Xử lý hành vi chậm, trốn đóng BHXH – Vẫn cần thêm chế tài
Để ngăn chặn hành vi chậm, trốn đóng BHXH, đảm bảo quyền lợi cho người lao động, góp ý Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, vẫn cần thêm chế tài…
>> Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Cân nhắc tỷ lệ đóng BHXH
Theo đó, hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc kéo dài nhiều năm qua, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Đáng nói, dù thanh tra, kiểm tra, xử lý nhưng hiệu quả không cao và chưa có chế tài giải quyết dứt điểm, cũng không thể thực hiện biện pháp thu hồi bằng biện pháp khấu trừ qua tài khoản nên chưa đủ sức răn đe với tổ chức cố tình vi phạm pháp luật về BHXH.
Thực tế, thống kê từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, tính đến ngày 30/6/2023, tổng số tiền chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) phải tính lãi là 15.797 tỷ đồng, chiếm 3,3% số tiền phải thu. Trước đó, trong giai đoạn 2016-2021, cả nước có 538 doanh nghiệp trốn đóng BHXH trên 10 năm; hơn 4.200 doanh nghiệp trốn đóng trên 5 năm.
Tiền chậm đóng BHXH tăng dần, bình quân 10.000 tỷ đồng mỗi năm, riêng khoản chậm đóng từ 3 năm trở lên chiếm 34% tổng số chậm, trốn đóng của các doanh nghiệp. Nợ xấu khó thu hồi ngày càng nhiều, theo đó, năm 2020 là gần 2.600 tỷ đồng (22%), gấp 1,6 lần so với năm 2016.
Nhằm hạn chế, khắc phục tình trạng đã nêu, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã quy định các trường hợp chậm, trốn đóng BHXH bắt buộc cùng với các hình thức xử lý vi phạm, như: Quy định nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền chậm đóng, trốn đóng (như lĩnh vực thuế); Quy định việc quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng BHXH từ 6 tháng trở lên;…
>> Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Không nên quy định cho rút hết BHXH một lần
So với các quy định hiện hành, những đề xuất đã nêu tại Dự thảo Luật (sửa đổi) được cho đã có nhiều điểm tích cực, tăng tính răn đe, thế nhưng, nhiều ý kiến cho rằng, vẫn cần thêm chế tài để đảm bảo tính khả thi khi đưa vào thực tiễn.
Theo đại biểu Võ Mạnh Sơn – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, bên cạnh việc tăng cường các biện pháp thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về BHXH như Dự thảo Luật đang ghi nhận để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, củng cố niềm tin của người lao động đối với chính sách BHXH, cần có các quy định để định rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan thực hiện chính sách BHXH nếu để tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH gia tăng.
Đồng thời đề nghị thiết kế một số quy định trong Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) để phòng ngừa và giải quyết quyền lợi về BHXH của người lao động khi doanh nghiệp bị phá sản, chủ doanh nghiệp bỏ trốn, cố tình hoặc vì lý do doanh nghiệp khó khăn mà không thể đóng BHXH cho người lao động.
Còn đại biểu Lê Nhật Thành – Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội đề nghị khoản 3, Điều 37 Dự thảo Luật (sửa đổi) cần bổ sung chế tài xử lý, khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự đối với những hành vi trốn đóng BHXH như là hành vi trốn thuế.
Vị đại biểu này cho rằng, có làm như đề xuất mới đủ sức răn đe.
Đồng quan điểm đã nêu, đại biểu Phạm Đức Ấn - Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cũng cho rằng, biện pháp xử lý phải hướng vào chủ sử dụng lao động và phải là vấn đề hình sự. Không nên quy định như khoản 2, Điều 37 về cơ quan có thẩm quyền ngừng sử dụng hoá đơn đối với người chậm đóng BHXH.
“Nếu ngừng hoá đơn thì doanh nghiệp càng khó khăn hơn, càng ảnh hưởng người lao động hơn. Khoản 4 cũng nói, cơ quan bảo hiểm có quyền khởi kiện, về mặt công nghệ, chúng ta có thể kiểm soát được việc chậm đóng bảo hiểm. Cứ chậm 1-2 tháng là đưa ra khởi kiện hành chính được rồi, nhưng phải làm thế nào để cưỡng chế được ngay, chứ đợi một vài năm doanh nghiệp phá sản thì lấy đâu ra nộp, mà ảnh hưởng thị trường lao động”, vị đại biểu này phân tích và đề nghị việc xử lý hành vi chậm đóng phải làm cương quyết hơn.
Liên quan đến biện pháp xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH, không ít ý kiến cũng nhìn nhận, với tình trạng hiện nay, Dự thảo Luật (sửa đổi) không nên quy định việc trốn đóng BHXH 6 tháng trở lên thì phải ngừng sử dụng hóa đơn. Bởi, khi đã trốn đóng bảo hiểm thì phải áp dụng quy định pháp luật hình sự chứ chỉ dừng ở mức ngừng hóa đơn sẽ không đủ sức răn đe, tác động đến doanh nghiệp. Việc ngừng hóa đơn chỉ áp dụng khi chậm đóng bảo hiểm bắt buộc.
Có thể bạn quan tâm
Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Cân nhắc tỷ lệ đóng BHXH
04:00, 26/10/2023
Giải pháp nào đối với rút bảo hiểm xã hội một lần?
00:46, 22/10/2023
“Con đê” nào ngăn được rút bảo hiểm xã hội một lần?
04:00, 20/10/2023
Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Không nên quy định cho rút hết BHXH một lần
03:30, 14/10/2023
Đề nghị cân nhắc quy định trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
17:00, 17/08/2023