Sửa Luật Đấu thầu: Tránh làm hạn chế tính chủ động của các doanh nghiệp
Mặc dù đánh giá cao những tiếp thu, chỉnh lý của Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), tuy nhiên, vẫn còn đó những băn khoăn liên quan đến đối tượng điều chỉnh là doanh nghiệp có vốn Nhà nước…
>> Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi): Còn thiếu chế tài quản lý sau đấu thầu
Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 và sẽ xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 5. Theo đó, sau nhiều lần tiếp thu, chỉnh lý, Dự thảo Luật (sửa đổi) được cho đã bổ sung nhiều quy định nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc và thích ứng với các đòi hỏi từ thực tiễn, tăng cường hiệu quả công tác lựa chọn nhà thầu, nâng cao hiệu lực thực thi quy định của pháp luật về đấu thầu trong thời gian tới.
Mặc dù đánh giá cao những tiếp thu, chỉnh lý từ Ban soạn thảo, tuy nhiên, xoay quanh nội dung Dự thảo, vẫn còn đó không ít ý kiến trái chiều liên quan đến đối tượng điều chỉnh là doanh nghiệp có vốn Nhà nước.
Cụ thể, tại Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), Chính phủ trình với 2 phương án quy định điều chỉnh đối với dự án đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), gồm:
Phương án 1: Theo tờ trình của Chính phủ, chỉ quy định các dự án đầu tư của DNNN thuộc đối tượng phải đấu thầu, bỏ quy định áp dụng đối với toàn bộ các dự án đầu tư có sử dụng vốn Nhà nước, vốn của DNNN từ 30% trở lên, hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án như Luật hiện hành (điểm c khoản 1 Điều 1 của Luật Đấu thầu năm 2013).
Phương án 2: Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Quốc hội cân nhắc, xem xét thêm mở rộng đối tượng, bao gồm công ty con sở hữu 100% vốn của DNNN và công ty con sở hữu 50% vốn của DNNN.
Quá trình góp ý, nhiều ý kiến ủng hộ nhất trí việc bãi bỏ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 1 Luật Đấu thầu năm 2013, bởi quy định này phù hợp với chủ trương tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN nhằm tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước với chức năng quản lý Nhà nước đối với mọi loại hình doanh nghiệp, chức năng quản trị kinh doanh của DNNN nêu tại Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Đồng thời, việc bãi bỏ quy định trên nhằm bảo đảm quyền tự chủ và tự quyết định kinh doanh của doanh nghiệp khi các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần, vốn góp đã được giao cho người đại diện vốn Nhà nước, người đại diện phần vốn của DNNN tại doanh nghiệp quyết định và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
>> Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi): Cứng nhắc trong quy định chuyển nhượng thầu
Theo đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông), Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định “DNNN là doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ”, đến Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã mở rộng đối tượng, theo đó, DNNN là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Do đó, việc quy định phạm vi điều chỉnh đối với dự án đầu tư của DNNN như phương án 1 là đã mở rộng phạm vi điều chỉnh so với Luật Đấu thầu hiện tại.
Trong khi đó, cũng có không ít ý kiến băn khoăn quy định như Dự thảo Chính phủ trình sẽ thu hẹp đáng kể đối tượng dự án sử dụng vốn Nhà nước phải đấu thầu, tạo khoảng trống pháp luật trong quản lý vốn Nhà nước, dẫn tới toàn bộ các dự án đầu tư của công ty con của các tập đoàn, tổng công ty, DNNN khác… sẽ không phải đấu thầu theo quy định của luật này.
Do đó, các ý kiến này cho rằng nên quy định đối tượng áp dụng đối với dự án đầu tư của DNNN và doanh nghiệp có trên 50% vốn thuộc sở hữu của DNNN theo phương án 2.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) phân tích, Luật Doanh nghiệp quy định những doanh nghiệp nào có từ 51% vốn nhà nước là DNNN. Nếu những doanh nghiệp này lập doanh nghiệp con, nắm trên 51% vốn, thì những doanh nghiệp này sẽ không phải là đối tượng áp dụng của Luật, như vậy, khó đảm bảo minh bạch, công bằng trong quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Do đó, việc quy định như phương án trên sẽ giúp việc quản lý chặt chẽ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước vào DNNN và nguồn vốn của DNNN đầu tư, góp vốn vào các doanh nghiệp khác mà DNNN nắm quyền chi phối.
Bên cạnh những ý kiến đã nêu, một số chuyên gia lại cho rằng, việc sửa đổi Luật Đấu thầu cần theo hướng “chỉ giới hạn mở rộng đối tượng điều chỉnh đối với công ty con sở hữu 100% vốn DNNN nhằm phát huy quyền tự chủ của doanh nghiệp”. Bởi, Luật Đấu thầu không phải là công cụ duy nhất để quản lý phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp mà hiện có cả một hệ thống pháp luật mà trực tiếp là Luật Doanh nghiệp với các nguyên tắc về quản trị công ty, có sự hiện diện của người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, có sự giám sát nội bộ, giám sát của cổ đông. Thêm vào đó, hiện hệ thống pháp luật còn có Luật chuyên ngành về quản lý và đầu tư phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Theo TS. Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc sửa đổi Luật Đấu thầu lần này cần đảm bảo cân bằng lợi ích Nhà nước và cân bằng sự linh hoạt của hoạt động sản xuất kinh doanh và sự đa dạng của thực tiễn. Trong rất nhiều trường hợp, khi công ty con có sở hữu trên 50% vốn của DNNN thì lợi ích của Nhà nước và lợi ích của các nhà đầu tư tư nhân khá tương đương nhau. Do vậy, xét về mặt lợi ích, rất cần có cơ chế bảo vệ nhà đầu tư tư nhân để phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm tính nhanh nhạy, vì lợi ích doanh nghiệp.
Thêm vào đó, hiện nhiều DNNN nắm một phần vốn điều lệ cũng đã thiết kế những quy trình, thủ tục đấu thầu phù hợp, vừa đảm bảo sự nhanh nhạy kịp thời, vừa bảo đảm tốt nhất lợi ích của các cổ đông và của chính doanh nghiệp, vì vậy, không nhất thiết phải áp dụng một quy trình cứng nhắc mà theo yêu cầu thực tế của doanh nghiệp và cổ đông.
Từ các phân tích đã nêu, TS. Phan Đức Hiếu đề xuất, chỉ giới hạn mở rộng đối tượng điều chỉnh đối với công ty con sở hữu 100% vốn DNNN, không nên mở rộng đối tượng đối với công ty con sở hữu trên 50% vốn DNNN.
Đồng tình với quan điểm của TS. Phan Đức Hiếu, Luật sư Nguyễn Thị Hoài Linh - nguyên Thẩm phán Tòa án Tối cao khẳng định, đề xuất chỉ giới hạn mở rộng đối tượng điều chỉnh đối với công ty con sở hữu 100% vốn DNNN trong Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) sẽ giúp phát huy được tính tự chủ của doanh nghiệp, phát huy được tính hấp dẫn của phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần hoá, cũng như thúc đẩy tiến độ và hiệu quả của các dự án có phần vốn Nhà nước.
Có thể bạn quan tâm
Sửa Luật Đấu thầu: Cần bổ sung cơ chế bảo lãnh thanh toán
03:30, 02/05/2023
Sửa Luật Đấu thầu: Hoàn thiện pháp lý để chọn nhà đầu tư
03:50, 23/04/2023
Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi): Còn thiếu chế tài quản lý sau đấu thầu
14:10, 19/04/2023
Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi): Cứng nhắc trong quy định chuyển nhượng thầu
04:00, 18/04/2023
Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi): Kỳ vọng sẽ khắc phục được những điểm chồng chéo
17:40, 13/04/2023