Đòi nợ kiểu... khủng bố?

SÔNG HÀN 08/03/2023 03:00

Đây là một lỗ hổng pháp luật cần được quy định lại.

>>TP.HCM: Khởi tố vụ án gọi điện vu khống... để đòi nợ

Công an Tiền Giang phối hợp các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an thực hiện việc khám xét nơi đặt trụ sở của đường dây đòi nợ thuê. Ảnh: NT

Công an Tiền Giang phối hợp các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an thực hiện việc khám xét nơi đặt trụ sở của đường dây đòi nợ thuê. Ảnh: NT

Thời gian qua, cơ quan chức năng đã khởi tố hàng loạt các vụ án liên quan đến hành vi khủng bố, cưỡng đoạt tài sản, hủy hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng của một số đối tượng hoạt động dưới hình thức công ty mua bán nợ.

Thủ đoạn của các công ty này là mua tên miền trang web, lập trang các tài khoản trên mạng xã hội để quảng cáo hoạt động, mua lại các khoản nợ xấu, nợ khó đòi. Sau đó dùng mọi thử đoạn để đòi tiền con nợ, khiến rất nhiều gia đình lao đao, gây ảnh hưởng rất lớn đến an ninh trật tự xã hội, thách thức nghiêm trọng đến sự nghiêm minh của pháp luật.

Việc Công an Tiền Giang vừa triệt xóa công ty luật Pháp Việt núp bóng đòi nợ thuê cưỡng đoạt tài sản gần 1.000 tỷ đồng làm nóng dư luận thời gian qua là minh chứng. Đáng chú ý, tổ chức tội phạm này nhận hàng ngàn hợp đồng vay của người dân từ các ngân hàng, công ty tài chính rồi đe dọa, khủng bố đòi nợ thuê.

Có ai không rùng mình khi đọc những tin tức này, để đòi được món nợ xấu từ một người dân ở Tiền Giang nhóm người Pháp Việt đã dùng rất nhiều số điện thoại để gọi điện khủng bố khách hàng. Sau khi lấy được 10 triệu lại tiếp tục gọi điện, nhắn tin cho giáo viên chủ nhiệm và Ban giám hiệu nhà trường nơi con gái khách hàng theo học. Sau đó, yêu cầu cho cháu bé “nghỉ học để gia đình giải quyết nợ” nếu không sẽ “không để yên cho gia đình các giáo viên”.

Khủng khiếp hơn nữa, nhóm đối tượng này còn mua một bình gas, yêu cầu giao đến trường con khách hàng theo học và gọi điện, buộc cô giáo ra nhận nếu không “sẽ cho nổ cả trường”. Chưa hết, nhóm người ở công ty Pháp Việt còn bắt buộc khách hàng phải trả hơn 100 triệu đồng cho khoản vay 50 triệu trước đó.

Hoặc là, dù không phải xuất phát từ ngân hàng, nhưng các app cho vay trên mạng cũng làm “nóng” dư luận không kém với những thủ đoạn khùng bố khách hàng tương tự. Mới đây, Công an Cần Thơ bắt nhóm phụ nữ (10 người) chuyên cắt ghép ảnh, xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác để đòi nợ thuê qua app vay tiền trên mạng do người Trung Quốc điều hành..v.v.

Thực ra việc khách hàng không có khả năng thanh toán cũng là một áp lực rất lớn đối với những ngân hàng thương mại. Và việc thuê một bên thứ ba để thanh khoản những khoản nợ xấu là điều đã từng xuất hiện.

Tuy nhiên, đòi nợ như đơn hàng từ ngân hàng thuê Pháp Việt thì rất đáng bị lên án. Đúng là khách hàng cũng có một phần lỗi trong sự việc này, nhưng mỗi khi vay trong hợp đồng giữa ngân hàng và khách hàng đều đã có những cam kết rõ ràng về trường hợp xử lý nợ xấu.

Có nghĩa là ngân hàng cũng đã nắm phần nào đằng chuôi. Tại sao vẫn có những kiểu hành xử giang hồ như thế? Và có phải chăng là chỉ mỗi ngân hàng thuê Pháp Việt hay còn rất nhiều ngân hàng khác nữa mà cơ quan chức năng chưa công bố? 

Công an TP.Cần Thơ kiểm tra nhà số K22 đường số 3, KDC Nông Thổ Sản, P.Phú Thứ (Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ)Công an TP.Cần Thơ kiểm tra nhà số K22 đường số 3, KDC Nông Thổ Sản, P.Phú Thứ (Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ)


>>Đòi nợ thuê kiểu “xã hội đen”, đối phó như thế nào?

>>Đa số đại biểu Quốc hội muốn cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ

Ngạc nhiên hơn ở chỗ, không ít văn phòng luật sư, công ty Luật… đã hợp tác trấn áp, đe dọa người dân như thế. Không chỉ người đứng đầu các văn phòng, công ty này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc khủng bố đe dọa người dân mà những nhân viên tham gia đòi nợ cũng phải bị xử lý thích đáng. Đồng thời,  cần có sự kiểm tra của cơ quan chức năng với các văn phòng luật sư, công ty Luật để tránh bị lợi dụng hay tiếp tay cho kẻ xấu.

Sự lộng hành, biến tướng của dịch vụ đòi nợ thuê cho các công ty tài chính, ngân hàng cho thấy hệ thống pháp luật của chúng ta còn chưa đủ sức nghiêm trị, răn đe. Còn đó những lỗ hổng để những người hiểu luật như các công ty Luật, văn phòng luật sư tìm cách lách luật để hợp tác thu nợ kiếm lời.

 Bằng chứng là, dù đã ra đời hơn 1 năm (15/10/2021), nhưng sàn giao dịch nợ VAMC hoạt động vẫn kém hiệu quả. Thị trường mua bán nợ về cơ bản vẫn còn khá sơ khai, có nhiều vấn đề cần giải quyết. Khi còn chờ hoàn thiện bộ khung pháp lý thì đã xuất hiện những thực trạng đáng báo động từ việc mua bán nợ này.

Hoặc, Luật Đầu tư 2020 chính thức bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 đã đưa ngành nghề “Kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Những tưởng sau khi khai tử loại hình kinh doanh này thì sẽ không còn những cảnh đòi nợ kiểu “xã hội đen”. Nhưng thực tế thời gian qua, những hành vi đòi nợ kiểu bất chấp pháp luật vẫn ngang nhiên diễn ra tại nhiều địa phương, duy chỉ khác một điều, các đối tượng đến đòi nợ được núp dưới danh nghĩa là nhân sự của công ty dịch vụ mua bán nợ.

Ngay sau khi xuất hiện những thông tin mua bán bất thường từ các ngân hàng, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiểm tra. Đây là một hành động rất kịp thời nhằm ngăn chặn những kẻ bất chấp vì tiền mà dẫm đạp lên pháp luật.

Chúng ta đang bước vào thời kỳ đầy biến động khó khăn do hậu dịch COVID-19. Do đó ngân hàng và công ty tài chính có tác động, sức ảnh hưởng rất lớn đến xã hội và đời sống nhân dân. Rất cần cơ quan quản lý nhà nước  quy định, quản lý chặt chẽ hơn việc cho vay của ngân hàng, công ty tài chính, để tránh hệ lụy tiêu cực, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, nhất là việc xin - cho vay - thu hồi nợ kiểu man rợ.

Có thể bạn quan tâm

  • Ngăn chặn “núp bóng” đòi nợ thuê

    13:17, 02/03/2023

  • Lật tẩy thủ đoạn của nhóm đòi nợ thuê “núp bóng” Công ty Luật

    01:51, 23/02/2023

  • TP.HCM: Khởi tố vụ án gọi điện vu khống... để đòi nợ

    16:31, 01/12/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đòi nợ kiểu... khủng bố?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO