Xoay quanh các giải pháp hạn chế rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, không ít ý kiến cho rằng, quan trọng nhất vẫn là cải thiện đời sống, thu nhập cho người lao động…
>> Hạn chế rút BHXH một lần - Nên mở rộng trợ cấp thất nghiệp
Theo đó, trước thực trạng người lao động rút BHXH một lần ngày một gia tăng trong những năm vừa qua, hàng loạt các giải pháp, khuyến nghị đã được đưa ra để giải quyết vấn đề này như: đưa chính sách trợ cấp gia đình, trẻ em vào Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); mở rộng trợ cấp thất nghiệp;…
Chưa kể, không ít chính sách theo hướng gia tăng quyền lợi cho người lao động khi tham gia BHXH cũng được Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đề xuất luật hóa, thế nhưng, để có thể giải quyết được thực trạng rút BHXH một lần hiện nay, không ít ý kiến cho rằng, cần đi đúng vào cốt lõi bản chất vấn đề, nguyên nhân vì đâu người lao động lại gia tăng việc rút BHXH một lần, như vậy, chính sách khi ban hành mới sớm thẩm thấu vào thực tế.
Từ các số liệu được phân tích thời gian qua cho thấy, số lượng người lao động hưởng BHXH một lần trong giai đoạn 2016 - 2021 tập trung chủ yếu ở đối tượng đóng BHXH do người sử dụng lao động quyết định (ngoài Nhà nước) với tổng số 2.899.200 người (chiếm 90,74% tổng số người hưởng BHXH một lần), sau đó là đối tượng đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định với tổng số 257.002 người (chiếm 8,04% tổng số người hưởng BHXH một lần), và thấp nhất là đối tượng tự nguyện với 38.856 người (chiếm 1,22% tổng số người hưởng BHXH một lần).
Điều đáng lo ngại là những người hưởng BHXH một lần tập trung đông nhất ở nhóm tuổi từ trên 30 đến đủ 40 tuổi (chiếm khoảng 40,4%); tiếp đó nhóm tuổi từ trên 20 đến đủ 30 tuổi đứng thứ hai (chiếm khoảng 37,1%); nhóm tuổi từ trên 40 tuổi đến đủ 50 tuổi đứng thứ 3 (chiếm khoảng 15,4%), nhóm tuổi từ trên 50 tuổi đến đủ 60 tuổi đứng thứ 4 (chiếm khoảng 5,8%), nhóm tuổi từ trên 60 tuổi đứng thứ 5 (chiếm khoảng 1,1%) và thấp nhất là nhóm từ đủ 20 tuổi trở xuống (chiếm khoảng 0,3%).
Đặc biệt, phụ nữ chiếm đa số trong những người nhận khoản BHXH một lần sau một năm ngừng tham gia bảo hiểm. Trong giai đoạn 2016 - 2019, phụ nữ nhận 54,8% của tổng các chế độ này và chỉ chiếm 44,5% tổng số người mới hưởng lương hưu cùng tháng. Trong cùng thời kỳ, số tiền hưởng BHXH một lần mà nam giới nhận được sau một năm ngừng đóng bảo hiểm gấp 4,5 lần số tiền hưu trí mà họ nhận được cùng thời kỳ và ở nữ giới là 6,8 lần. Điều này phản ánh cả xu hướng việc nhận khoản BHXH một lần cao hơn của phụ nữ và khả năng tiếp cận thấp hơn của họ đối với lương hưu hàng tháng.
>> Hạn chế rút BHXH một lần - Tăng thêm quyền lợi cho người lao động là cần thiết
Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng số người lao động rút BHXH một lần, thế nhưng, vấn đề cốt lõi nằm ở 2 nguyên nhân.
Thứ nhất là tiền - Đa số người lao động có thu nhập không cao, khả năng tích lũy không nhiều dẫn đến khi mất việc làm phải đối mặt với các nhu cầu tài chính trước mắt rất lớn. Tỷ lệ lao động trẻ rút bảo hiểm ngày càng nhiều bởi có tâm lý chỉ quan tâm đến nhu cầu trước mắt hơn là nhu cầu hưởng lương hưu khi về già. Ngoài ra, tình trạng lao động thiếu việc làm, không có việc làm, mất việc làm dẫn đến gia tăng số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần…
Thứ hai là niềm tin - Tình trạng trốn, nợ bảo hiểm của doanh nghiệp cũng là vấn đề đáng báo động trong khi quy định của pháp luật để xử lý các doanh nghiệp này còn chồng chéo, thậm chí còn mâu thuẫn với nhau. Đơn cử là việc xử lý hình sự doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm vẫn bế tắc.
Vì vậy, để giải quyết bài toán rút BHXH một lần thì quan trọng nhất vẫn là cải thiện đời sống, thu nhập cho người lao động.
Theo bà Bùi Thị An - nguyên đại biểu Quốc hội khoá XIII cho rằng, việc người lao động lựa chọn rút BHXH một lần xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Đầu tiên là từ khó khăn kinh tế chung của cả nước khi Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều khó khăn trong hơn 2 năm đối phó với đại dịch COVID-19, việc này đã tạo áp lực lớn lên Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động.
Sau đó là giá cả và biến động thị trường khiến nhiều người dân phải rút BHXH một lần để đáp ứng các nhu cầu chi tiêu như: Học phí cho con, chi phí chăm sóc sức khỏe,…
“Ngoài nhu cầu gấp gáp về tiền để trang trải cuộc sống, liệu rằng người lao động chưa thật sự tin tưởng vào hệ thống an sinh xã hội? Nếu tìm ra được nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan, chúng ta mới giải quyết được tình trạng người lao động rút BHXH một lần”, bà An chia sẻ.
Còn theo GS.TS Giang Thanh Long - giảng viên Cao cấp Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, phần lớn lao động thu nhập thấp chịu gánh nặng học hành của con cái và chi tiêu trước mắt. Khoản tiền trích đóng BHXH khiến hộ gia đình giảm một phần thu nhập dùng cho chi tiêu, thậm chí dẫn đến “nghèo hóa”. Trợ cấp gia đình vì vậy có thể cùng giải quyết hai bài toán: Duy trì cho trẻ em đến trường và mở rộng an sinh cho cha mẹ trong tuổi lao động. Khoản trợ cấp này nên tập trung vào nhóm hộ gia đình thu nhập thấp, công việc bấp bênh và con cái đang độ tuổi đến trường ở cấp học thấp bởi nhóm trẻ này có nguy cơ nghỉ học cao nếu gia đình khó khăn.
Với chương trình trợ cấp trực tiếp tiền mặt, cần quy định chặt chẽ kèm cam kết của người thụ hưởng để đảm bảo thực hiện mục tiêu an sinh lâu dài của Nhà nước.
“Đơn cử, Brazil, Argentina hỗ trợ phụ nữ nuôi con bằng một khoản tiền mặt chuyển vào tài khoản. Khoản này được giám sát chặt chẽ và người thụ hưởng cam kết cho con đi học, nếu không thì phải hoàn trả, hỗ trợ tiền mặt không có nghĩa là cho không mà cần đặt điều kiện để đảm bảo trẻ em được hưởng phúc lợi và an sinh lâu dài cho người lao động. Việc duy trì cho trẻ đến trường cũng là tạo nguồn lực tương lai, lao động thực hiện đúng cam kết được đỡ dần gánh nặng chi phí nuôi dạy con một thời gian dài. Khi con cái lớn cũng là lúc họ đã tham gia hệ thống BHXH nhiều năm, đủ thời gian hưởng lương hưu sẽ cân nhắc ở lại thay vì rút BHXH một lần”, ông Long phân tích.
Có thể bạn quan tâm
Hạn chế rút BHXH một lần - Nên mở rộng trợ cấp thất nghiệp
04:00, 22/09/2023
Hạn chế rút BHXH một lần - Tăng thêm quyền lợi cho người lao động là cần thiết
03:50, 10/09/2023
Hạn chế rút BHXH một lần - Cần có nhóm giải pháp đồng bộ hơn
03:30, 19/08/2023
Hạn chế rút BHXH một lần - Cần có lộ trình
04:00, 15/07/2023
Ngăn chặn rút BHXH một lần: Nên quy định rút một phần không quá 50%
04:00, 01/07/2023