Góp ý các phương án được đề xuất tại Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), chuyên gia cho rằng, để đảm bảo an sinh, không nên quy định cho người lao động rút hết BHXH một lần…
>> Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Cần làm rõ hành vi trốn đóng BHXH
Theo đó, Chính phủ vừa gửi tới các cơ quan Quốc hội tờ trình Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), trong đó, 2 phương án quy định về việc rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần được Chính phủ hoàn thiện chú trọng các quyền lợi bổ sung với người lựa chọn bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm. Cụ thể:
Phương án 1: quy định việc hưởng BHXH một lần đối với hai nhóm khác nhau. Nhóm thứ nhất - là người lao động đã tham gia BHXH trước khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực; Nhóm thứ hai - là người tham gia sau 01/7/2025 sẽ không được nhận BHXH một lần.
Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia tự nguyện và có thời gian đóng chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Thời gian đóng còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ.
Theo đánh giá của cơ quan soạn thảo, phương án 1 có thể nhận được sự đồng thuận của lao động vì 17,5 triệu người tham gia hệ thống trước tháng 7/2025 vẫn có thể rút một lần, nhưng nhược điểm là chậm mở rộng diện bao phủ và dễ làm dấy lên sự so sánh giữa người tham gia trước và sau khi luật có hiệu lực.
Còn với phương án 2, ưu điểm là có thể đáp ứng nhu cầu tài chính trước mắt của người lao động và giữ họ ở lại hệ thống an sinh để hưởng lương hưu.
Xoay quanh nội dung Dự thảo Luật (sửa đổi), quy định về việc rút BHXH luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, bởi đây được cho là một trong những vấn đề nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và tâm lý của người lao động, cũng như hệ thống an sinh lâu dài.
Nhìn nhận về các phương án đề xuất đã nêu, ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, với phương án 1 thì số người rút BHXH một lần vẫn gia tăng, tỷ lệ bao phủ của BHXH tăng rất chậm. Khi 2 người vào hệ thống BHXH, có 1 người rút ra sẽ làm cho lưới an sinh rất mỏng.
Trong khi, kinh nghiệm của các quốc gia, nhiều nước hạn chế rút BHXH một lần, bởi việc rút BHXH một lần ảnh hưởng rất nhiều đến vấn đề an sinh của người rút.
>> Chặn trốn đóng BHXH cho người lao động
Vì vậy, vị chuyên gia này cho rằng, nên tích hợp cả hai phương án trên. Với người tham gia trước thời điểm luật có hiệu lực (dự kiến 01/7/2025) thì được rút 8% đã đóng, còn lại tích lũy trong hệ thống để hưởng lương hưu. Với người tham gia từ sau năm 2025 không được rút BHXH nữa. Chính sách điều chỉnh dần từ cho rút có mức độ tới đóng lại, tránh gây cú sốc khiến người lao động phản ứng như trước đây.
Còn theo nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - Nguyễn Thị Lan Hương, để đảm bảo chính sách an sinh thì không nên cho người lao động rút một lần. Thế nhưng, hiện nay người lao động đang rất khó khăn, do vậy chỉ nên quy định cho rút một phần không quá 50% BHXH, phần còn lại để hướng người lao động tái tham gia BHXH, hướng tới hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động.
Vị chuyên gia này đề xuất, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) nên quy định bảo lưu số năm đóng cho người lao động. Theo đó, số năm đóng vẫn được giữ nguyên và mức hưởng sau này dựa trên số tiền đóng thực tế.
“Công thức hưởng chế độ hưu trí từ BHXH dựa trên mức đóng và số năm đóng. Do vậy, BHXH nên quy định bảo lưu số năm đóng để tạo điều kiện cho người lao động đảm bảo thời gian hưởng lương hưu. Ngược lại, nếu rút 50% đồng nghĩa mất nửa thời gian đóng, khi tái tham gia trở lại, người lao động có số năm tham gia BHXH ít, dẫn đến mức hưởng hưu trí, trợ cấp rất thấp”, vị chuyên gia này bày tỏ.
Liên quan đến vấn đề này, không ít ý kiến cũng cho rằng, để người lao động được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi đến tuổi nghi hưu, về lâu dài nên ngưng giải quyết BHXH một lần. Để hướng đến mục tiêu này, phương án 2 có thể thay đổi thành: “Sau 3 tháng không tiếp tục đóng BHXH nhưng chưa đủ 15 năm đóng, nếu có yêu cầu thì người đóng được giải quyết tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất và chỉ giải quyết một lần. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH”.
Ngoài ra, Dự thảo cũng cần nghiên cứu, bổ sung quy định cho phép người lao động hoàn trả số tiền BHXH một lần đã nhận kèm theo một khoản lãi tương ứng với lãi suất đầu tư của Quỹ BHXH công bố hàng năm. Cơ chế này giúp người lao động vượt qua khó khăn trong ngắn hạn, mở ra cơ hội để họ được bảo toàn thời gian đã đóng để được hưởng lương hưu khi về già, giảm bớt gánh nặng an sinh xã hội cho Nhà nước.
Trước đó, cho ý kiến vào Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo Dự luật đánh giá tác động, cân nhắc kỹ lưỡng và bao quát trong việc sửa đổi, bổ sung những quy định về hưởng BHXH một lần.
Đồng thời đề nghị, tiếp tục rà soát, đánh giá toàn diện về bối cảnh thực tiễn, đời sống và tâm lý người lao động để đề xuất phương án đảm bảo tốt nhất quyền lợi lâu dài của người lao động, hài hòa với nguyên tắc đóng, hưởng, có chia sẻ của BHXH…
Có thể bạn quan tâm
Hạn chế rút BHXH một lần - Quan trọng nhất vẫn là cải thiện đời sống, thu nhập
04:00, 30/09/2023
Hạn chế rút BHXH một lần - Nên mở rộng trợ cấp thất nghiệp
04:00, 22/09/2023
Hạn chế rút BHXH một lần - Tăng thêm quyền lợi cho người lao động là cần thiết
03:50, 10/09/2023
Hạn chế rút BHXH một lần - Cần có nhóm giải pháp đồng bộ hơn
03:30, 19/08/2023
Hạn chế rút BHXH một lần - Cần có lộ trình
04:00, 15/07/2023