Ngăn chặn rút BHXH một lần: Thế chấp “sổ BHXH” để vay ngân hàng có khả thi?
Để giữ chân người lao động ở lại với hệ thống BHXH, một số ý kiến đề xuất cơ chế thế chấp “tiền rút bảo hiểm xã hội một lần” (sổ BHXH) để vay ngân hàng, liệu có khả thi?
>> Đồng bộ giải pháp để “giải” bài toán… rút bảo hiểm xã hội một lần
Thống kê cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2023, cả nước đã có 369.800 người rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân dẫn đến hiện trạng đã nêu, nhiều ý kiến cho rằng, một phần là do áp lực kinh tế, mất việc làm; phần khác do tâm lý của người lao động trước thông tin sửa đổi quy định về rút BHXH một lần.
Thông tin về tình trạng rút BHXH một lần luôn tăng trong những năm gần đây, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam - Lê Hùng Sơn cho biết, theo số liệu thống kê từ năm 2016 đến 2022 có 4,48 triệu người rút BHXH một lần nhưng chỉ có 1,24 triệu người sau khi rút BHXH quay trở lại hệ thống, chiếm 27,7%. Những người rút BHXH một lần chủ yếu là lao động trẻ, từ 20 – 30 tuổi chiếm 41,52%, từ 30 – 40 tuổi chiếm 38,6%; có 55% người rút BHXH một lần là lao động nữ.
Theo các chuyên gia, người lao động rút BHXH một lần sẽ bị những thiệt thòi quyền lợi cho bản thân. Khi người lao động rút BHXH một lần đồng nghĩa với tự tước đi quyền lợi khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế, mất cơ hội có lương hưu khi về già, không được hưởng chế độ tử tuất… Trong trường hợp, khi người lao động lại tham gia BHXH sẽ không được cộng nối thời gian đóng BHXH đã hưởng một lần, mà tính lại từ đầu. Như vậy, người lao động mất đi cơ hội hưởng lương hưu hoặc vẫn đủ thời gian hưởng lương hưu nhưng số tiền lương hưu sẽ rất thấp do thời gian đóng BHXH ngắn.
Trước thực tế đã nêu, một số ý kiến đề xuất, thay vì người lao động đến làm thủ tục rút BHXH một lần, ví dụ 30 triệu đồng thì cơ quan BHXH đề nghị họ không rút số tiền đó mà coi đó là khoản thế chấp cho ngân hàng để được vay tiền. Sau 1 – 2 năm, người lao động có tiền thì trả lại tiền ngân hàng; trường hợp không có điều kiện trả tiền thì mới làm thủ tục rút BHXH một lần.
>> Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Cần ưu tiên đảm bảo an sinh xã hội lâu dài
Chia sẻ về đề xuất đã nêu, TS. Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, các ngân hàng có thể liên kết với cơ quan giải quyết chế độ BHXH một lần để có hình thức cấp tín dụng cho người lao động vay, với lãi suất phù hợp, ứng với số tiền dự định rút BHXH một lần, trong một thời hạn nhất định và có thể gia hạn theo quy định của ngân hàng.
“Khoản tiền rút BHXH một lần chính là tài sản thế chấp. Đây là cách sẽ được nhiều người lao động lựa chọn để vừa giải quyết được vấn đề “kinh tế” trước mắt, vừa kéo dài cơ hội để người lao động tham gia nối tiếp trở lại bảo hiểm xã hội”, TS. Vũ Minh Tiến nêu quan điểm.
Đồng tình với quan điểm đã nêu, một số ý kiến cũng cho rằng, đây cũng có thể coi là giải pháp thiết thực, bởi không chỉ hiệu quả, giúp đảm bảo an sinh cho người lao động về trước mắt mà còn có thể giữ chân người lao động ở lại với hệ thống BHXH dài hạn.
Thực tế, theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng của “làn sóng” rút BHXH một lần xuất phát từ tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, đặc biệt là trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay, dẫn đến nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh dẫn đến cắt giảm lao động. Và khi người lao động thiếu việc làm, không có việc làm, mất việc làm gia tăng kéo theo đó là số người rút BHXH một lần. Vì vậy, khi có giải pháp để hỗ trợ người lao động qua giai đoạn này, việc người lao động tiếp tục ở lại với hệ thống BHXH hoàn toàn khả thi.
Xoay quanh nội dung đề xuất người lao động có thể sử dụng tiền đã đóng BHXH như một tài sản đảm bảo cho khoản vay, nếu người lao động không trả được có thể lấy số tiền đã đóng BHXH để trả nợ, thông tin với báo chí, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - Nguyễn Bá Hoan cho rằng, đây là đề xuất hay nhưng để xem sổ BHXH như một tài sản đảm bảo khoản vay tín dụng thì còn liên quan đến nhiều luật khác. Cơ quan soạn thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sẽ tiếp tục nghiên cứu về đề xuất này.
Được biết, trước sự gia tăng của tình trạng rút BHXH một lần thời gian qua, bên cạnh việc yêu cầu BHXH Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia BHXH, đôn đốc thu, giảm số tiền chậm đóng, trốn đóng BHXH thì tại Nghị quyết 88/NQ-CP, phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5/2023, Chính phủ cũng chỉ đạo các cơ quan liên quan có giải pháp để kéo giảm số người lao động rút BHXH một lần.
Có thể bạn quan tâm
Nghỉ việc 3 tháng được rút BHXH 1 lần: Còn nhiều băn khoăn
01:00, 03/05/2023
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Băn khoăn quy định về rút BHXH một lần
04:00, 30/04/2023
Đâu là giải pháp căn cơ để ngăn “làn sóng” rút BHXH một lần?
04:00, 11/03/2023
TP.HCM: Vì sao người lao động đổ xô đi rút BHXH 1 lần?
15:30, 12/12/2022
Rút BHXH 1 lần chỉ được 8%: Đừng vì nóng vội...
05:00, 03/11/2022