Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần công khai, minh bạch về định giá đất
Để tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, cần xem xét việc công khai, minh bạch về định giá đất...
>> Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Nên làm rõ về quyền sử dụng đất trong hộ gia đình
Công tác định giá đất đai trong thời gian qua được cho còn nhiều bất cập, bởi không chỉ là nguyên nhân dẫn đến những mâu thuẫn, kiện cáo kéo dài mà còn gây ra tình thất thu ngân sách Nhà nước, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng. Trong đó, không ít ý kiến cho rằng, nguồn cơn của hiện trạng đã nêu xuất phát từ việc công tác định giá đất đang trong tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.
Cụ thể, Điều 13 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định, đất đai là thuộc sở hữu toàn dân và Nhà nước là đại diện chủ sở hữu, thống nhất quản lý… Đồng tình với quy định này của Dự thảo, ông Nguyễn Thanh Bình - Trưởng ban tư vấn Dân chủ Pháp luật quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh cho rằng, Luật quy định “quyền sử dụng đất” là loại tài sản, là loại hàng hoá đặc biệt, thì cần thiết xem xét công nhận quyền mua bán quyền sử dụng đất, có như vậy mới giảm được tình trạng khiếu nại, tố cáo về đất đai. Nhà nước đại diện quyền sở hữu đất đai của toàn dân và chỉ có chủ sở hữu mới có quyền định đoạt, còn các tổ chức, cá nhân chỉ quan tâm đến vấn đề sử dụng đất. Việc thoả thuận mua bán theo giá thị trường sẽ tránh được tình trạng người dân bị o ép khi giao đất và tránh được tình trạng khiếu nại tố cáo.
“Không thiếu trường hợp cán bộ có chức có quyền cấu kết với các chủ doanh nghiệp khi giải toả đền bù áp mức giá rất thấp với người dân. Nhưng nếu đã có quyền mua bán thì sẽ không còn hiện tượng đó nữa và sẽ không gây thiệt hại cho người dân”, ông Nguyễn Thanh Bình thẳng thắn.
Còn theo PGS.TS. Phan Trung Hiền – Trưởng khoa Luật, Đại học Cần Thơ, so với Luật Đất đai hiện hành, Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) đã có nhiều cải tiến. Song vẫn còn nhiều bất cập. Đó là, việc định giá, xác định giá đất thuộc công tác chuyên môn nhưng đang là việc riêng của cơ quan hành chính Nhà nước mà cụ thể ở đây là UBND cấp huyện, cấp tỉnh, các đoàn thể xã hội không biết, người dân cũng vậy. Cho nên, khi cơ quan hành chính Nhà nước đưa ra giá, ai chịu thì chịu, ai không chịu thì cứ khiếu kiện, khiếu nại.
>> Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Chưa rõ "thu hồi đất vì mục đích kinh tế"
Trong khi đó, đối với cơ quan hành chính Nhà nước, ngoài thực hiện nhiệm vụ định giá đất, còn thực hiện luôn nhiệm vụ hành chính về đất, lại cũng là cơ quan giải quyết khiếu kiện, khiếu nại về giá đất. Đây là một thực trạng, “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, và là mấu chốt gây bức xúc cho Nhân dân hiện nay.
Do vậy, PGS.TS. Phan Trung Hiền đề xuất, trong công tác chuyên môn phải công khai minh bạch về quy trình thẩm định, công khai chứng thư thẩm định và có sự tham gia góp ý của người dân, các tổ chức đoàn thể, mặt trận Tổ quốc ở địa phương giám sát. Đồng thời, cần bổ sung vào Điều 226 của Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) vai trò của toà án giải quyết khiếu kiện về giá đất.
“Theo các quốc gia trên thế giới, việc định giá theo 2 quy trình, thì phải bám sát cơ chế thị trường, nên đầu tiên là cơ quan chuyên môn có vai trò thẩm định giá đất, không nhất thiết phải là cơ quan hành chính mà có thể là hội đồng nhân dân để đại diện cho người dân”, PGS.TS. Phan Trung Hiền bày tỏ.
Xoay quanh vấn đề đã nêu, ông Phan Văn Lâm - Phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật và hòa giải, Viện Nghiên cứu Pháp luật và Kinh tế Asean cũng cho rằng, để đảm bảo công tác định giá đất không bị chi phối thì nên dùng các đơn vị chuyên môn không có nguồn vốn của Nhà nước và chịu trách nhiệm độc lập trước pháp luật.
“Giá đất được xác định một cách chủ quan, thiên về mục đích quản lý, thu ngân sách sẽ tạo ra nhiều hệ lụy, là nguyên nhân của tình trạng tham nhũng, thao túng thị trường đất đai. Chỉ ở Việt Nam mới có tình trạng đất đai được các cơ quan quản lý nhà nước xác định cho giai đoạn 5 năm và sử dụng hệ số K để điều chỉnh. Đây chính là rào cản lớn nhất tạo ra khoảng cách giữa giá Nhà nước và giá thị trường đất đai, làm cho quyền lợi và nghĩa vụ của người dân không được đảm bảo trong quá trình thực thi chính sách pháp luật của nhà nước”, ông Lâm bày tỏ.
Đồng thời cho rằng, toàn bộ quy trình định giá đất đều do cơ quan hành chính Nhà nước thực hiện. Người bị thu hồi đất đứng ngoài quy trình đó mặc dù luật có đề cập đến tư vấn giá đất. Điều đó cho thấy giá đất được quy định với sự “áp đặt”.
“Theo tôi, cơ quan quản lý Nhà nước chỉ cần tham gia với mức độ cung cấp thông tin, bảo vệ các lợi ích Nhà nước, của công dân có thể bị ảnh hưởng bởi yếu tố định giá. Cơ quan Nhà nước không nên đứng ở vị trị quyết định trong hội đồng định giá đất”, ông Lâm bày tỏ.
Có thể bạn quan tâm
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Nên làm rõ về quyền sử dụng đất trong hộ gia đình
04:00, 27/02/2023
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Chưa rõ "thu hồi đất vì mục đích kinh tế"
04:10, 26/02/2023
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần có sự đột phá trong quản lý và sử dụng đất
11:20, 25/02/2023
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Bổ sung quy hoạch sử dụng đất cấp vùng
05:00, 25/02/2023
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần ngăn chặn việc tùy tiện điều chỉnh quy hoạch
04:00, 24/02/2023