Hệ lụy của việc ký “Hợp đồng giả cách”
Thực tế có không ít trường hợp các chủ thể tham gia giao dịch đã thoả thuận, thống nhất xác lập một giao dịch giả tảo (hợp đồng giả cách) nhằm che giấu những giao dịch vi phạm…
>>Sập bẫy "tín dụng đen" với hợp đồng giả cách, nông dân mòn mỏi chờ giải quyết
Việc ký hợp đồng này sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, hệ lụy gây thiệt hại lớn cho một hoặc cả các bên tham gia giao dịch... Đây là chia sẻ của Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp với Diễn đàn Doanh nghiệp.
- Thưa Luật sư, mặc dù hệ thống pháp luật Việt Nam không có khái niệm về “hợp đồng giả cách”, tuy nhiên, thực tế trong một số giao dịch dân sự hiện nay, loại hợp đồng này lại được thường xuyên nhắc đến?
Giao dịch dân sự (Điều 385 Bộ luật Dân sự 2015) sẽ chỉ có hiệu lực khi đảm bảo đủ các điều kiện: chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập; chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện; mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Tuy nhiên, thực tế có không ít trường hợp các chủ thể tham gia giao dịch đã thoả thuận, thống nhất xác lập một giao dịch giả tảo (hợp đồng giả cách) nhằm che giấu những giao dịch vi phạm điều cấm của pháp luật, thậm chí nhằm mục đích lừa đảo. Theo đó, sẽ tồn tại ít nhất hai giao dịch dân sự về một đối tượng mà các bên nhắm tới, đó là: giao dịch dân sự giả tạo và giao dịch dân sự có thật. Mục đích giao kết thực sự của các bên chỉ được thể hiện tại một giao dịch dân sự, còn một giao dịch dân sự kia nhằm che giấu giao dịch dân sự có thật.
Pháp luật Việt Nam không có khái niệm về “hợp đồng giả cách”, do đó không có bất kỳ quy định nào dành riêng cho hợp đồng giả cách. Tuy nhiên, bản chất của hợp đồng giả cách là một loại hợp đồng xác lập một giao dịch giả tạo nhằm che dấu một giao dịch dân sự khác. Hợp đồng giả cách vẫn được điều chỉnh bởi những quy định điều chỉnh giao dịch dân sự nói chung.
Theo quy định tại Điều 124 Bộ luật Dân sự năm 2015, khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan; trường hợp xác lập giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch dân sự đó vô hiệu.
Thực tế hiện nay, “hợp đồng giả cách” thường được sử dụng trong chuyển nhượng bất động sản hoặc hoạt động tín dụng đen.
>>Nông dân Đà Lạt sập bẫy "tín dụng đen" với hợp đồng giả cách
- Vậy “hợp đồng giả cách” sẽ đem đến những hệ lụy và rủi ro gì cho các bên khi tham gia ký kết, thưa Luật sư?
“Hợp đồng giả cách” được thực hiện, có thể xuất phát từ một bên hoặc cả hai cùng cố ý thoả thuận nhằm đạt được các mục đích kinh tế khác lớn hơn hoặc nhằm trốn tránh nghĩa vụ thuế, phí đối với Nhà nước. Khi tham gia vào “hợp đồng giả cách”, các bên có thể phải chịu các hệ lụy như:
Đối với trường hợp người mua và người bán thỏa thuận khai giá ảo trong các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng bất động sản để giảm thuế sẽ dẫn tới hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo mức độ vi phạm mà khi bị cơ quan chức năng phát hiện có thể sẽ tiến hành truy thu, xử phạt hành chính, thậm chí có thể bị xử lý hình sự về tội trốn thuế theo quy định tại Điều 200 Bộ luật Hình sự năm 2015…
Còn đối với trường hợp cho vay tín dụng đen, các bên lập hợp đồng giả cách sang nhượng tài sản nhưng với mục đích thực sự là vay vốn. Hình thức này được thực hiện bằng việc công chứng tài sản đảm bảo với giá trị cao để hợp thức hóa khoản vay, sau đó, người cho vay bằng các biện pháp của mình, biến tài sản đó từ của người đi vay thành của người cho vay. Đây là tình trạng diễn ra trong hoạt động cho vay có dấu hiệu tín dụng đen hiện nay, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an ninh trật tự xã hội cũng như gây thiệt hại nặng nề tài sản cho bên đi vay…
- Từ những hệ lụy, rủi ro pháp lý đã nêu, Luật sư có thể đưa ra một số giải pháp để phòng tránh giao dịch giả tạo?
Để tránh rơi vào tình trạng hợp đồng giả cách, người dân cần tìm hiểu và nhờ người hiểu biết hơn về pháp luật trước khi đặt bút ký. Khi ký hợp đồng phải đọc kỹ hợp đồng và không ký giấy tờ chuyển nhượng đất đai.
Về phía cơ quan Nhà nước, cần thực hiện tuyên truyền, phổ cập các quy định về vay vốn, thế chấp tài sản, cảnh báo nguy cơ sập bẫy tín dụng đen, truyền thông về hệ lụy nghiêm trọng để răn đe... Qua đó mới hạn chế được tình trạng cho vay tiền và sau đó hợp thức hoá hợp đồng giả tạo nhằm chiếm đoạt tài sản.
Bổ sung quy định trong việc xác minh tính khách quan khi thực hiện công chứng, để việc chứng nhận tính xác thực của giao dịch không chỉ là chứng nhận các bên có thỏa thuận, xác lập giao dịch với nội dung thể hiện trên văn bản mà đối tượng và đặc điểm của tài sản các bên giao dịch cũng cần phải được kiểm tra, xác minh cụ thể trên thực tế.
Đồng thời, cần nâng cao nghiệp vụ của công chứng viên và trách nhiệm của các Văn phòng công chứng. Khi thực hiện hoạt động công chứng, Công chứng viên phải biết rõ những gì các bên hướng tới, mong muốn đạt được khi tham gia giao dịch đúng như đối tượng đặc trưng của loại hợp đồng, giao dịch mà các bên giao kết.
- Xin cảm ơn Luật sư!
Có thể bạn quan tâm
Sập bẫy "tín dụng đen" với hợp đồng giả cách, nông dân mòn mỏi chờ giải quyết
04:00, 20/06/2022
Nông dân Đà Lạt sập bẫy "tín dụng đen" với hợp đồng giả cách
06:00, 17/06/2022
Nỗi lo biến tướng tín dụng đen
00:30, 20/02/2023
Vì sao “tín dụng đen” còn đất sống?
03:40, 16/02/2023
Nhận quả đắng từ tín dụng đen, startup vay ngang hàng Việt dìu nhau tránh thị trường đổ vỡ
00:29, 02/12/2022
Sớm xoá bỏ tín dụng đen tại các khu công nghiệp
04:50, 09/10/2022