Còn “băn khoăn” với Nghị quyết “gỡ vướng” cho ngành y
Quy định mới đã tháo gỡ được nhiều điểm nghẽn cho các bệnh viện. Tuy nhiên, nhiều ý kiến còn băn khoăn, e ngại đối với tình huống phát sinh trong thực tiễn đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế…
>>Gỡ "nút thắt" cho ngành y tế
Nhiều nút thắt được “tháo gỡ”
Theo đó, chỉ trong 2 ngày 3/3 và 4/3/2023, Chính phủ liên tiếp ra 2 văn bản mang tính sống còn với ngành y tế, đã giúp vực dậy nhiều bệnh viện sắp rơi vào cảnh “chết lâm sàng” vì thiếu vật tư, hóa chất và trang thiết bị. Đó là Nghị định số 07/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 8/11/2021 quy định về định gia hạn hiệu lực giấy phép nhập khẩu, số lưu hành trang thiết bị y tế và Nghị quyết số 30/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp đảm bảo thuốc, trang thiết bị y tế.
Trao đổi với báo chí, PGS.TS. Đào Xuân Cơ - Giám đốc BV Bạch Mai cho biết, Nghị định 07/2023/NĐ-CP đã cho phép nhập khẩu, thông quan các loại hóa chất, vật tư y tế, để đảm bảo có đủ hàng hóa tại Việt Nam và tạo điều kiện cho doanh nghiệp cung cấp hàng cho các bệnh viện.
PGS.TS. Đào Xuân Cơ cho biết, những điểm “cởi trói” của Nghị quyết 30 trong việc tháo gỡ khó khăn cho các bệnh viện: Cho phép việc thí điểm máy đặt máy mượn tại bệnh viện sau khi trúng thầu vật tư hóa chất được kéo dài thời gian phục vụ khám và điều trị cho người bệnh và bệnh nhân được thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT). Nút thắt trong thủ tục mua sắm đấu thầu ở các bệnh viện đã được gỡ bỏ khi Nghị định 30 cho phép bỏ quy định phải có ba báo giá.
“Với việc tháo gỡ hết sức quan trọng này, người bệnh được hưởng lợi và bệnh viện thì có vật tư, hóa chất, máy móc để phục vụ hoạt động khám, chữa bệnh”- Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ.
Các quy định mới của Chính phủ cho phép sử dụng các thiết bị y tế cho, biếu, tặng, trong đó có số trang thiết bị mà lực lượng y tế đã được các doanh nghiệp, nhà hảo tâm tặng trong đợt dịch Covid-19 - chưa cần làm thủ tục sở hữu, vẫn được đưa vào khám, chữa bệnh BHYT. Với các máy móc liên doanh liên kết mà các bệnh viện đã ký hợp đồng, quy định mới của Chính phủ cũng cho phép thanh toán BHYT cho bệnh nhân sử dụng.
PGS.TS. Đào Xuân Cơ cũng chia sẻ: Việc Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành liên quan như Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư nhanh chóng soạn thảo và ban hành các văn bản pháp luật liên quan đến việc quản lý mua sắm vật tư, hóa chất, trang thiết bị, thuốc phục vụ khám, chữa bệnh chính là những biện pháp căn cơ, lâu dài, để giúp các bệnh viện đảm bảo hoạt động đúng luật.
“Mặc dù được Chính phủ và Bộ Y tế quan tâm tháo gỡ bằng Nghị định 07 và Nghị quyết 30, nhưng các bệnh viện sẽ phải tuân thủ quy định của pháp luật để mua sắm vật tư, hóa chất, trang thiết bị đảm bảo chất lượng, chứ kiên quyết không dựa vào sự cho phép để trục lợi. Các công ty, doanh nghiệp cung cấp hàng hóa cho các bệnh viện cũng phải chịu trách nhiệm cung ứng đủ số lượng, chất lượng và giá cả hợp lý, đặc biệt là phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nói.
>>Sửa Luật Khám bệnh, chữa bệnh: Đòi hỏi tính khả thi cao để gỡ khó cho ngành y tế
Vẫn còn nhiều mối băn khoăn
Đồng quan điểm, Tiến sĩ, bác sĩ Phan Văn Báu, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM), cho biết, quy định mới đã tháo gỡ được khó khăn cho các bệnh viện khi nhiều nút thắt được "cởi trói". Tuy nhiên, vị này cũng bày tỏ nhiều mối băn khoăn khác. "Liệu công ty có báo giá sát với giá nhập khẩu hay không, cách lấy báo giá như thế nào để sau này không bị quy kết về giá, giá nhập về công ty có quyền được lời bao nhiêu phần trăm?", vị này nêu vấn đề. Đáng chí ý, không chỉ vị lãnh đạo này, nhiều giám đốc bệnh viện khác cũng vẫn trong tâm trạng "vừa mừng vừa lo" khi quy định mới được ban hành.
Cũng theo lãnh đạo một bệnh viện tuyến Trung ương ở Hà Nội, vẫn còn những tình huống gây e ngại khi các bệnh viện xây dựng giá đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế. Ví dụ, một đơn vị phân phối duy nhất báo giá cao gấp hơn 2 lần so với giá nhập khẩu (của chính sản phẩm đó) thì người mua có bị quy kết chuyện gây thiệt hại, hoặc bên phân phối có bị quy kết là "thổi giá" hay không?
Theo Tiến sĩ Phan Văn Báu, theo quy định, việc sửa chữa trang thiết bị y tế lớn và giá trị cao bị hư hỏng như máy CT, máy MRI phải có trong kế hoạch trung hạn 5 năm. Sau đó, bệnh viện phải làm báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, trình cấp có thẩm quyền thông qua HĐND TP. "Việc này có bị vướng luật hay không? Nghị quyết 30 chưa đề cập đến vấn đề này", bác sĩ Báu nói.
Ở một góc nhìn khác, Bác sĩ Châu Văn Đính, Giám đốc Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Thành phố (TP.HCM), cho rằng việc sửa chữa máy móc, trang thiết bị vẫn phải theo theo Luật Đấu thầu và các thông tư, nghị định. Do đó, về lâu dài cần có sự phối hợp các bên vì phải lập báo cáo, đề xuất sửa chữa trang thiết bị y tế.
Về xác định giá trang thiết bị y tế, vị này cũng băn khoăn và đề xuất cần có cơ quan chủ trì định mức giá để bảo vệ người làm công tác đấu thầu. “Sau này thanh tra, kiểm toán đều xoáy vào giá nhập khẩu, rồi xác định tình trạng có mua bán lòng vòng không, bệnh viện không thể biết được”, bác sĩ Đính nói.
Đây cũng là băn khoăn và mong mỏi của lãnh đạo các bệnh viện tuyến Trung ương khi Nghị quyết 30 cho phép thí điểm xây dựng giá gói thầu. Bởi nghị quyết là chủ trương, đường hướng. Tuy nhiên, về mặt pháp luật, các bệnh viện phải căn cứ vào luật, nghị định, thông tư để thực hiện công việc. Về vấn đề này, được biết, Chính phủ đã giao Bộ Y tế phải xây dựng và ban hành hướng dẫn trong quý II/2023.
Một số lãnh đạo bệnh viện bày tỏ mong muốn Bộ Y tế cần sớm ban hành hướng dẫn rất cụ thể, công khai minh bạch về vấn đề này để các bệnh viện hoạt động trơn tru, thậm chí, phải có điều khoản bảo vệ người/đơn vị thực hiện thí điểm.
Có thể bạn quan tâm
Sửa Luật Khám bệnh, chữa bệnh: Đòi hỏi tính khả thi cao để gỡ khó cho ngành y tế
15:59, 06/01/2023
Giải tỏa “khủng hoảng” xã hội hóa ngành y tế: Tách bạch công tư dịch vụ y tế
11:00, 02/07/2022
Giải tỏa “khủng hoảng” xã hội hóa ngành y tế: Thiếu tiêu chuẩn, định mức
02:10, 02/07/2022
“Lò” tham nhũng cháy ở ngành Y tế (Bài cuối): Trả giá vì quên lời thề y đức
11:10, 25/02/2022