“Gỡ vướng” công tác định giá đất: Cần tăng cường vai trò của các bên tham gia định giá
Xoay quanh các khó khăn, vướng mắc trong công tác định giá đất, theo các chuyên gia, để giải quyết những thực trạng đã và đang tồn tại, cần tăng cường vai trò của các bên tham gia định giá…
>> Lập tổ công tác xử lý các vướng mắc về định giá đất
Theo đó, trong gần 10 năm qua, giá đất đã đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, có những tỉnh thu được 50- 60% tổng số ngân sách là từ nguồn lực đất đai. Tuy nhiên, qua tổng kết thực hiện Luật Đất đai năm 2013 và thực tiễn cho thấy, công tác giá đất vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, bộc lộ rõ ở các phương pháp định giá đất; đối tượng áp dụng các phương pháp; trình tự, thủ tục, cách thức để xác định giá đất theo các phương pháp. Giá đất cũng là một nội dung nhận được nhiều ý kiến góp ý đối với Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 2013.
Không chỉ có vậy, thực tế cũng cho thấy, việc không quy định thời gian ban hành quyết định giá đất, chỉ quy định thời điểm định giá đất của Luật Đất đai 2013 dẫn đến ở nhiều địa phương có tình trạng đã giao đất, cho thuê đất nhưng vẫn chưa có quyết định giá đất để doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính, nộp tiền vào ngân sách, gây ách tắc lớn...
Để giải quyết hiện trạng đã nêu, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thường trực Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về giá đất và Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết phương pháp định giá đất; xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất trên tinh thần của Nghị quyết 18-NQ/TW, bên cạnh việc sửa đổi các chính sách liên quan đến giá đất trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc đang tồn tại trong thực tiễn, khơi thông nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế xã hội…
Góp ý về công tác định giá đất, nhiều ý kiến cho rằng, để xác định giá đất theo phương pháp tiếp cận thị trường đòi hỏi hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin về giá đất thị trường phải hoàn chỉnh, đầy đủ, đồng thời cần phải tăng cường vai trò của các bên tham gia định giá.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho hay, việc bỏ khung giá đất, xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường là một bước đột phá trong tư duy về chính sách, tuy nhiên, câu chuyện cụ thể xác định giá đất như thế nào cho sát với thị trường là điều không hề đơn giản nhưng nội dung này là rất quan trọng trong chính sách liên quan tới tài chính đất đai.
“Để định giá đất theo thị trường phải có những căn cứ, có số liệu, dữ liệu. Cùng với đó là có những đơn vị đánh giá độc lập để đưa ra mức đối chiếu, so sánh giá. Đây là công cụ để tham khảo giá cả cho các cơ quan quản lý địa phương”, ông Điệp chia sẻ.
>> Nghiên cứu thêm phương pháp định giá đất
Còn theo PGS.TS Doãn Hồng Nhung - Phó Trưởng ban Pháp chế, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, hiện nay vẫn chưa rạch ròi trong định giá tài sản và định giá bất động sản. Khi mà định giá đất là một nghệ thuật và phụ thuộc rất nhiều vào những người tham gia công tác định giá đó như trình độ hiểu biết, năng lực cá nhân,… Hay các thông tin về thửa đất đó, vị trí của mạnh đất, những yếu tố xung quanh có thể tác động đến mức tăng hay giảm giá trị của bất động sản.
Do vậy, để có được giá đất sát với giá thị trường như chúng ta mong muốn thì phải xem xét bất động sản đó ở nhiều khía cạnh khác nhau, không chỉ tiếp cận một cách khô cứng như diện tích hay hình dáng mà còn phải phụ thuộc vào những yếu tố bên ngoài của thửa đất đó, đấu giá đất để làm gì, vị trí và quá khứ của bất động sản đó ra sao.
Về hội đồng định giá đất, PGS.TS Doãn Hồng Nhung cho rằng, phải có đầy đủ các thành phần tham gia như chuyên gia, những người có chức vụ quyền hạn, những nhà hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật và quan trọng là phải có người có đất bị thu hồi theo quy định. Quy trình triển khai lần này phải chi tiết, cụ thể hơn so với những lần trước đây.
Được biết, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác định giá đất, ngày 10/7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính cũng đã ký ban hành Công điện số 634/CĐ-TTg. Công điện yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT về quy định chi tiết phương pháp định giá đất, xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất, định giá đất cụ thể và tư vấn xác định giá đất trước ngày 31/7/2023.
Theo đó, trước ngày 31/7/2023, trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 44/2014/NĐ-CP quy định về giá đất đã được Thường trực Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại Thông báo số 244/TB-VPCP ngày 26/6/2023, Công điện số 469/CĐ-TTg ngày 25/5/2023, theo hướng đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, dứt khoát không gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và quy định của pháp luật.
Có thể bạn quan tâm