Sửa Luật Các tổ chức tín dụng: Cần quy định rõ các nội dung về tài chính
Tiếp tục góp ý xây dựng Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), nhiều ý cho rằng, Dự thảo cần rà soát, hoàn thiện các nội dung về tài chính như: doanh thu, lãi dự thu, trích lập dự phòng,…
>> Sửa Luật Các tổ chức tín dụng: Còn nhiều băn khoăn về xử lý nợ xấu
Theo đó, Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) gồm 13 Chương, 195 Điều với những nội dung cơ bản về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; những quy định chung; về tổ chức, quản trị, điều hành của tổ chức tín dụng; về các nội dung liên quan đến hoạt động của tổ chức tín dụng; các hạn chế để đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng; về can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, phá sản, giải thể tổ chức tín dụng...
Về quản trị, điều hành của tổ chức tín dụng, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về người có liên quan; sửa đổi, bổ sung quy định những trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ; giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của một cổ đông, một cổ đông và người có liên quan tại tổ chức tín dụng; bổ sung quyền, nghĩa vụ của người quản lý, người điều hành tổ chức tín dụng trong phạm vi quyền, nghĩa vụ được giao có trách nhiệm thực hiện các chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước...
Bên cạnh đó, để xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong hoạt động ngân hàng thời gian qua, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định cho phù hợp như quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ; sửa đổi, làm rõ nội dung yêu cầu về kiểm toán độc lập; bổ sung nhiệm kỳ thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc (Giám đốc), nhiệm kỳ của Thành viên Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn…
Mặc dù ghi nhận và đánh giá cao những sửa đổi, bổ sung của Dự thảo, tuy nhiên, không ít ý kiến còn tỏ ra băn khoăn khi toàn bộ nội dung về tài chính của tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại từ doanh thu, chi phí, doanh thu nhận trước, lãi dự thu, trích lập dự phòng, hoàn nhập dự phòng, hạch toán lãi lỗ, vấn đề chế độ kế toán, kiểm toán, vấn đề trích lập các quỹ… lại không có trong Dự thảo Luật (sửa đổi).
>> Sửa Luật Các tổ chức tín dụng: Cần có hành lang pháp lý cho ngân hàng số
Từ đó, các chuyên gia đề nghị, đưa các quy định mang tính ổn định và mang tính nguyên tắc ở các các Nghị định về tài chính đã được Chính phủ hướng dẫn quy định về tài chính của các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại để quy định vào Luật. Theo đó, sẽ phải có quy định nguyên tắc về doanh thu, về chi phí, về trích lập dự phòng rủi ro, về hạch toán, kế toán, lỗ lãi, các quỹ cũng như là chế độ kế toán và kiểm toán.
Đồng thời, với tính đặc thù của các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng thương mại có vốn của Nhà nước sẽ phải kết hợp với các quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, cũng như các yêu cầu về tài chính quy định ở trong dự Luật này để xử lý. Những vấn đề liên quan đến thuế sẽ xác định doanh thu, chi phí, lỗ lãi ở đây cộng với các quy định về tính toán các khoản thuế, doanh thu, chi phí theo các quy định của Luật Thuế…
Bên cạnh những kiến nghị từ các chuyên gia, cho ý kiến về nội dung này tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Chủ tịch Quốc hội - Vương Đình Huệ cũng đề nghị phải có một Chương riêng quy định đối với tài chính của tổ chức tín dụng, nhất là ngân hàng thương mại.
Theo Chủ tịch Quốc hội, việc quy định trong luật sẽ có lợi cho ngành ngân hàng bởi “mình mà tự canh mình là rủi ro rất lớn, nhiều người canh sẽ tốt hơn”. Đồng thời đề nghị Ngân hàng Nhà nước cùng với Bộ Tài chính rà soát lại tất cả những điểm giao thoa giữa các luật như ngân hàng thương mại lại sở hữu công ty chứng khoán, nhưng công ty chứng khoán lại hoạt động theo Luật Chứng khoán; hay giao thoa giữa bảo hiểm mới với ngân hàng, những sản phẩm ngân hàng có tính chất đầu tư,… để quy định chi tiết hơn ở phần về quản lý Nhà nước.
Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, cần phải góp ý thêm nhiều đối với Dự án Luật này bởi đây là Dự án Luật khó, phức tạp, phạm vi rộng lớn. Do đó, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ cùng nhau chung sức làm, lắng nghe nhau cùng xây dựng, chỉnh sửa, hoàn thiện để trình Quốc hội.
“Không chạy theo tiến độ, phải chất lượng, luật ban hành phải xử lý, ngăn chặn, hạn chế được những việc như sở hữu chéo, sân sau, sân trước… nếu chưa đáp ứng được thì chưa trình. Bởi tình hình hiện nay có nhiều phức tạp, nếu làm không khéo hậu quả để lại là rất lớn, làm ảnh hưởng xấu đến hoạt động của các ngân hàng, không khắc phục được những tồn tại hiện tại mà lại còn sinh ra những việc khác nữa sẽ là điều rất đáng tiếc”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Có thể bạn quan tâm
Sửa Luật Các tổ chức tín dụng: Còn nhiều băn khoăn về xử lý nợ xấu
04:00, 18/05/2023
Sửa Luật Các tổ chức tín dụng: Cần có hành lang pháp lý cho ngân hàng số
04:00, 17/05/2023
Sửa Luật Các tổ chức tín dụng: Cần cụ thể hóa quy định về xử lý nợ xấu
03:00, 08/04/2023
Sửa Luật Các tổ chức tín dụng: “Ngăn” sở hữu chéo, “chặn” thao túng ngân hàng
03:50, 02/04/2023
“Siết” sở hữu chéo trong tổ chức tín dụng
03:30, 27/03/2023