Sau màn kịch “chuyển tiền cấp cứu”: Các chuyên gia nói gì?

NGUYỄN GIANG 21/03/2023 03:00

Gần đây, sự việc nhiều phụ huynh dễ dàng “sa bẫy” của đối tượng lừa đảo sau màn kịch “chuyển tiền cấp cứu” tiếp tục là tiếng chuông báo động về thực trạng lộ lọt thông tin cá nhân hiện nay…

Những ngày qua, chiêu lừa đảo bằng các cuộc điện thoại với nội dung “con cấp cứu ở bệnh viện, phải chuyển tiền gấp” đã xuất hiện tại nhiều địa phương trên cả nước. Chỉ từ đầu tháng 3 đến nay, hàng loạt phụ huynh tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Thái Nguyên đã trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo

Theo đó, kẻ xấu thường tự xưng là giáo viên thể dục, nhân viên y tế để gọi điện thông báo cho nạn nhân về việc con cháu họ bị té ngã khi hoạt động thể dục, bị tai nạn dẫn tới chấn thương sọ não đang nhập viện nên cần tiền mổ gấp,... Đáng chú ý, các đối tượng phạm tội thậm chí cung cấp thông tin chính xác về tên, tuổi học sinh nhằm tạo sự tin tưởng với các bậc phụ huynh để họ yên tâm chuyển khoản. Nhiều nạn nhân đã bị lừa và chiếm đoạt số tiền lên tới cả trăm triệu đồng.

>>“Xóa” sim rác, “dẹp” lừa đảo

hihiihihi

Chiêu lừa đảo bằng các cuộc điện thoại với nội dung “con cấp cứu ở bệnh viện, phải chuyển tiền gấp” đã xuất hiện tại nhiều địa phương trên cả nước. Ảnh minh họa

Thông tin học sinh bị “thả nổi”

Theo phân tích của các chuyên gia, các đối tượng sử dụng chiêu thức đánh vào tâm lý, tình cảm của nạn nhân, hình thành trạng thái bất an, lo sợ và hoảng loạn khi phụ huynh phải nghe tin con mình đang cấp cứu.

Nhằm mục đích thao túng tâm lý nạn nhân trong thời gian ngắn, các đối tượng thường trình bày không rõ ràng, sử dụng ngôn từ tiêu cực kích động cảm xúc như nguy kịch, bị thương nặng, có thể không qua khỏi… Điều đáng nói, các đối tượng còn thuộc lòng thông tin về trường, lớp học của con, tên giáo viên chủ nhiệm, thầy cô, hiệu trưởng khiến nhiều cha mẹ nhất thời tin tưởng.

Trao đổi với báo chí xung quanh vụ việc này, ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Kỹ thuật Công ty cổ phần Công nghệ an ninh mạng quốc gia Việt Nam – NCS cho hay, có nhiều cách dẫn đến lộ lọt thông tin của học sinh, nhưng có 4 khả năng thường gặp hơn cả.

Cụ thể là: Phụ huynh, học sinh tự đưa thông tin cá nhân lên mạng; Các cơ sở đào tạo ngoài trường học như trung tâm học tiếng Anh, trung tâm thể dục thể thao… không đảm bảo an toàn thông tin, bị hacker tấn công hay nhân viên tự ý bán dữ liệu; Trường học không đảm bảo an toàn thông tin - thậm chí đưa danh sách đầy đủ tên học sinh, mã số, thông tin liên lạc của phụ huynh… lên website của trường nên ai cũng có thể tải về, một số trường không đảm bảo về an ninh thông tin nên bị hacker truy cập, lấy cắp dữ liệu; Cuối cùng là do các công ty cung cấp dịch vụ sổ liên lạc điện tử, học bạ điện tử không đảm bảo an ninh, bị hacker tấn công hoặc nhân viên bán dữ liệu ra ngoài.

Cũng bàn luận về vấn đề này, ông Tô Hồng Nam, Phó Cục trưởng Cục CNTT, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh đến vấn đề nhận thức, kỹ năng bảo vệ thông tin của mọi người khi tham gia môi trường mạng: “Nếu như không có kỹ năng thì thông tin cá nhân của người dùng có thể bị lộ lọt rất nhiều. Ngay từ việc các em học sinh đăng ký tài khoản mạng xã hội, tham gia chương trình học online... đều có thể dẫn đến lộ lọt thông tin”.

Nhắc lại vụ việc 30 triệu thông tin về học sinh được rao bán trên 1 diễn đàn trực tuyến hồi tháng 7/2022, ông Tô Hồng Nam khẳng định, các dữ liệu này không phải do rò rỉ từ hệ thống cơ sở dữ liệu của Bộ GD&ĐT. Kết quả điều tra cho thấy, thông tin về học sinh bị rao bán được các đối tượng thu thập, tổng hợp từ những trang mạng xã hội và hệ thống trực tuyến.

Thực tế, chỉ cần tìm kiếm trên Google Search với từ khóa “danh sách học sinh”, hệ thống đã trả về tới hơn 215 triệu kết quả. Trong đó, có nhiều danh sách chi tiết tên, giới tính, ngày tháng năm sinh, họ tên bố mẹ và số điện thoại phụ huynh được đăng tải công khai trên website của các trường học. Điều này cho thấy, ý thức về bảo vệ thông tin cá nhân còn rất hạn chế, không chỉ từ phía học sinh, phụ huynh mà cả ở nhiều trường học.

>>SIM rác hoành hành: Vì sao khó xử lý?

hihihihihi

Một nạn nhân ở Hà Nội chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo. Ảnh: NNCC

Việc truy vết khó khăn

Cũng bình luận xung quanh vấn đề này, Thượng tá, TS Đào Trung Hiếu, chuyên gia nghiên cứu về tội phạm, khẳng định rằng: "Không có đối tượng lừa đảo nào lại sử dụng số điện thoại hoặc số tài khoản chính chủ để thực hiện hành vi phạm tội".

Với số điện thoại, ngoài việc sử dụng các sim rác dễ dàng mua được, các đối tượng có thể sử dụng phần mềm để giả lập bất cứ số điện thoại nào mà chúng muốn. Bằng việc giả lập này, cuộc gọi tưởng là thực hiện qua mạng viễn thông, nhưng thực tế lại là cuộc gọi thông qua mạng internet bằng các ứng dụng điện tử. Thậm chí, đối tượng còn có thể giả giọng nói để xóa dấu vết.

Với tài khoản ngân hàng, hiện nay việc mua bán dữ liệu tài khoản diễn ra khá phổ biến và phức tạp. Nhiều người, bao gồm sinh viên, vì điều kiện kinh tế khó khăn mà sẵn sàng mua sim rác và cầm CMND/CCCD đến ngân hàng để mở nhiều tài khoản đứng tên mình. Sau khi có các số tài khoản, người sở hữu sẽ rao bán cùng với số sim rác. Các đối tượng tội phạm sẽ lập tức thu mua về để sử dụng cho những hành vi phạm pháp.

Là người từng có nhiều năm công tác trong lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao, thượng tá Hiếu cho hay, ông và đồng đội từng nhiều lần truy theo dòng tiền, tìm ra được chủ tài khoản, nhưng kết quả cho thấy người này không liên quan gì đến vụ án.

"Người ta thừa nhận số tài khoản đó là của mình, nhưng đã bán cho người khác từ lâu. Việc mua bán diễn ra qua mạng internet, người bán và người mua không hề biết mặt nhau, giao hàng cũng qua khâu ship trung gian", vị thượng tá chia sẻ.

Sau khi nạn nhân chuyển tiền vào số tài khoản chỉ định, đối tượng phạm tội sẽ tiếp tục chuyển qua các kênh trung gian như ví điện tử, từ đó thực hiện các lệnh mua bán tiền ảo. Đến bước này, việc truy theo dòng tiền là vô cùng khó khăn.

Cũng theo thượng tá Đào Trung Hiếu, để tránh trở thành nạn nhân, phụ huynh cần nâng cao ý thức cảnh giác, tuyệt đối không dễ tin những gì nghe được, đọc được. Nếu nhận được cuộc gọi thông báo con em mình bị tai nạn, phụ huynh hãy lập tức truy hỏi: "Anh là ai, làm gì ở trường, dạy ở đâu, lớp nào, có quen giáo viên cùng trường không, số điện thoại hoặc tên hiệu trưởng là gì…?". Với những câu hỏi này, đối tượng sẽ biết mình đang bị kiểm tra, rất dễ lộ ra sơ hở, bởi chúng chỉ có một vài thông tin về học sinh và phụ huynh chứ không thể có toàn bộ những dữ liệu nêu trên.

“Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cần khẩn trương xác minh các vụ việc đã xảy ra; phát thông báo phòng ngừa tội phạm (không chỉ ngành công an mà cả giáo dục, y tế…), triển khai tuyên truyền đến từng cơ sở giáo dục, từng lớp học, từng nhóm phụ huynh học sinh”, Thượng tá Đào Trung Hiếu góp ý.

Có thể bạn quan tâm

  • “Xóa” sim rác, “dẹp” lừa đảo

    “Xóa” sim rác, “dẹp” lừa đảo

    00:06, 17/03/2023

  • Lừa đảo “online” còn là chuyện dài kỳ

    Lừa đảo “online” còn là chuyện dài kỳ

    03:10, 18/02/2023

  • Muôn chiêu lừa đảo tâm linh

    Muôn chiêu lừa đảo tâm linh

    01:27, 11/02/2023

NGUYỄN GIANG