Việc Thường trực Chính phủ yêu cầu rà soát và ban hành ngay tiêu chuẩn, định mức, xác định đơn giá… được kỳ vọng giải tỏa khủng hoảng trong mua sắm trang thiết bị y tế tại bệnh viện công.
>>Giải bài toán thiếu thuốc men, vật tư y tế
Đây là chia sẻ của Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội với DĐDN.
- Phải chăng vụ Việt Á chỉ là một giọt nước tràn ly báo động tình trạng khủng hoảng trong hoạt động xã hội hóa ngành y tế, thưa ông?
Quan điểm xã hội hoá, thu hút các nguồn lực ngoài nhà nước cho các lĩnh vực dịch vụ công là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn và phù hợp.
Giai đoạn trước, việc xã hội hoá trong lĩnh vực y tế đã thu hút được rất nhiều các nguồn lực để nâng cao năng lực, chất lượng để phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân.
Tuy nhiên, thời gian vừa qua đã nảy sinh nhiều hạn chế bất cập. Việc chia sẻ lợi ích giữa công và tư chưa được rõ ràng, minh bạch, dẫn đến bị lợi dụng, biến tướng, tiêu cực.
- Vấn đề này do đâu, thưa ông?
Nguyên nhân cơ bản do thiếu chính sách quy định các hình thức, cơ chế phối hợp phân chia lợi ích, các tiêu chuẩn định mức kinh tế, kỹ thuật, xác định đơn giá… thiếu sự hướng dẫn một cách đầy đủ, khoa học, và căn cứ. Từ đó đã tạo ra sự “nhiễu loạn”, mạnh ai nấy làm.
>>Lo sai phạm trong đấu thầu: Nhiều bệnh viện thiếu thuốc, vật tư y tế
Mục tiêu thì tốt đẹp, chủ trương thì đúng đắn. Thời gian đầu xã hội hóa cũng đã phát huy hiệu quả. Nhưng sau một thời gian triển khai đã có tình trạng buông lỏng và thiếu căn cứ để quản lý, nên đã tạo ra những kẽ hở từ đó đã “nảy nở” tiêu cực.
Tuy nhiên, rõ ràng việc xã hội hóa ngành y tế là một xu thế phải duy trì, phát huy. Còn những kẽ hở, tiêu cực gây thiệt hại cho người bệnh thì phải tìm biện pháp khắc phục.
- Theo ông, thời gian tới chúng ta cần có những giải pháp gì để thúc đẩy việc thu hút nhà đầu tư liên doanh, liên kết tại bệnh viện công?
Điều quan trọng nhất là cần hoàn thiện sớm các quy định, cơ chế, chính sách về định giá để xác định giá cả hợp lý và phân chia lợi ích thu được từ các hoạt động liên doanh, liên kết sao cho phù hợp. Khi đã có cơ chế rõ ràng, minh bạch, lợi ích được đảm bảo thoả đáng thì các nhà đầu tư sẽ vào.
Ngoài ra, thực hiện nghiêm tính minh bạch, công khai sẽ giúp nhà đầu tư yên tâm không bị quy vào các sai phạm. Thực tế, trước đây các nhà đầu tư tư nhân rất “hào hứng” với cơ chế liên doanh này. Tuy nhiên, thời gian qua khi vỡ nở một số vụ tiêu cực thì vấn đề này lại quá “nặng nề” trong việc thanh tra, kiểm tra khiến nhà đầu tư “e ngại”. Còn, lãnh đạo bệnh viện, ngành y tế không dám ký kết, khiến ngành y tế đang lâm vào tình trạng thiếu thiết bị, vật tư y tế trầm trọng.
- Minh bạch kết hợp với giám sát chặt chẽ là những giải pháp căn cơ cho việc xã hội hóa ngành y tế, thưa ông?
Minh bạch thì đúng rồi, nhưng phải bằng quy định, cơ chế chính sách cụ thể, rõ ràng. Còn với việc giám sát, khi đã minh bạch thì phải tăng cường khâu giám sát, kiểm tra. Ai cũng có thể biết, ai cũng có thể tìm hiểu thông tin được.
Trên cơ sở đó để các đối tác lựa chọn các hình thức hợp tác, liên doanh, liên kết để phục vụ người dân và thu được các lợi ích từ hoạt động này.
Trong giai đoạn hiện nay, các cơ sở y tế đang phát huy vai trò tự chủ. Và khi đã tự chủ thì vấn đề liên doanh, liên kết cũng phải để giao quyền cho họ. Chúng ta chỉ nên quy định một “khung” nào đó, không thể quy định quá cụ thể hay chặt chẽ. Bên liên doanh có quyền đưa ra giá dịch vụ y tế chung đảm bảo theo các quy định là được. Chúng ta không nên quy định quá “ngặt nghèo” sẽ làm giảm tính tự chủ của các cơ sở y tế.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Văn phòng Chính phủ vừa phát đi truyền đạt ý kiến của Thường trực Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan rà soát tổng thể các quy định hiện hành liên quan đến hoạt động mua sắm thuốc, thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế, chủ trương xã hội hóa, hợp tác công tư trong lĩnh vực y tế để ban hành trước ngày 4/7/2022 các quy định, hướng dẫn theo thẩm quyền nhằm khắc phục ngay tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh hiện nay. (Văn bản số 4035/VPCP-KTTH ngày 29/6/2022 của Văn phòng Chính phủ) |