Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Băn khoăn cơ chế giải quyết tranh chấp
Bên cạnh những nội dung về khai thác, quản lý, sử dung đất, góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), không ít ý kiến cũng băn khoăn về cơ chế giải quyết khi xảy ra tranh chấp…
>> Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Giúp khai thác hiệu quả nguồn lực đất nông nghiệp
Theo Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai là của Tòa án nhân dân. UBND các cấp có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất để làm căn cứ cho tòa án giải quyết theo thẩm quyền khi được yêu cầu. Trong khi đó, theo quy định Luật Đất đai hiện hành, UBND cũng có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai và người tranh chấp được lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng cách gửi đơn khởi kiện ra Tòa hoặc theo đường hành chính.
Góp ý về nội dung đã nêu của Dự thảo Luật (sửa đổi), không ít ý kiến lo ngại ngành Tòa án sẽ quá tải, khó đảm bảo thời hạn giải quyết tranh chấp đất đai, ảnh hưởng quyền lợi của người tranh chấp, nhất là khi Dự thảo đang sửa đổi theo hướng gần như “dồn” hết thẩm quyền giải quyết tranh chấp cho Tòa mà không giao cho UBND các cấp như trước.
Thông tin tại Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Đoàn đại biểu TP. Hồ Chí Minh tổ chức vừa qua, ThS Lê Nhật Bảo - Giảng viên Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh cho rằng, Dự thảo lần này đã tiếp thu rất nhiều điểm tiến bộ, tích cực mà nhân dân góp ý. Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề giải quyết tranh chấp đất đai vẫn còn một vài điểm băn khoăn.
Theo ThS Lê Nhật Bảo, khái niệm “tranh chấp đất đai” trong Dự thảo chưa thật sự hợp lý ở nội dung “tranh chấp về nghĩa vụ của người sử dụng đất”. Bởi thông thường, người ta chỉ tranh chấp quyền, lợi ích hợp pháp chứ không ai tranh chấp việc thực hiện nghĩa vụ. Do đó, cần sửa lại quy định này theo hướng tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền của người sử dụng đất.
>> Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần công khai, minh bạch về định giá đất
Cũng theo ThS Lê Nhật Bảo, về quy định hoà giải tại UBND cấp xã, Dự thảo đã tiến bộ hơn rất nhiều khi không yêu cầu đây là quy định bắt buộc trước khi khởi kiện ra Toà án mà chỉ dừng lại ở việc khuyến khích. Tuy nhiên, quy định về hoà giải trong Dự thảo cũng còn vài điểm chưa rõ ràng.
“Cụ thể như quy định tại điểm b khoản 2 Điều 224 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), thành phần hoà giải tại UBND cấp xã gồm có Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác. Nhưng phạm vi “các tổ chức xã hội khác” gồm những tổ chức nào chưa được Dự thảo làm rõ, quy định này cũng không giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Do đó, tôi đề nghị cần làm rõ vấn đề này”, ThS Nhật Bảo nêu quan điểm.
Đồng tình với những nhận định về nội dung cơ chế giải quyết tranh chấp, một số ý kiến cũng cho rằng, đối với việc giải quyết tranh chấp đất đai thì Luật Đất đai năm 1993 quy định giao cho UBND các cấp. Đến Luật Đất đai năm 2013 thì mở rộng thêm cơ quan giải quyết là Tòa án.
Tuy nhiên, theo Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thì hoàn toàn thẩm quyền giải quyết là Toà án. Thế nhưng, tranh chấp đất đai là vấn đề phức tạp và hiện nay năng lực Tòa án giải quyết hết hay không? Vì theo thống kê 70% các vụ việc giải quyết về khiếu nại, tố cáo, tranh chấp là liên quan tới đất đai. Dồn hết qua Toà án liệu có được giải quyết nhanh chóng, kịp thời?
Vì vậy, góp ý hoàn thiện về nội dung đã nêu, một số ý kiến cho rằng, cần có cơ chế linh hoạt là người dân có quyền chọn lựa UBND các cấp hoặc Tòa án nếu không có giấy tờ nhà đất. Khi người dân nộp đơn lên UBND các cấp thì tiến hành hòa giải, giải quyết tranh chấp nhanh chóng, kịp thời. Bởi, nguồn gốc đất, quá trình sử dụng với những biến thiên hết sức phức tạp chỉ có cơ quan hành chính mới nắm được.
Xoay quanh nội dung giải quyết tranh chấp đất đất đai, dù đồng tình với việc giải quyết tranh chấp đất đai như quy định tại Điều 225 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tuy nhiên, Luật sư Tô Văn Chung - thành viên Hội đồng tư vấn dân chủ, pháp luật của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hồ Chí Minh cho rằng, trong thực tiễn, có nhiều vụ án tranh chấp đất đai kéo dài, Tòa phải ra quyết định tạm đình chỉ vụ án vì UBND không cung cấp, chậm cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ tài liệu, chứng cứ hoặc không có văn bản trả lời cho Tòa án.
Vì vậy, trong trường hợp không cung cấp được tài liệu chứng cứ thì phải thông báo bằng văn bản cho Tòa án biết, trong đó, ghi rõ lý do của việc không cung cấp được tài liệu chứng cứ. Nếu quá thời hạn mà không được cung cấp tài liệu, chứng cứ hoặc văn bản trả lời thì Tòa án đề nghị cơ quan quản lý cấp trên của UBND được yêu cầu chỉ đạo UBND cấp dưới thực hiện cung cấp tài liệu, chứng cứ hoặc trả lời bằng văn bản của Tòa án.
Có thể bạn quan tâm
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Giúp khai thác hiệu quả nguồn lực đất nông nghiệp
04:00, 01/03/2023
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Gỡ vướng trong việc giao đất, cho thuê đất
11:30, 28/02/2023
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần công khai, minh bạch về định giá đất
04:00, 28/02/2023
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Nên làm rõ về quyền sử dụng đất trong hộ gia đình
04:00, 27/02/2023
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Chưa rõ "thu hồi đất vì mục đích kinh tế"
04:10, 26/02/2023