Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sẽ góp phần khơi thông nguồn tài chính phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xử lý vấn đề sở hữu chéo, đồng thời phòng, chống các hành vi tham nhũng, tiêu cực…
>>“Siết” sở hữu chéo trong tổ chức tín dụng
Theo đó, trong Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 31/3/2023 của Chính phủ về phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 3 năm 2023, Chính phủ cơ bản thống nhất với nội dung dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, hoàn thiện dự án Luật.
Cụ thể, Nghị quyết yêu cầu bảo đảm các yêu cầu thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực ngân hàng và các yêu cầu, định hướng, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đặt lợi ích chung của đất nước là mục tiêu của việc xây dựng dự án Luật này; các quy định của Luật phải khắc phục được các vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành, góp phần khơi thông nguồn tài chính phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xử lý vấn đề sở hữu chéo, góp phần phòng, chống các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực ngân hàng.
Nghị quyết cũng yêu cầu tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng; nâng cao vai trò của Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam trong tổ chức, hoạt động của các tổ chức tín dụng; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các vấn đề tiêu cực, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng.
Xây dựng các quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán, thu giữ tài sản bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, pháp luật và thực tiễn hoạt động của các tổ chức tín dụng; quy định rõ thẩm quyền của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc quyết định việc cho vay đặc biệt, không quy định việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định nội dung này để phù hợp với tinh thần tăng cường vai trò, nâng cao trách nhiệm của Thành viên Chính phủ tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09 tháng 11 năm 2022 của Ban chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; hoàn thiện các quy định liên quan đến tổ chức, quản trị, điều hành của tổ chức tín dụng nhằm nâng cao hơn nữa năng lực quản trị, điều hành của tổ chức tín dụng, ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo, thao túng, chi phối.
Nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ trong lĩnh vực ngân hàng, bảo đảm tính khả thi và tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này, chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 31/3/2023 của Chính phủ là cần thiết. Theo ông Hiếu, việc siết lại sở hữu chéo là điều vô cùng quan trọng, vì đây là nguyên nhân tạo ra những cuộc khủng hoảng trong ngân hàng. Vụ việc xảy ra trước đây tại 3 ngân hàng OceanBank, GPBank và CB (Ngân hàng Xây dựng) dẫn đến Ngân hàng Nhà nước phải mua bắt buộc với giá 0 đồng cũng có nguyên nhân một phần là do sở hữu chéo.
Ngay cả với các ngân hàng khác, tình trạng sở hữu chéo cũng tồn tại từ rất lâu. Ngân hàng Nhà nước đã tìm cách giải quyết triệt để hoặc giảm thiểu sở hữu chéo nhưng tình trạng này vẫn tồn tại dẫn đến những sai phạm.
>>Sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng: Cần một cơ chế cảnh báo và can thiệp sớm
Cũng theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, sở hữu chéo là vấn đề lớn ảnh hưởng đến sự tồn tại của ngân hàng. Sở hữu chéo tạo ra một nhóm quyền lực có thể thao túng ngân hàng. Thông qua sở hữu chéo, những thành viên trong HĐQT ngân hàng có thể có những chấp thuận đối với các gói tín dụng vượt khỏi mọi quy định.
Để hợp thức hoá các khoản tín dụng này, họ sẽ phải lách quy định bằng cách này hay cách khác. Vì sở hữu chéo mà họ có thể lách quy định một gói tín dụng cho một khách hàng không vượt quá 15% vốn chủ sở hữu của một tổ chức tin dụng, không vượt quá 25% đối với một khách hàng và người liên quan.
Nếu những bên liên quan có sự sở hữu chồng chéo với nhau thì họ có thể dễ dàng lách luật để không vi phạm quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng. “Đây chỉ là một ví dụ cho thấy sở hữu chéo là nguyên nhân của rất nhiều vấn đề trong ngành ngân hàng hiện nay. Tuy nhiên, việc giải quyết tình trạng này luôn là một thách thức lớn”, TS. Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế - TS. Huỳnh Thế Du cho rắng, việc Ngân hàng Nhà nước muốn siết chặt quy định về sở hữu chéo trong các tổ chức tín dụng không nằm ngoài mục tiêu ngăn chặn rủi ro cho hệ thống các tổ chức tín dụng. Sở hữu chéo là một trong những vấn đề lớn của hệ thống tài chính Việt Nam. Vị chuyên gia này cũng cho biết, điều này xảy ra với rất nhiều nước trên thế giới chứ không chỉ với Việt Nam.
“Do đó, một trong những công cụ quan trọng là yêu cầu các tổ chức tín dụng đảm bảo điều kiện về an toàn vốn, công khai minh bạch, quản trị rủi ro,... Một khi đã công khai minh bạch, việc sở hữu chéo bên trong ngân hàng cũng sẽ giảm”, TS. Huỳnh Thế Du phân tích.
Có thể bạn quan tâm