Thời gian qua, dù lực lượng chức năng quyết liệt trấn áp, xử lý nghiêm trong nhiều vụ việc, nhưng tội phạm “tín dụng đen” vẫn âm thầm hoạt động, thậm chí đang có nguy cơ bùng phát trở lại…
Theo số liệu thống kê năm 2022, cơ quan chức năng đã khởi tố 1.575 vụ với 3.399 bị can; xử phạt hành chính 719 vụ với 1.182 đối tượng. Riêng tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự đã khởi tố 1038 vụ, trong đó có 2025 bị can; xử lý hành chính 359 vụ với 485 đối tượng. Nhiều ý kiến cho rằng, những con số trong báo cáo trên đây đã phần nào nói lên độ nóng của loại tội phạm này.
>>“Tín dụng đen” núp bóng App vay tiền: Triệt phá đường dây nghìn tỉ tại 28 tỉnh
Liên tục bắt giữ nhiều đối tượng
Điển hình như ngày 15/2/2023 vừa qua, lực lượng Công an TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục bắt một nhóm 4 đối tượng có hộ khẩu tỉnh Thanh Hoá về hành vi cho vay lãi suất “cắt cổ” lên đến 451%/năm.
Theo hồ sơ điều tra, ngày 09/2/2023, đối tượng Vũ Văn Ngọc và Nguyễn Hoàng Anh vào tỉnh Thừa Thiên Huế với mục đích cho người khác vay tiền. Đến khoảng 7 giờ ngày 10/2/2022, Ngọc điều khiển xe mô tô chở Hoàng Anh đi qua nhiều tuyến đường thành phố Huế rồi rải giấy tờ với nội dung cho vay trả góp. Sau thời gian, các đối tượng đã cho 5 người dân tại Thừa Thiên Huế vay với lãi suất lên đến 451%/ năm.
Điển hình, Ngọc và Anh cho chị Trần Thị Ly N. (sinh năm 1985), trú tại phường Xuân Phú, thành phố Huế vay 15 triệu, trả một ngày 900.000 (cả tiền gốc và lãi) đồng trong vòng 21 ngày, phí 1.200.000 đồng, thu ngày đầu và ngày cuối 1.800.000 đồng. Cũng cách thức cho vay “cắt cổ” như trên, Ngọc và Anh cho chị Trần Thị Nhật Ph. (sinh năm 19890), trú tại phường Tây Lộc, TP. Huế vay 10.000.000 đồng, trả một ngày 600.000 đồng trong vòng 21 ngày, phí làm hồ sơ 800.000 đồng, thu ngày đầu ngày cuối 1.200.000 đồng...
Ngày 11/02/2023, Đội Cảnh sát Hình sự – Công an thành phố Huế nắm được thông tin và bắt giữ Ngọc và Anh. Tại cơ quan điều tra các đối tượng đã khai nhận hành vi vi phạm phù hợp tài liệu chứng cứ thu thập được.
Trước đó, cuối tháng 12/2022, Công an tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Phòng 6, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an đã triệt phá nhóm đối tượng chuyên tổ chức hoạt động cho vay nặng lãi do đối tượng Nguyễn Văn Định cầm đầu, thu lời bất chính hàng trăm tỉ đồng.
Kết quả kiểm tra tài khoản quản lý hoạt động cho vay trong máy tính của nhóm đối tượng xác định, từ tháng 4/2018 đến thời điểm bị bắt giữ, Nguyễn Văn Định đã cho tổng số 874 trường hợp vay tiền với mức lãi suất trung bình từ 3.000 đồng/triệu/ngày đến 10.000 đồng/triệu/ngày, tương ứng từ 180% đến 360%/năm. Tổng tiền lãi thu lời bất chính lên tới gần 300 tỉ đồng.
Cũng trong những tháng cuối năm 2022, Công an TP Hà Nội phối hợp với Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) cũng đã triệt phá một đường dây cho vay lãi nặng qua app và đòi nợ thuê có quy mô xuyên quốc gia. Với đường dây này, cơ quan chức năng cho biết, người vay sẽ phải thanh toán trong vòng 3 - 5 ngày số tiền gốc ban đầu, tiền lãi sẽ được các đối tượng cắt ngay khi giải ngân.
Đáng chú ý, nếu "con nợ" không thanh toán được tiền gốc như cam kết, số tiền sẽ được nhân lên, “lãi mẹ đẻ lãi con” lên tới 1.570 - 2.190%/năm. Khi người vay không thanh toán được, các đối tượng sẽ cho bộ phận đòi nợ được phân cấp khác nhau nhắn tin, gọi điện nhắc nhở, đe dọa, khủng bố tinh thần từ "con nợ" đến người thân của họ và toàn bộ các mối quan hệ trong danh bạ điện thoại mà "con nợ" cung cấp trước đó.
Thời điểm này, phòng Cảnh sát Hình sự (Công an TP Hà Nội) đã xác lập chuyên án đấu tranh, bóc gỡ toàn bộ đường dây cho vay lãi nặng và đòi nợ có tổ chức trên. Đồng loạt, các mũi trinh sát đã triệt phá 7 cơ sở của tổ chức cho vay lãi nặng dưới hình thức “tín dụng đen” ở 3 tỉnh, TP: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, bóc gỡ đường dây, đưa gần 300 đối tượng, trong đó có các đối tượng là người nước ngoài và thu giữ toàn bộ tang vật có liên quan về trụ sở cơ quan điều tra.
>>Khó kiểm soát “tín dụng đen” núp bóng app cho vay
Vì sao còn đất sống?
Trên đây chỉ là một số ít vụ việc trong hàng ngàn vụ án liên quan đến tội phạm "tín dụng đen" đã bị lực lượng chức năng triệt phá trong thời gian gần đây. Theo nhận định của Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), từ khi thực hiện Chỉ thị số 12 ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính Phủ về về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” đã có chiều hướng giảm nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp.
Nguyên nhân chủ yếu tình trạng trên do nhu cầu vay “tín dụng đen” trong nhân dân vẫn còn lớn. Việc xử lý tội phạm này gặp nhiều khó khăn do số đối tượng có nhiều thủ đoạn lách luật nên khó xác định giữa phạm vi dân sự và hình sự. Chúng sử dụng nhiều thủ đoạn, tận dụng kẽ hở giữa hoạt động dân sự và hình sự để cho vay.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La cho rằng, câu chuyện “tín dụng đen" có nguy cơ bùng phát trở lại, trước hết, cần phải nhìn từ khía cạnh cung - cầu của thị trường. Lý do đầu tiên là phần đông khách hàng tiếp cận “tín dụng đen" do không còn kênh huy động vốn nào khác có thể sử dụng, hay nói một cách đơn giản họ là nhóm khách hàng "dưới chuẩn". Không giống như chuyện cho vay theo kiểu "trông mặt bắt hình dong", những khách hàng tìm đến ngân hàng phải có mục đích vay vốn, phương án tài chính và khả năng trả nợ rõ ràng. Nhưng những điều kiện này không phải khách hàng nào có khó khăn tài chính cũng có thể đáp ứng.
Theo vị luật sư này, cũng có một bộ phận khách hàng đến với “tín dụng đen" với lý do khác là ngần ngại đến ngân hàng, thiếu hiểu biết về kiến thức pháp luật. Không cần hợp đồng, dấu đỏ, xác minh thu nhập trả nợ, thậm chí chỉ bằng "thỏa thuận miệng" giữa người cho vay và người cần vay, khoản tiền từ vài triệu đến vài chục triệu đồng đã có thể được giải ngân.
“Nhưng những lợi ích từ việc vay nhanh ấy không đủ để bù lại cho những hệ lụy đằng sau kênh tín dụng phi chính thức này. Lãi suất cao, thiếu minh bạch, thủ đoạn đòi nợ manh động là điều nhiều khách hàng đến với “tín dụng đen" phải chịu”, luật sư Biên chia sẻ.
Thời gian qua, trước những diễn biến phức tạp của loại hình “tín dụng đen", nhiều giải pháp đã được các cơ quan quản lý đưa ra. Trong đó, lời giải được đánh giá là "thuyết phục" nhất để giải quyết tận gốc vấn đề là thúc đẩy kênh tài chính tiêu dùng và tín dụng vi mô. Với mục đích sau cùng là hai kênh tín dụng này trở thành lựa chọn thay thế cho những khách hàng muốn tìm tới “tín dụng đen".
Tuy nhiên, theo luật sư Tạ Anh Tuấn – Trưởng Văn phòng Luật Bách Gia Luật và Liên danh (một luật sư từng tham gia rất nhiều vụ án liên quan tới “tín dụng đen”), cho rằng, để tín dụng tiêu dùng từ giải pháp thay thế cho tới nỗ lực xóa bỏ hoàn toàn “tín dụng đen" vẫn còn là một chặng đường dài.
Bởi theo vị luật sư này, một trong số vấn đề là mạng lưới hoạt động. Hoạt động “tín dụng đen" chủ yếu được phát triển từ những nhóm đối tượng nhỏ, phạm vi hoạt động mang tính địa phương, nhưng nếu tính tổng số lượng những đối tượng hoạt động trong lĩnh vực này thì con số là rất lớn với độ phủ rộng từ những thành phố lớn đến từng địa phương vùng sâu, vùng xa.
Trong khi đó các công ty tín dụng tiêu dùng mới bùng nổ trong khoảng vài năm gần đây và tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn. “Hoạt động “tín dụng đen" ở những khu vực này đã có chiều hướng đi xuống, nhưng ở những vùng nông thôn, những huyện miền núi, kênh tín dụng tiêu dùng vẫn chưa vươn cánh tay đủ dài để tạo ra sự tác động”, luật sư Tuấn phân tích.
Có thể bạn quan tâm