Ngăn chặn “núp bóng” đòi nợ thuê

NGUYỄN GIANG 03/03/2023 13:17

Chỉ thông qua đăng ký pháp nhân doanh nghiệp và có một địa chỉ đặt văn phòng, các đối tượng tội phạm “núp bóng” dưới danh nghĩa công ty luật hoặc trợ giúp pháp lý để hoạt động đòi nợ thuê...

>>TP.HCM: Khởi tố vụ án gọi điện vu khống... để đòi nợ

 Lực lượng chức năng khám xét và làm việc với các đối tượng trong vụ Công ty luật TNHH Pháp Việt đòi nợ thuê. Ảnh: CACC

Lực lượng chức năng khám xét và làm việc với các đối tượng trong vụ Công ty luật TNHH Pháp Việt đòi nợ thuê. Ảnh: CACC

Theo cơ quan chức năng, đây là hiện tượng biến tướng mới của các nhóm tội phạm đòi nợ thuê với những chiêu trò “lách luật” hết sức tinh vi.

Biến tướng theo hướng khó ngờ

Vụ việc các nhân viên Công ty Luật TNHH Pháp Việt đe dọa, khủng bố tinh thần, cưỡng đoạt tài sản của hàng triệu khách hàng vay tiền của các tổ chức tài chính, ngân hàng vừa bị Công an tỉnh Tiền Giang triệt phá mới đây như một điển hình. Theo cơ quan chức năng, đây là tổ chức tội phạm hoạt động “núp bóng” công ty tư vấn luật, có quan hệ hợp tác với một số tổ chức ngân hàng, công ty tài chính dưới danh nghĩa hợp đồng trợ giúp pháp lý, do Trần Văn Châu và Hồ Quốc Hùng cầm đầu.

Cơ quan chức năng cho biết, các đối tượng đều không có văn bằng chuyên ngành luật, mà chỉ thuê một người đứng tên đăng ký pháp nhân công ty. Tổ chức tội phạm này có sự phân công cụ thể từng công việc cho nhân viên thông qua trưởng phòng và các nhóm trưởng. Trung bình mỗi tháng công ty nhận từ các ngân hàng, công ty tài chính 141.000 đến 241.000 hợp đồng vay tiền của các khách hàng chưa trả được để phân chia cho các nhân viên công ty đòi nợ bằng hình thức đe dọa, khủng bố. Công ty được các ngân hàng và công ty tài chính trả cho từ 25% đến 35% trên tổng số tiền thu được.

Theo điều tra ban đầu cho thấy, số tiền các đối tượng đã thu được là gần 1.000 tỉ đồng. Đến nay, cơ quan điều tra xác định có khoảng 3 triệu người ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước là nạn nhân của các đối tượng trong tổ chức tội phạm “núp bóng” công ty luật nói trên.

Đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên nhóm tội phạm đòi nợ thuê “núp bóng” công ty luật bị triệt phá. Trước đó, hồi tháng 12/2022, Công an TP.HCM cũng đã khởi tố vụ án vu khống xảy ta tại Công ty Luật TNHH Power Law (có địa chỉ tại Quận 12, TP.HCM). Theo đó, công ty này có tới 200 nhân viên, nhưng chỉ có 3 người có bằng luật sư. Cơ quan chức năng đánh giá, mô hình này không phải "tín dụng đen" truyền thống mà đã biến tướng. Thậm chí công ty mua lại nợ xấu, nhận hợp đồng của các ngân hàng để đòi nợ với mức hưởng lợi lớn từ 25 - 50%.

>>Đòi nợ thuê kiểu “xã hội đen”, đối phó như thế nào?

Sớm hoàn thiện các “kẽ hở”

Trao đổi với DĐDN, luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La cho biết, trước những tiêu cực của hoạt động đòi nợ thuê, Luật Đầu tư năm 2020 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2021), tại điểm h Khoản 1 Điều 6 đã quy định “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” là ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh.

Tuy nhiên, để đối phó với quy định cấm này, các đối tượng đòi nợ thuê đã tìm nhiều cách thức “lách luật”, sử dụng “vỏ bọc” là các hoạt động hợp pháp khác như: Bên cho vay sẽ bán các khoản nợ hoặc ủy quyền cho các tổ chức hoặc cá nhân khác để đòi nợ, hoặc chuyển sang kinh doanh dịch vụ cung cấp người lao động thời vụ, với hình thức bên cho vay sẽ thuê lại người lao động của các doanh nghiệp này, để thực hiện việc đòi nợ... Trong đó, hình thức thành lập Công ty luật, để “núp bóng” các dịch vụ pháp lý của luật sư nhằm hoạt động đòi nợ thuê đã bắt đầu xuất hiện.

Theo luật sư Biên, những hiện tượng biến tướng này không chỉ gây khó khăn, phức tạp cho công tác quản lý nhà nước, làm suy giảm hiệu lực của các quy định pháp luật mà còn ảnh hưởng rất tiêu cực đến hình ảnh và uy tín của đội ngũ luật sư và nghề luật sư, cũng như khiến cho các hình thức đòi nợ thuê trái pháp luật vẫn còn đất sống, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật, tự an toàn xã hội, gây bức xúc trong xã hội.

“Các cơ quan chức năng cần phải sớm có những giải pháp về cả mặt lập pháp, hoàn thiện các quy định pháp lý và siết chặt công tác quản lý, để có thể ngăn chặn, loại bỏ và xử lý nghiêm minh các hiện tượng biến tướng, “lách luật” rất tinh vi này”, luật sư Nguyễn Đức Biên kiến nghị.

Đồng quan điểm, luật sư Trần Hồng Tình (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, hoạt động đòi nợ thuê bị pháp luật cấm và phải chịu mức phạt tiền 60-80 triệu đồng theo Điều 7 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định. Ngoài ra, doanh nghiệp kinh doanh đòi nợ thuê có thể phải chịu biện pháp khắc phục hậu quả là nộp lại số tiền bất hợp pháp có được từ hoạt động đòi nợ thuê.

“Tuy nhiên, so với những “món lợi ích” mang lại từ hoạt động này, mức xử phạt như pháp luật quy định hiện hành vẫn chưa đủ sức răn đe, nghiêm trị”, luật sư Tình chia sẻ.

Cũng theo luật sư Trần Hồng Tình, để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng này, thời gian tới, lực lượng công an cần tăng cường các biện pháp phòng ngừa, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, “núp bóng” góp phần đảm bảo an ninh trật tự xã hội. Ngoài ra, các chủ nợ cũng cần lựa chọn các phương thức đòi nợ phù hợp, đúng quy định của pháp luật bởi các chủ nợ vẫn có thể bị xử lý hình sự ngay cả khi ký hợp đồng mua bán nợ để bên thứ 3 đòi nợ thay.

“Đặc biệt, cần nghiên cứu và sớm phải luật hóa với những điều kiện cụ thể, quy định ràng buộc trách nhiệm chặt chẽ liên quan đến hoạt động “mua bán nợ” để ngăn chặn sự biến tướng của hoạt động đòi nợ thuê” - Luật sư Tình nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Đòi nợ kiểu... khủng bố?

    Đòi nợ kiểu... khủng bố?

    03:00, 08/03/2023

  • Lật tẩy thủ đoạn của nhóm đòi nợ thuê “núp bóng” Công ty Luật

    Lật tẩy thủ đoạn của nhóm đòi nợ thuê “núp bóng” Công ty Luật

    01:51, 23/02/2023

  • VTR hoán đổi nợ

    VTR hoán đổi nợ

    02:05, 17/01/2023

  • TP.HCM: Khởi tố vụ án gọi điện vu khống... để đòi nợ

    TP.HCM: Khởi tố vụ án gọi điện vu khống... để đòi nợ

    16:31, 01/12/2022

NGUYỄN GIANG