Cần cơ chế cho nhượng quyền thương mại quốc tế
Để nhượng quyền thương mại quốc tế phát triển và các thương hiệu Việt Nam nâng tầm giá trị trên thương trường thế giới, Việt Nam nên có một hệ thống pháp luật quy định về lĩnh vực này…
>>Bảo vệ thương hiệu trong kinh doanh nhượng quyền
Đây là chia sẻ của Luật sư Tạ Anh Tuấn - Trưởng Văn phòng Luật sư Bách Gia Luật và Liên danh với Diễn đàn Doanh nghiệp.
- Nhượng quyền thương mại quốc tế đã và đang được các nước đẩy mạnh đầu tư vì những lợi ích mà phương thức này mang đến, từ đó, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế và nâng tầm vị thế quốc gia. Luật sư có thể chia sẻ đôi chút về lĩnh vực này?
Mở rộng thị trường luôn là mục tiêu hàng đầu của các quốc gia và nhượng quyền thương mại quốc tế là phương tiện hữu hiệu để thỏa mãn mục tiêu trên. Có sáu cách thức để tiến hành thâm nhập thị trường quốc tế dưới hình thức nhượng quyền: nhượng quyền trực tiếp, không qua trung gian; nhượng quyền thương mại chung (được nhượng quyền cho bên thứ ba); hợp đồng phát triển khu vực, lập chi nhánh, công ty hoặc liên doanh.
Trên thế giới, Mỹ là quốc gia đi đầu về việc đưa các thương hiệu đến với thế giới dưới hình thức nhượng quyền thương mại quốc tế. Tương tự, lĩnh vực này diễn ra vô cùng thành công tại Anh, Pháp, Úc, New Zealand khi có sự hỗ trợ từ chính phủ và sự nhạy bén của các thương nhân khi nắm bắt được thị trường...
Hiện tại vẫn chưa có một quy định riêng biệt nào để điều chỉnh lĩnh vực này. Tuy nhiên, hoạt động nhượng quyền thương mại quốc tế vẫn sẽ được điều chỉnh thông qua các điều ước quốc tế như CISG, PICC hay các hiệp định tương trợ tư pháp giữa các quốc gia.
Thời gian qua, các quốc gia dần dần ban hành các quy định về nhượng quyền thương mại trong bối cảnh toàn cầu hóa. Bốn phương thức điều chỉnh hoạt động nhượng quyền tại các nước có pháp luật về nhượng quyền thương mại, được áp dụng thường xuyên gồm: Bản giới thiệu nhượng quyền thương mại; Phương án giải các quyết tranh chấp thay thế; Chứng từ, văn bằng đăng ký nhượng quyền thương mại; Các hướng dẫn thi hành nghĩa vụ…
>>Nhượng quyền thương mại, doanh nghiệp cần lưu ý điều gì?
- Thời gian gần đây, Việt Nam được đánh giá là nơi đến tiềm năng của nhượng quyền thương mại với thị trường tiêu thụ gần 100 triệu dân. Vậy, pháp luật Việt Nam đã có những điều chỉnh về nhượng quyền thương mại quốc tế như thế nào, thưa Luật sư?
Hệ thống pháp luật Việt Nam về nhượng quyền thương mại quốc tế là sự tổng hợp quy định tại các đạo luật.
Cụ thể, Mục 8, Chương VI từ Điều 284-292 của Luật Thương mại 2005 bao gồm định nghĩa; quy định về hợp đồng, quyền và nghĩa vụ các bên trong nhượng quyền thương mại. Kết hợp Điều 663 Bộ luật Dân sự 2015 về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, thì nhượng quyền thương mại quốc tế có 3 đặc điểm chính gồm: đối tượng là quyền thương mại (quyền tài sản vô hình); một bên là thương nhân nước ngoài; việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt hợp đồng ở nước ngoài.
Ngoài ra, nhượng quyền thương mại tại Việt Nam còn được điều chỉnh bởi một số văn bản dưới luật khác như: Nghị định 35/2006/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 08/2018/NĐ-CP); Thông tư 09/2006/TT-BTM hướng dẫn đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại; Nghị định 98/2020/NĐ-CP trong đó có quy định hành vi, mức phạt vi phạm hành chính đối với kinh doanh nhượng quyền thương mại tại Điều 75.
Các quy định đã nêu sẽ điều chỉnh hoạt động nhượng quyền thương mại không chỉ của các doanh nghiệp Việt Nam mà còn áp dụng đối với các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lãnh thổ Việt Nam. Mặc dù, vẫn chưa có sự thống nhất và đồng bộ nhưng các quy định này đã tạo được cơ sở về mặt pháp lý để hoạt động nhượng quyền thương mại quốc tế phát triển trên lãnh thổ Việt Nam, góp phần thúc đẩy hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu.
- Để nhượng quyền thương mại quốc tế phát triển và các thương hiệu Việt Nam nâng tầm giá trị trên thương trường thế giới, Luật sư có đề xuất, kiến nghị gì?
Để làm được điều này, Việt Nam nên có một hệ thống pháp luật quy định về lĩnh vực này dựa trên sự hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp và cam kết quốc tế.
Cụ thể, Chính phủ cần hoàn thiện hành lang pháp lý, phù hợp với các cam kết hội nhập mà Việt Nam đang tham gia. Bên cạnh đó, đẩy mạnh cung cấp thông tin thị trường trọng tâm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia các hội nghị xúc tiến qua đó nắm bắt cơ hội kinh doanh. Thành lập Hiệp hội nhượng quyền thương hiệu Việt Nam qua đó thúc đẩy hoạt động này phát triển, góp phần tháo gỡ khó khăn về tổ chức, điều phối và phát triển có định hướng loại hình nhượng quyền thương hiệu.
Về phía doanh nghiệp, cần chủ động hơn trong việc xây dựng chiến lược thương hiệu và hệ thống kinh doanh mang tính đặc thù… Đặc biệt, để đưa thương hiệu Việt ra thị trường quốc tế, doanh nghiệp cần xây dựng các nền tảng hỗ trợ thiết yếu trong nhượng quyền như nền tảng thương hiệu và tiếp thị, vận hành và cung ứng, phát triển hệ thống nhượng quyền.
- Xin cảm ơn Luật sư!
Có thể bạn quan tâm
Tiếp tục cơ chế tự thỏa thuận trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất
11:20, 05/05/2023
Ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất dự án Phúc An Asuka
20:38, 13/03/2023
Bảo vệ thương hiệu trong kinh doanh nhượng quyền
03:30, 04/12/2022
Xu hướng nhượng quyền thương hiệu
03:00, 18/11/2022
Khởi nghiệp kinh doanh với mô hình nhượng quyền thương hiệu
11:04, 22/10/2022
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp
20:10, 06/08/2022
Nhượng quyền bưu cục: Xu hướng start-up đầy tiềm năng trong năm 2022
10:17, 04/04/2022