Theo các chuyên gia, giải pháp căn cơ để hạn chế tình trạng rút BHXH một lần là phải có giải pháp duy trì việc làm bền vững, chất lượng việc làm là quan trọng nhất.
>>Đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội: Các chuyên gia nói gì?
Theo đó, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi đang lấy ý kiến, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã đề xuất 2 phương án rút BHXH một lần. Phương án một là giữ nguyên quy định hiện hành, tức lao động tham gia dưới 20 năm BHXH và sau một năm nghỉ việc không tiếp tục đóng BHXH tự nguyện thì được rút một lần. Lao động được rút toàn bộ quá trình đóng nếu có nhu cầu, song về lâu dài sẽ chịu thiệt khi không được hưởng lương hưu.
Phương án hai là cho lao động rút một lần song tối đa không quá 50% tổng thời gian đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Thời gian đóng còn lại được bảo lưu để sau này lao động đủ tuổi nghỉ hưu được hưởng chế độ BHXH.
Xung quanh vấn đề này, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, qua khảo sát cho thấy, người lao động không mặn mà với đề xuất mới. Ông lý giải, chế độ BHXH một lần được quy định rất sớm trong chế độ chính sách về BHXH ở nước ta. Ngay tại Điều 28 Nghị định 12 năm 1995 đã có quy định này. Từ đó, trong quá trình hoàn thiện quy định pháp luật thì chế độ này luôn được sửa đổi, bổ sung.
“Chế độ BHXH một lần hiện nay được quy định tại Điều 60 Luật BHXH cùng với Nghị định 93 về BHXH là chế độ tốt nhất cho người lao động hiện nay”, ông Quảng nói.
Theo ông, đến nay, đã có hàng triệu người lao động bị mất việc làm, hoàn cảnh khó khăn nhận tiền theo quy định này. Đủ thấy, chính sách này đã đi vào cuộc sống, cho nên, người lao động cảm nhận được và tất yếu muốn giữ quy định này.
Nhận xét về đề xuất mới, ông Quảng cho rằng, bản chất của BHXH một lần là giải quyết khó khăn trước mắt cho người lao động khi mất việc làm. Với đề xuất là giảm 50% mức hưởng so với hiện hành, theo ông Quảng, người lao động vừa được hưởng một phần, phần còn lại được bảo lưu đến khi người lao động hưởng chế độ hưu trí.
Tuy nhiên, ông lưu ý, tất cả trường hợp rút BHXH một lần khi mất việc làm. Còn khi vẫn có công ăn, việc làm, không ai nhận BHXH một lần. Do đó, giải pháp căn cơ để hạn chế tình trạng rút BHXH một lần là phải có giải pháp duy trì việc làm bền vững, chất lượng việc làm là quan trọng nhất.
Bên cạnh đó, cần có những chính sách an sinh xã hội hỗ trợ người lao động lúc khó khăn..."Còn giảm 50%, khó ngăn được làn sóng này", ông Quảng nói.
Ngoài ra, dẫn thực tế, nhiều trường hợp người lao động không được giải quyết chế độ do doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH ông Quảng khẳng định, nhiều người lao động chưa có niềm tin vào hệ thống an sinh. Do đó, chúng ta cần tăng cường biện pháp, đảm bảo thực thi pháp luật để tạo niềm tin cho người lao động. Bên cạnh đó, Luật BHXH sửa đổi cần tăng tính hấp dẫn, tăng cường quyền lợi của của người lao động khi tham gia vào hệ thống. Như vậy, mới thu hút được họ “gắn bó” với bảo hiểm xã hội.
>>Đồng bộ giải pháp để “giải” bài toán… rút bảo hiểm xã hội một lần
Từng hai lần tham gia sửa Luật Bảo hiểm xã hội 2006 và 2014, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội, không ủng hộ cho rút BHXH một lần. Song với phương án giữ lại 50% tổng thời gian đóng BHXH, cơ quan soạn thảo chưa nói rõ khoản đó sẽ được giải quyết thế nào trong trường hợp lao động không tích lũy đủ 20 năm để hưởng lương hưu? Nếu chuyển qua trợ cấp hàng tháng hoặc cho rút tiếp thì cần thông tin rõ ngay từ trong dự thảo cho lao động biết, tham gia góp ý và cân nhắc lựa chọn.
Ông Huân phân tích lao động luôn băn khoăn "Tiền để lại trong quỹ liệu có an toàn và sau này có dễ dàng lấy"? Khoản tiền bảo lưu nhiều năm trong quỹ cần được minh bạch, đầu tư sinh lời hiệu quả và người lao động phải được chia sẻ phần lãi. Khi biết tiền đóng sinh lời, lao động sẽ yên tâm để trong quỹ, không vội vàng rút một lần.
Đồng tình quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Nghiên cứu đời sống xã hội cho biết, các khảo sát cho thấy việc rút BHXH một lần có mối liên quan đến niềm tin của lao động với quỹ. Cơ quan quản lý nên nhìn nhận người đóng BHXH như là cổ đông của quỹ, cần biết nguồn tiền tăng giảm ra sao, dùng vào mục đích gì. Chỉ khi lao động biết tiền trong quỹ được vận hành minh bạch, hỗ trợ lúc sa cơ thì mới mong giữ họ ở lại hệ thống.
Cũng chia sẻ với báo chí về giải pháp để hạn chế rút BHXH một lần, bà Phạm Thu Lan, Viện phó Công nhân Công đoàn cho rằng, ngoài sửa luật còn phải thay đổi đồng bộ quy định về lương tối thiểu, là mức đủ sống chứ không phải chỉ tồn tại. Bà đồng ý giảm số năm đóng BHXH xuống 15, nhưng đợi đến tuổi hưu mới được hưởng lương hưu là quá lâu. Đi kèm với giảm năm đóng cần giảm tuổi hưởng, rút ngắn thời gian chờ để lao động vừa có khoản trang trải cuộc sống trong khi đợi lương hưu, tức cần tách tuổi hưởng chế độ với tuổi hưu.
Tuổi hưởng chế độ có thể dao động 45-50 bởi với ngành sử dụng lao động như dệt may, da giày, công nhân hết tuổi nghề rất sớm. Lao động hết tuổi nghề sẽ đến tuổi hưởng chế độ, tức có một tầng an sinh nâng đỡ trong khi chuyển đổi công việc phù hợp, hoặc tiếp tục tham gia thị trường lao động. Bà Lan tin lao động sẵn sàng đợi nếu có chế độ hỗ trợ trong thời gian chờ lương hưu. Còn tuổi hưu là đến khi lao động nghỉ việc, có thể kéo dài như quy định hiện nay để tận dụng nguồn nhân lực.
"Nên đưa ra cho người lao động nhiều cách để lựa chọn, thay vì bắt buộc chọn rút BHXH hoặc không", bà Lan nói.
Có thể bạn quan tâm