Trong bối cảnh không có nguồn để trả nợ, Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel, UPCoM: VTR) phát hành cổ phiếu để hoán đổi nợ.
>>Cơ hội phục hồi của cổ phiếu hàng không
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã nhận được đầy đủ hồ sơ đăng ký phát hành cổ phiếu để hoán đổi nợ và chào bán cổ phiếu riêng lẻ của VTR.
Đây là những phương án đã được HĐQT VTR thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên. Theo đó, HĐQT VTR đã thông qua phương án phát hành 6 triệu cổ phiếu để hoán đổi nợ. Theo đó, đối tượng nhận phát hành sẽ là Công ty Cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh theo hợp đồng vay nợ ký ngày 26/11/2021. Tổng giá trị khoản nợ hoán đổi ở mức 168 tỷ đồng và tỷ lệ nợ hoán đổi là 2.8:1. Điều này có nghĩa 28.000 đồng nợ sẽ được đổi thành 1 cổ phiếu phát hành thêm, với điều kiện hạn chế chuyển nhượng cho 01 năm.
Theo thuyết minh của VTR, khoản nợ vay tại Hưng Thịnh có thời hạn 6 tháng (có thể gia hạn thêm 1 tháng) với lãi suất 11,5%/năm. Tài sản đảm bảo chính là 6 triệu cổ phiếu được VTR thế chấp.
Ngoài ra, VTR sẽ phát hành 6 triệu cổ phiếu riêng lẻ có giá 12.000 đồng/cp. Ban Lãnh đạo VTR dự kiến, Công ty sẽ huy động được 72 tỷ đồng. VTR dự kiến dùng lượng vốn này để trả chi phí lương và nợ vay ngắn hạn, nhưng không đủ (tổng hơn 102 tỷ đồng). Theo đó, Công ty sẽ linh hoạt sử dụng các nguồn vốn khác hoặc huy động nguồn hợp lệ khác để bù đắp phần còn thiếu.
Việc phát hành cổ phiếu để hoán đổi nợ và phát hành riêng lẻ với tổng cộng 12 triệu cổ phiếu có nguy cơ làm pha loãng cổ phiếu của doanh nghiệp này. Tính đến phiên 28/12, cổ phiếu VTR đóng cửa ở mức 21.300 đồng/cp, không có thanh khoản.
2.387 tỷ đồng là khoản nợ phải trả của VTR tính đến cuối quý 3/2022, trong đó nợ ngắn hạn là 641 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, VTR ghi nhận doanh thu 2.680 tỷ đồng, cao gấp 4,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lại lỗ 108 tỷ đồng. Đến cuối quý 3/2022, VTR đang lỗ lũy kế gần 294 tỷ đồng.
Nguyên nhân chủ yếu lỗ 9 tháng đầu năm 2022 do khoản lỗ từ công ty liên kết trong khi mảng du lịch đang đóng góp lợi nhuận khá tốt. Theo giải trình của VTR, nhờ mở cửa du lịch cũng như rơi vào cao điểm dịp Hè, chỉ tính riêng mảng du lịch, doanh thu quý 3/2022 của VTR đạt gần 1.500 tỷ đồng, gấp 26 lần cùng kỳ, lợi nhuận từ mảng du lịch đạt hơn 144 tỷ đồng. Ngược lại tại mảng hàng không, lợi nhuận từ các đường bay nội địa của VTR đang triển khai vẫn chưa bù đắp được cho các khoản chi phí.
Theo Ban Lãnh đạo VTR, hoạt động kinh doanh của công ty chỉ thực sự bắt đầu quay lại kể từ khi Chính phủ mở cửa đón khách du lịch quốc tế từ 15/3/2022. Với thông tin thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… sẽ hoàn toàn mở cửa du lịch, VTR kỳ vọng sẽ phục hồi hoạt động trở lại. Tuy nhiên trong lúc chờ đợi sự phục hồi của thị trường hàng không thì việc xoay nguồn vốn để duy trì hoạt động và có tiền trả nợ đang là thách thức rất lớn đối với VTR.
Trong khi đó, bức tranh tài chính của VTR đang trở thành chủ đề nóng hổi, bởi vì ngoài chủ nợ Hưng Thịnh, thì Công ty còn có khoản vay nợ trái phiếu thường với giá trị 500 tỷ đồng, đây là trái phiếu phát hành cho Chứng khoán VPS có thời hạn 24 tháng. Ngoài ra, các chủ nợ của VTR còn có các ngân hàng như Vietcombank, BIDV… Tính đến cuối quý 3/2022, VTR nợ tổng cộng 2.387 tỷ đồng, trong đó nợ thuê tài chính ngắn hạn 641 tỷ đồng và nợ thuê tài chính dài hạn 599 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm