Bất cập thuế thu nhập cá nhân – Đừng để tăng lương chỉ trên “danh nghĩa”

GIA NGUYỄN 17/07/2023 04:00

Cùng với những biến động của giá cả hàng hóa, thì những bất cập của thuế thu nhập cá nhân cũng được cho là một trong các nguyên nhân khiến việc tăng lương cơ sở mới đây chỉ tồn tại trên… “danh nghĩa”.

>> Thuế thu nhập cá nhân – Cần công bằng với người nộp thuế

Theo khảo sát mức sống dân cư năm 2022 của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 ước đạt 4,67 triệu đồng/người/tháng, tăng 9,5% so với năm 2021. So với thu nhập bình quân đầu người công bố năm 2006 chỉ ở mức 636.000 đồng (tăng 31,3% so với năm 2004 - thời điểm soạn thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân), thu nhập của người dân tăng hơn 7 lần trong vòng 16 năm.

Những bất cập của thuế thu nhập cá nhân đã và đang để lại những ám ảnh nhất định cho người nộp thuế - Ảnh minh họa: ITN

Những bất cập của thuế thu nhập cá nhân đã và đang để lại những "gánh nặng" nhất định cho người nộp thuế - Ảnh minh họa: ITN

Đáng nói, Luật Thuế thu nhập cá nhân được áp dụng từ năm 2007, sau 2 lần điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế (từ 4 triệu đồng/tháng lên 9 triệu đồng/tháng và 11 triệu đồng/tháng vào năm 2020) thì mức tăng chưa đến 3 lần. Trong khi đó, bình quân mỗi người chi tiêu năm 2008 khoảng 792.000 đồng/tháng thì tới năm 2020 lên hơn 2,8 triệu đồng/tháng, tương ứng tăng gần 3,6 lần.

Như vậy, để đảm bảo duy trì đời sống hiện nay như trước đây, người dân phải chi tiêu nhiều hơn, đồng nghĩa mức giảm trừ gia cảnh ít nhất phải được nâng lên tương ứng. Việc giữ quy định về thuế thu nhập cá nhân sau nhiều năm khiến người nộp thuế đã và đang rơi vào tình trạng thu không đủ chi nhưng vẫn phải đóng thuế, chưa kể việc các bậc thuế thu nhập cá nhân quá dày, sát nhau nên khi lương nhích lên vài trăm ngàn, thì người làm công ăn lương có thể phải đóng thuế nhiều hơn.

Thực tế cho thấy, sau hơn 3 năm chờ đợi, từ ngày 01/7, tiền lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức được tăng 20,8%, từ mức 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng. Đợt tăng lương cơ sở lần này đã được tính toán trong kế hoạch, chương trình dài hạn của Chính phủ, bởi trên thực tế, mức thu nhập của các cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước là thấp hơn so với người làm việc khối doanh nghiệp.

>> Thuế thu nhập cá nhân - Phải điều chỉnh kịp thời để phù hợp với thực tế

Việc tăng lương cơ sở đem đến nhiều kỳ vọng, tuy nhiên, đồng nghĩa với việc tăng lương thì niềm vui của đối tượng thụ hưởng vẫn không trọn vẹn khi bất cập về thuế thu nhập cá nhân còn đó - Ảnh minh họa: ITN

Việc tăng lương cơ sở đem đến nhiều kỳ vọng, tuy nhiên, đồng nghĩa với việc tăng lương thì niềm vui của đối tượng thụ hưởng vẫn không trọn vẹn khi bất cập về thuế thu nhập cá nhân còn đó - Ảnh minh họa: ITN

Việc tăng lương theo tính toán đã phần nào đáp ứng được sự kỳ vọng của người dân trong thời buổi giá cả tang, điều này cũng giúp cho các cán bộ, công chức, viên chức có thu nhập tốt để họ có thể sống bằng chính đồng lương của mình.

Tuy nhiên, tại thời điểm lương cơ sở có sự điều chỉnh, thị trường đã và đang đứng trước viễn cảnh thiết lập mặt bằng giá mới khi điện tăng, xăng tăng, giá học phí, viện phí, cước phí, nước sinh hoạt... đều đã hoặc sắp tăng. Đáng nói, chính sách thuế thu nhập cá nhân với hàng loạt các bật cập chưa được điều chỉnh, cũng góp phần là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc tăng lương “lo hơn mừng”, bởi ranh giới giữa các bậc thuế là quá nhỏ, với ngưỡng tăng hiện nay, không ít người sẽ chạm bậc thuế suất mới.

Chia sẻ về những bất cập của thuế thu nhập cá nhân, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính nhìn nhận, quy định về thuế thu nhập cá nhân hiện nay có nhiều lạc hậu so với thế giới. Mức giảm trừ gia cảnh là quá thấp so với thu nhập và chi tiêu hiện nay, đặc biệt là người dân ở các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Vì vậy, cần thiết phải nâng mức gia cảnh cho cả người nộp thuế và người phụ thuộc.

Đồng thời, vị chuyên gia này cũng kiến nghị, bỏ bớt 3 bậc thuế trong biểu thuế lũy tiến từng phần áp dụng cho tiền lương tiền công là 15 - 25% và 35%, rút số bậc thuế từ 7 xuống còn 4 là 5%, 10%, 20% và 30%. Khoảng cách giữa các bậc thuế cũng nên giãn ra, như mức thuế suất 5% nên áp dụng cho phần thu nhập chịu thuế từ 15 - 20 triệu đồng, mức 10% cho phần thu nhập chịu thuế từ 20 - 40 triệu đồng...

Đặc biệt, theo quy định, khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng trên 20% mới trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét điều chỉnh. Với mức lạm phát của Việt Nam khoảng 3 - 4%/năm, phải mất 5 - 6 năm mới điều chỉnh mức giảm trừ cho người lao động là không phù hợp. Trong khi đó, mức tăng CPI hằng năm ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của người nộp thuế rồi. Do đó, Chính phủ cũng như các cơ quan nên xem xét chỉ cần CPI tăng 10% hoặc cần thiết có thể tiến tới điều chỉnh mức này hàng năm để tốt hơn.

“Mức thấp nhất phải đóng thuế hay còn gọi là mức giảm trừ gia cảnh nên được xem xét lại cho phù hợp với tình hình thực tế. Mức 11 triệu đồng/tháng hiện nay không đủ sống ở đô thị, nên không thể coi đó là mức thu nhập cao phải đóng thuế. Theo tôi Bộ Tài chính cần tính toán nâng lên để việc đóng thuế thu nhập thực sự trở thành công cụ kiểm soát người có thu nhập cao. Mức thu nhập tối thiểu phải đóng thuế nên để ở 15-20 triệu đồng/tháng”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đề xuất.

Theo ông Thịnh, phải xây dựng mức sống tối thiểu khác đi, không thể để mức như hiện nay, áp dụng hàng chục năm, trong khi đời sống nâng cao, lạm phát, giá cả tăng.

Còn theo TS Bùi Đức Thụ - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cần phải rà soát lại những cơ chế, chính sách liên quan đến thu nhập của người hưởng lương cho phù hợp, đồng bộ, để việc tăng lương thực sự ý nghĩa. Nếu cứ tăng chỗ này lại thu chỗ kia thì chính sách sẽ thiếu đồng bộ, không hợp lý. Luật ban hành đã có nhiều nội dung không còn phù hợp, nên phải rà soát lại các văn bản, đặc biệt là luật về thuế cần sửa đổi cho phù hợp, tạo thành hệ thống chính sách đồng bộ trong chính sách thu nhập nói chung, tránh tình trạng các chính sách bị xung đột, đối lập nhau.

“Cần điều chỉnh chính sách cho phù hợp, mức khởi điểm chịu thuế thu nhập phải nâng lên khi tăng lương, rồi số bậc thuế có nên thu gọn lại? Hay mức giảm trừ đối với người phụ thuộc có còn hợp lý không? Nếu vẫn áp mức thuế trong điều kiện hiện nay, lạm phát vẫn tăng không khéo sẽ trở thành tận thu, không phù hợp với từng đối tượng. Do vậy, cần phải sớm điều chỉnh chính sách thuế thu nhập cho thực sự phù hợp”, TS Bùi Đức Thụ bày tỏ.

Có thể bạn quan tâm

  • Thuế thu nhập cá nhân – Cần công bằng với người nộp thuế

    Thuế thu nhập cá nhân – Cần công bằng với người nộp thuế

    04:00, 05/07/2023

  • Điểm sáng hỗ trợ sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân

    Điểm sáng hỗ trợ sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân

    05:30, 08/06/2023

  • Thuế thu nhập cá nhân - Phải điều chỉnh kịp thời để phù hợp với thực tế

    Thuế thu nhập cá nhân - Phải điều chỉnh kịp thời để phù hợp với thực tế

    05:00, 07/06/2023

  • Để thuế thu nhập cá nhân không còn là nghịch lý

    Để thuế thu nhập cá nhân không còn là nghịch lý

    05:00, 07/06/2023

  • Cấp thiết sửa bất cập về... thuế thu nhập cá nhân

    Cấp thiết sửa bất cập về... thuế thu nhập cá nhân

    04:00, 06/06/2023

GIA NGUYỄN