Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Quy định rút BHXH một lần vẫn chưa có… lời giải

Diendandoanhnghiep.vn Là vấn đề “nóng”, nhận được nhiều sự quan tâm, thế nhưng, quy định liên quan đến rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần tại Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) vẫn chưa có… lời giải.

>> Nên quy định rõ hành vi chậm đóng và trốn đóng bảo hiểm xã hội

Theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dự kiến sẽ được thông qua tại Kỳ họp Quốc hội thứ 7 vào tháng 5/2024, thế nhưng, liên quan đến quy định về rút BHXH một lần vẫn chưa thể có lời giải.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dự kiến sẽ được thông qua tại Kỳ họp Quốc hội thứ 7 vào tháng 5/2024 - Ảnh minh họa: ITN

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dự kiến sẽ được thông qua tại Kỳ họp Quốc hội thứ 7 vào tháng 5/2024 - Ảnh minh họa: ITN

Cụ thể, tại phiên bản Dự thảo Luật (sửa đổi) mới nhất, quy định về rút BHXH một lần tiếp tục trình xin ý kiến với 2 phương án.

Trong đó, theo phương án 1, người lao động được chia làm hai nhóm. Nhóm 1 - tiếp tục được áp dụng hưởng BHXH một lần như quy định tại Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22/6/2015 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với người lao động: “người lao động tham gia BHXH trước khi Luật có hiệu lực (dự kiến ngày 01/7/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện”. Khác với quy định hiện hành, Dự thảo có quy định quyền lợi bổ sung nếu người lao động lựa chọn bảo lưu, không nhận BHXH một lần.

Nhóm 2 - là người lao động tham gia BHXH từ ngày Luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định này.

Còn theo phương án 2, người lao động được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.

>> Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Cần làm rõ khái niệm trốn đóng BHXH bắt buộc

Tuy nhiên, cả 2 phương án được cơ quan soạn thảo đưa ra vẫn chưa cho thấy sự đảm bảo trong việc hạn chế được tình trạng rút BHXH một lần - Ảnh minh họa: ITN

Tuy nhiên, cả 2 phương án được cơ quan soạn thảo đưa ra vẫn chưa cho thấy sự đảm bảo trong việc hạn chế được tình trạng rút BHXH một lần - Ảnh minh họa: ITN

Đánh giá về các phương án như đề xuất đã nêu, nhiều ý kiến cho rằng, mỗi phương án đều có ưu điểm và nhược điểm, còn nhiều vấn đề cần đánh giá tác động...

Nhìn nhận cả 2 phương án, đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, cả 2 đều chưa có độ chín, đều còn có những hạn chế, vì vậy, cần tiếp tục bàn sâu hơn về vấn đề này.

“Đây là vấn đề lớn, phức tạp, cần tiếp tục lấy ý kiến đối với 2 phương án nêu trên, đặc biệt là lấy ý kiến của người lao động, đối tượng chịu sự tác động. Dù lựa chọn phương án nào cũng đều phải dựa trên quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước là nhằm bảo đảm tốt nhất quyền lợi lâu dài cho người lao động”, vị đại biểu này nêu quan điểm.

Còn theo phân tích của đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, quy định ở phương án 1 là người lao động tham gia BHXH từ ngày Luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định hưởng bảo hiểm một lần là “chưa thấu hiểu nhân dân, chưa thấu hiểu người đóng bảo hiểm; có những trường hợp nghèo khổ lắm, chỉ cần một vài triệu đồng đã quý, nên phải xem xét lại quy định này xem như thế nào”.

Còn phương án 2 cũng gây phản cảm cho người đóng bảo hiểm, vì được giải quyết một phần, nhưng tối đa không quá 50%, thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu, nhưng không biết bảo lưu đến bao lâu mới được hưởng.

“Hưởng BHXH một lần là điều trăn trở vô cùng và được thảo luận rất nhiều lần, nhưng tôi cho rằng, cả 2 phương án vẫn chưa thực sự thỏa đáng”, đại biểu Trí nhấn mạnh.

Trong khi đó, nhìn từ quyền lợi của người đóng bảo hiểm, đại biểu Lý Tiết Hạnh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định cho hay, người lao động đang làm việc bình thường và không nằm trong diện có thể rút BHXH một lần, nhưng chẳng may họ bị đột tử, mà trong số những người đó, có nhiều người có thời gian đóng BHXH rất lâu, có nhiều người là trụ cột trong gia đình, khi rơi vào trường hợp đó, theo luật, họ chỉ được hưởng chế độ tử tuất. Như vậy, theo nguyên tắc đóng hưởng, khi họ rơi vào trường hợp này, lại không được hưởng chế độ tương xứng.

“Đây là vấn đề tôi rất trăn trở”, vị đại biểu tỉnh Bình Định bày tỏ.

Cùng với các vấn đề đã nêu, không ít các ý kiến cũng nghiêng về phương án 1 theo đề xuất của cơ quan soạn thảo. Song đề nghị Chính phủ làm rõ hơn nữa ưu điểm, nhược điểm của từng phương án, dự báo tác động tới một bộ phận người lao động và những phát sinh khi luật có hiệu lực thi hành.

Cụ thể, cần xác định rõ hơn về điều kiện hưởng BHXH một lần gắn với nỗ lực tìm kiếm việc làm của người lao động và kết quả giới thiệu việc làm của các trung tâm dịch vụ việc làm. Đồng thời, nghiên cứu quy định chặt chẽ hơn, theo hướng có thể giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH một lần.

Bên cạnh đó, cần sớm báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề án tổng thể về hỗ trợ người lao động gặp khó khăn phát sinh do thất nghiệp, mất việc làm, bệnh tật... thông qua các chính sách tín dụng xã hội, hỗ trợ tạo việc làm và các chính sách khác giúp người lao động có thể vượt qua khó khăn; Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về vấn đề hưởng bảo hiểm xã hội một lần, an sinh xã hội lâu dài và khi gặp rủi ro...

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Quy định rút BHXH một lần vẫn chưa có… lời giải tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714437291 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714437291 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10