Sửa Luật Các tổ chức tín dụng: Cần cụ thể hóa quy định về xử lý nợ xấu
Những vướng mắc về xử lý tài sản đảm bảo chưa được giải quyết, do vậy, Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) lần này cần rà soát kỹ để tránh những khoảng trống pháp lý liên quan…
Đó là nhận định của ông Nguyễn Hồng Hải - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) xung quanh Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (Sửa đổi) đang được dư luận quan tâm.
>>Sửa Luật Các tổ chức tín dụng: “Ngăn” sở hữu chéo, “chặn” thao túng ngân hàng
Theo đó, trải qua hơn 5 năm đi vào thực tiễn, Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết 42) đã tạo hành lang pháp lý cần thiết cho công tác xử lý nợ xấu của các ngân hàng, Công ty Quản lý tài sản (VAMC). Việc thực hiện Nghị quyết 42 mang lại những chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu và góp phần không nhỏ vào kết quả cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.
Tuy nhiên, việc triển khai Nghị quyết 42 vẫn còn những vướng mắc, đặc biệt là vướng mắc liên quan đến xử lý tài sản đảm bảo. Trên thực tế, việc thu giữ tài sản đảm bảo để xử lý nợ xấu chỉ thành công khi khách hàng hợp tác hoặc trong một số trường hợp nhất định như khách hàng đã bỏ trốn khỏi địa phương mà tài sản đảm bảo không có tranh chấp, tài sản đảm bảo là đất trống…
Còn khi khách hàng không hợp tác bàn giao tài sản đảm bảo hoặc chống đối khi tiến hành thu giữ nhưng sự phối hợp của các cơ quan hữu quan tại địa phương trong một số trường hợp chưa kịp thời, công tác xử lý nợ xấu gặp rất nhiều khó khăn, dẫn đến việc thu giữ tài sản đảm bảo thường không đạt được kết quả.
Theo NHNN, thời gian qua, việc vẫn phải nộp các khoản thuế, án phí trước khi thực hiện nghĩa vụ ưu tiên thanh toán cho bên nhận bảo đảm là không phù hợp với quy định tại Nghị quyết 42, làm giảm số tiền thu hồi nợ của tổ chức tín dụng trong khi số tiền xử lý tài sản đảm bảo không đủ thu hồi nợ cho tổ chức tín dụng, dẫn đến không đảm bảo hiệu quả của việc xử lý nợ xấu.
Mặt khác, hiện nay, hệ thống pháp luật liên quan vẫn thiếu quy định về việc hoàn trả tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu bị tạm giữ. Đáng lưu ý, quy định về việc “ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án” tại Điều 14 Nghị quyết 42 cũng chưa được giải thích cụ thể. Do đó, việc hoàn trả vật chứng trong vụ án hình sự là tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu phụ thuộc nhiều vào quan điểm của cơ quan tiến hành tố tụng, dẫn đến các tổ chức tín dụng rất chậm nhận được tài sản đảm bảo để xử lý, thu hồi các khoản nợ xấu.
Để góp phần tháo gỡ các vướng mắc trên, Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã bổ sung 1 Chương về xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu. Theo đó, Dự thảo Luật kế thừa các quy định tại Nghị quyết 42 như: Bán nợ xấu và tài sản đảm bảo; mua, bán khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; kê biên tài sản đảm bảo của bên phải thi hành án.
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về nợ xấu; mua, bán nợ xấu của tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu; quyền thu giữ tài sản đảm bảo; hoàn trả tài sản đảm bảo là vật chứng trong vụ án hình sự; thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản đảm bảo; chuyển nhượng tài sản đảm bảo.
>>Sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng: Cần một cơ chế cảnh báo và can thiệp sớm
Góp ý cho Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi), ông Nguyễn Hồng Hải - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp - nhận định, Dự thảo Luật đã có nhiều quy định được sửa đổi, bổ sung tiến bộ hơn so với Luật hiện hành, trong đó có nhiều quy định sẽ giúp giải quyết vướng mắc cơ bản liên quan đến xử lý tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu. Tuy nhiên, Dự thảo Luật cũng cần tiếp tục được rà soát kỹ để tránh những khoảng trống pháp lý trong xử lý các vấn đề thuộc hoạt động ngân hàng nói chung, xử lý nợ xấu nói riêng.
Từ phía ngân hàng, đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cho rằng, việc quy định một chương về xử lý nợ xấu trong Luật các tổ chức tín dụng là cần thiết, góp phần đảm bảo an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, để tháo gỡ vướng mắc về xử lý tài sản đảm bảo, Dự thảo Luật cần quy định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp và cơ quan công an trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng thu giữ tài sản đảm bảo.
“Đồng thời, Dự thảo Luật cần cụ thể hóa nguyên tắc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên nhận bảo đảm khi xử lý tài sản đảm bảo; bổ sung thêm quy định về chuyển nhượng tài sản đảm bảo với nguyên tắc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bên nhận bảo đảm, bên nhận chuyển nhượng tài sản đảm bảo …”, đại diện Ngân hàng Techcombank góp ý.
Đồng quan điểm, đại diện Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho biết, thị trường hiện nay cho thấy sự cần thiết phải có đại lý quản lý tài sản đảm bảo là các tổ chức tín dụng. Do vậy, vị đại diện Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho rằng, Dự thảo Luật cần giữ nguyên nội dung này và để tạo hành lang pháp lý đáp ứng nhu cầu thực tế, cần quy định rõ về “đại lý quản lý tài sản đảm bảo” của tổ chức tín dụng.
Có thể bạn quan tâm