Hạn chế rút BHXH một lần: Không nên quy định cứng nhắc

GIA NGUYỄN 08/04/2024 04:00

Để đảm bảo người lao động ở lại hệ thống an sinh, hạn chế tình trạng rút BHXH một lần, góp ý Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), một số ý kiến cho rằng, không nên quy định cứng nhắc…

>> Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Quy định rút BHXH một lần vẫn chưa có… lời giải

Theo đó, làn sóng rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần trong một bộ phận người lao động thời gian qua có xu hướng ngày càng gia tăng, dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn đối với hệ thống an sinh xã hội về đảm bảo tính bền vững. Đặc biệt, khi rời khỏi hệ thống BHXH, người lao động khi tham gia BHXH bắt buộc sẽ mất đi nhiều quyền lợi như: chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe...

làn sóng rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần trong công nhân lao động thời gian qua có xu hướng ngày càng gia tăng, dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn - Ảnh minh họa: ITN

Làn sóng rút BHXH một lần trong công nhân lao động thời gian qua có xu hướng ngày càng gia tăng, dẫn đến nhiều nguy cơ tiềm ẩn - Ảnh minh họa: ITN

Thực tế, thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, từ đầu năm 2023 đến nay, trung bình mỗi tháng cả nước có gần 100.000 người hưởng BHXH một lần.

Để hạn chế tình trạng đã nêu, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) mới nhất, đã đưa ra 2 phương án về rút BHXH một lần đối với người lao động tham gia BHXH bắt buộc bao gồm:

Phương án một - người lao động có thời gian đóng BHXH trước ngày luật này có hiệu lực thi hành, sau 12 tháng không tham gia BHXH bắt buộc, tự nguyện và thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì được rút BHXH một lần. Sau thời gian luật có hiệu lực thi hành, người lao động không được rút BHXH một lần nữa.

Phương án hai - sau 12 tháng người lao động không tham gia BHXH bắt buộc, tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì được rút BHXH một lần nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia khi có điều kiện và hưởng các chế độ BHXH.

Các phương án đã nêu được áp dụng cho người lao động bình thường. Riêng những trường hợp người lao động mắc bệnh hiểm nghèo, ra nước ngoài định cư… vẫn được rút BHXH một lần.

>> Nên quy định rõ hành vi chậm đóng và trốn đóng bảo hiểm xã hội

Góp ý Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), một số ý kiến cho rằng, chính sách đối với rút BHXH một lần không nên cứng nhắc - Ảnh minh họa: ITN

Góp ý Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), một số ý kiến cho rằng, chính sách đối với rút BHXH một lần không nên cứng nhắc - Ảnh minh họa: ITN

Xoay quanh vấn đề đã nêu, một số ý kiến đề xuất, chính sách BHXH một lần cần xem xét và cân nhắc các tác động tới an sinh xã hội của người lao động, trong đó, nên tăng chế độ chính sách của BHXH nhằm giữ người lao động tham gia thay vì hạn chế quyền rút BHXH một lần.

Góp ý Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam cho rằng, các quy định về rút BHXH một lần cần được đánh giá thận trọng. Bởi lẽ, người lao động rút BHXH một lần vì quá khó khăn, nhu cầu tài chính ngắn hạn nên buộc phải rút.

Thêm vào đó, thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, số lượng lao động nữ rút BHXH một lần luôn cao hơn lao động nam. Điều này có thể lý giải phụ nữ phải thực hiện thiên chức mang thai, sinh con; cùng với đó, phần lớn phụ nữ đảm nhiệm việc chăm sóc gia đình, trẻ em, người già, người bệnh những công việc không trả công.

Ngoài ra, người lao động thuộc khu vực phi chính thức nói chung và lao động nữ nói riêng phần lớn có thu nhập thấp, bấp bênh, việc làm không ổn định, đời sống còn nhiều khó khăn. Nhu cầu rút BHXH một lần để trang trải các chi phí sinh hoạt, chăm sóc y tế cho gia đình, khi mang thai và sinh con luôn hiện hữu rõ rệt.

Chính vì thế, việc Dự thảo đề xuất quy định không cho phép rút BHXH một lần đối với người lao động tham gia BHXH tự nguyện kể từ khi dự luật mới có hiệu lực, dễ gây ra những phản ứng tiêu cực từ xã hội.

“Do đó, cần quy định thống nhất về phương án giải quyết BHXH một lần theo phương án 2. Bởi phương án này có tính mềm dẻo, linh hoạt hơn và hạn chế được những phản ứng tiêu cực từ xã hội”, Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam đề xuất.

Còn theo đại biểu Lý Tiết Hạnh - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, khi xem xét các trường hợp rút BHXH, cần có thêm quy trình đánh giá việc rút BHXH như vậy có thực sự đáp ứng nhu cầu tài chính trước mắt của người lao động chưa. Nếu thấy thực sự không còn con đường nào khác, chúng ta sẽ quyết định việc cho hay không cho rút bảo hiểm.

“Tôi mong muốn để người lao động có thêm cơ hội cân nhắc có nên rút BHXH một lần hay không, nếu trong trường hợp bất khả kháng không thể nào khác, Nhà nước phải tính toán phương án để hỗ trợ cho người lao động”, bà Hạnh góp ý.

Đồng thời cho rằng, chính sách hỗ trợ về tín dụng là chính sách “hết sức nhân văn”. Hiện nay Dự thảo Luật (sửa đổi) chỉ quy định “Nhà nước có chính sách hỗ trợ tín dụng cho người lao động trong thời gian đóng BHXH bị mất việc làm” nhưng từ thực tiễn, nhiều người lao động rất cần tiếp cận chính sách tín dụng.

Cũng theo vị đại biểu này, mục đích của chính sách tín dụng là để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia BHXH, nên không nhất thiết phải chờ đến khi người lao động mất việc làm mới có chính sách hỗ trợ tín dụng cho họ.

“Ngay khi người lao động phát sinh những việc cấp bách khác như đau ốm hoặc có nhu cầu đột xuất trước mắt mà không có “cửa” hỗ trợ thì họ bắt buộc phải rút BHXH. Như vậy, có thể tính toán chính sách tín dụng hỗ trợ sao để họ không phải đi đến con đường rút BHXH”, đại biểu Lý Tiết Hạnh góp ý.

Liên quan đến vấn đề này, trước đó, góp ý Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), không ít ý kiến cũng cho rằng, cả 2 phương án được cơ quan soạn thảo đề xuất đều có ưu và khuyết điểm nhất định. Vì vậy, cần tiếp tục lấy ý kiến đối với cả 2 phương án này, nhất là lấy ý kiến người lao động - đối tượng chịu tác động của luật.

Được biết, theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dự kiến sẽ được xem xét và thông qua tại Kỳ họp Quốc hội thứ 7 vào tháng 5/2024 tới đây.

Có thể bạn quan tâm

  • Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Quy định rút BHXH một lần vẫn chưa có… lời giải

    Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Quy định rút BHXH một lần vẫn chưa có… lời giải

    04:00, 03/04/2024

  • Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Giải pháp nào hạn chế tình trạng rút BHXH một lần?

    Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Giải pháp nào hạn chế tình trạng rút BHXH một lần?

    03:30, 22/11/2023

  • Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Không nên quy định cho rút hết BHXH một lần

    Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Không nên quy định cho rút hết BHXH một lần

    03:30, 14/10/2023

  • Hạn chế rút BHXH một lần - Quan trọng nhất vẫn là cải thiện đời sống, thu nhập

    Hạn chế rút BHXH một lần - Quan trọng nhất vẫn là cải thiện đời sống, thu nhập

    04:00, 30/09/2023

  • Hạn chế rút BHXH một lần - Nên mở rộng trợ cấp thất nghiệp

    Hạn chế rút BHXH một lần - Nên mở rộng trợ cấp thất nghiệp

    04:00, 22/09/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hạn chế rút BHXH một lần: Không nên quy định cứng nhắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO