Góp ý Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), một số chuyên gia cho rằng, quy định về cơ chế bảo lãnh đang bất bình đẳng với các chủ thể tham gia hợp đồng…
>>Sửa Luật Đấu thầu: Hoàn thiện pháp lý để chọn nhà đầu tư
Cụ thể, theo chia sẻ của ông Dương Văn Cận, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, trong thời gian qua, vấn đề nợ đọng trong xây dựng vẫn đang gây khó khăn, nhức nhối cho các nhà thầu, có gói thầu nợ đọng tới gần 20% sau 7 năm công trình đưa vào khai thác sử dụng vẫn chưa được thanh toán.
Về vấn đề này, ông Cận cho biết, theo Luật Đấu thầu, trong quá trình lựa chọn nhà thầu và thực hiện gói thầu, nhà thầu phải có 4 lần bảo lãnh rất chặt chẽ (bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh hợp đồng, bảo lãnh thanh toán và bảo lãnh tạm ứng).
Tuy nhiên, Luật hiện hành không có một chế tài nào đối với chủ đầu tư về việc phải cam kết thực hiện bảo lãnh để đảm bảo đủ vốn thanh toán cho gói thầu, trong khi nguồn vốn đảm bảo thanh toán cho nhà thầu thì không được chủ đầu tư đảm bảo (kể cả trong quy định về trách nhiệm của chủ đầu tư tại Điều 80 của Dự thảo Luật), nên dẫn đến tình trạng nhiều chủ đầu tư không có vốn thanh toán cho nhà thầu.
Để giải quyết vấn đề này, ông Cận cho rằng cần bổ sung vào Dự thảo Luật cơ chế bảo lãnh thanh toán của chủ đầu tư, cụ thể theo hướng, khi thực hiện xong 60 - 65% giá trị khối lượng gói thầu thì chủ đầu tư phải cam kết thực hiện bảo lãnh để đảm bảo đủ vốn thanh toán cho gói thầu.
“Mức bảo lãnh là số tiền còn phải thanh toán giá trị khối lượng còn lại của gói thầu”, ông Dương Văn Cận nói.
Cũng góp ý cho Dự thảo Luật dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Nguyễn Thành Luân – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Việt cho biết có một bất cập rất đáng quan ngại, đó là việc quản lý thực hiện sau kết quả đấu thầu không được pháp luật quy định.
Cụ thể, luật sư Nguyễn Thành Luân cho biết, hệ thống pháp luật về đấu thầu đối với các gói thầu sử dụng vốn nhà nước theo quy định đang bị đứt đoạn giữa giai đoạn đấu thầu và giai đoạn thực hiện hợp đồng. Luật Đấu thầu hiện hành không có phần chế tài quy định quản lý thực hiện kết quả sau đấu thầu.
>>Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi): Cứng nhắc trong quy định chuyển nhượng thầu
Theo vị chuyên gia này phân tích, tại Dự thảo Luật mới đưa thêm Điều 69: Nguyên tắc thực hiện hợp đồng, trong đó đưa ra 3 nguyên tắc còn rất sơ sài không có nội dung mang tính pháp lý. Trong khi đó, những quy định pháp lý với chủ đầu tư, bên mời thầu, tư vấn, nhà thầu thực hiện gói thầu là những chế tài cần được quy định trong nội dung của Điều này.
Ngoài ra, trong Dự thảo Luật quy định nội dung công tác “giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu” (tại Điều 89) cũng chỉ quy định công tác giám sát hồ sơ, đánh giá hồ sơ, quy trình tổ chức lựa chọn nhà thầu… Những nội dung này không phải là các quy định liên quan đến công tác giám sát thực hiện hợp đồng.
Theo luật sư Nguyễn Thành Luân, do không có hướng dẫn, không có chế tài nên khi thực hiện dự án nhà thầu có thể không đáp ứng được những cam kết trong hồ sơ dự thầu, kết quả là chậm tiến độ, chất lượng không đáp ứng… Đây chính là tình trạng làm hồ sơ đẹp trong giai đoạn đấu thầu.
“Do đó, Dự thảo Luật cần có những điều quy định về quản lý thực hiện đấu thầu và các chế tài kiểm soát công tác sau đấu thầu để công tác đấu thầu thực sự có hiệu quả”, luật sư Luân nêu quan điểm.
Trả lời báo chí trước những ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo, ông Trần Hào Hùng - Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đơn vị sẽ xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến góp ý trong quá trình hoàn thiện Dự thảo Luật, nhằm xây dựng được những quy định có tính khả thi cao, tạo được sự đồng thuận lớn trong dư luận.
Có thể bạn quan tâm