước như các Luật Đất đai trước đây. Điều này có nghĩa, trong tương lai, quản lý Nhà nước về đất đai vẫn vậy.
Đồng thời phân tích, quản lý và sử dụng đất đai không được thực hiện với sự tham gia thực chất của người dân thì khó mang lại hiệu quả và thúc đẩy phát triển. Trao quyền cho người sử dụng đất, cho cộng đồng sử dụng đất là yếu tố mà Dự thảo Luật (sửa đổi) cần đảm bảo bằng những quyền và nghĩa vụ cụ thể.
“Đất đai là sở hữu toàn dân, thì yếu tố dân chủ, yếu tố quyền của người dân phải thấm đượm sâu rộng trong toàn bộ Dự thảo. Các quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa thấy bóng dáng rõ nét về sự tham gia của người dân, cộng đồng. Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, trưng thu, trưng dụng đất trong Dự thảo vẫn chưa dựa trên nền tảng tiếp cận theo quyền”, ông Hạnh góp ý.
>> Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Đánh thuế tài sản phải phân định và có cơ chế rõ ràng
Vị chuyên gia này cũng dẫn ra nhiều ví dụ để minh chứng cho nhận xét đã nêu, trong đó, có quy định tại Điều 121 liệt kê các loại đất chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép gần như không còn chỗ cho việc tự chuyển đổi mục đích.
Liệu tất cả những người sử dụng đất phải tuân theo quy định này hay không? Câu trả lời chưa tìm thấy trong Điều 121. Câu hỏi đặt ra là, liệu đất vườn của người sử dụng đất đã có giấy chứng nhận, sinh sống lâu năm trên thửa đất đó, nay chuyển sang đất ở để giải quyết nhu cầu nhà ở của gia đình có phải xin phép cơ quan có thẩm quyền không? Nếu buộc phải xin phép thì Dự thảo đi ngược lại quyền tài sản của cá nhân.
Cũng đặt vấn đề như trên, ông Hạnh cho rằng, cần nghiên cứu và quy định lại nội dung Điều 121 trên tinh thần của Nghị quyết 18/NQ-TW là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.
Còn theo nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - Phan Trung Lý, cần rà soát kỹ hơn để các quy định tại Dự thảo để thực sự phù hợp với quy định của Hiến pháp: “Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước”. Đây là yêu cầu trước hết và quan trọng nhất để bảo đảm phát huy giá trị của đất đai.
Điều đó cũng có nghĩa phải có các quy định chặt chẽ nhằm bịt các “lỗ hổng” pháp luật, khắc phục tình trạng khai thác giá trị đất đai phục vụ cho lợi ích riêng, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm; ngăn chặn hiện tượng tham nhũng chính sách, lợi dụng chính sách đất đai để làm giàu cho cá nhân.
Vị chuyên gia này cho rằng, Dự thảo Luật (sửa đổi) chưa làm rõ được cơ sở pháp lý của chủ sở hữu đất đai, mối quan hệ giữa chủ sở hữu và đại diện của chủ sở hữu.
Cụ thể, theo quy định của Hiến pháp, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Luật Đất đai phải quy định rõ quyền hạn và trách nhiệm của chủ sở hữu đó. Quyền hạn nào phải của toàn dân với tư cách chủ sở hữu quyết định (thông qua việc trưng cầu ý dân); quyền hạn nào chủ sở hữu được ủy quyền cho người đại diện thực hiện quyền hạn, trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ với cơ quan Nhà nước khác với tư cách là đại diện cho chủ sở hữu đất đai cũng phải được làm rõ. Cơ chế báo cáo kiểm tra, giám sát và vai trò của các tổ chức, đoàn thể của Nhân dân, nhất là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng phải được làm rõ.
Bên cạnh những ý kiến đã nêu, trước đó, tại các cuộc góp ý, không ít chuyên gia cũng bày tỏ, nhiều nội dung tại Dự thảo Luật (sửa đổi) vẫn gây khó hiểu, nhất là nội dung liên quan đến thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Có thể bạn quan tâm
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần ngăn chặn việc tùy tiện điều chỉnh quy hoạch
04:00, 24/02/2023
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Đánh thuế tài sản phải phân định và có cơ chế rõ ràng
05:00, 23/02/2023
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần giải thích rõ ràng, thuyết phục về thu hồi đất
04:00, 22/02/2023
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần thiết xây dựng cơ chế phát triển quỹ đất
04:00, 21/02/2023
Xáo trộn cấp “sổ đỏ” theo dự thảo Luật Đất đai
05:00, 20/02/2023