Không để chính sách bảo hiểm xã hội bị lợi dụng

NGUYỄN VIỆT 23/11/2023 10:27

Tăng tuổi nghỉ hưu, giảm thời gian tham gia có thể người lao động lợi dụng chính sách nhiều lần rút bảo hiểm xã hội một lần, sau đó quay lại đóng để hưởng lương hưu.

>>Giải pháp nào đối với rút bảo hiểm xã hội một lần?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) nhấn mạnh tại phiên thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), ngày 23/11.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương).

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương).

Tham gia đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là điều cần thiết.

So với luật hiện hành, dự thảo luật đã mở rộng thêm nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, như chủ hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, người quản lý doanh nghiệp, người đại diện cổ phần vốn nhà nước…

Theo đại biểu, quy định này phù hợp với tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của cử tri trong nhiều năm gần đây. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, cử tri thường kiến nghị nội dung tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với đội ngũ người hoạt động không chuyên trách ở thôn, ở tổ dân phố. 

Việc tham gia bảo hiểm xã hội của chủ hộ kinh doanh trong thời gian qua cũng gặp nhiều vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ hộ kinh doanh cá thể.

Việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội đương nhiên sẽ mở rộng mạng lưới bao phủ bảo hiểm xã hội, đây là cái đích chúng ta đang hướng đến, tạo mạng lưới an sinh xã hội vững chắc và hiệu quả.

Về điều kiện hưởng lương hưu, dự thảo luật đã điều chỉnh điều kiện hưởng lương hưu xuống tối thiểu 15 năm tham gia đóng bảo hiểm xã hội, thấp hơn 5 năm so với luật hiện hành.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, quy định này sẽ thu hút nhóm lao động cao tuổi tham gia đóng bảo hiểm xã hội, đồng thời tạo thêm điều kiện cho nhiều người được hưởng lương hưu, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Tuy nhiên, cùng với việc vừa tăng tuổi nghỉ hưu hiện nay, đồng thời lại giảm điều kiện về thời gian tham gia đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu có thể sẽ dẫn tới việc người lao động lợi dụng chính sách nhiều lần rút bảo hiểm xã hội một lần, sau đó lại tiếp tục quay lại tham gia đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu, đặc biệt là đối với người lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội từ sớm. 

Việc giảm điều kiện về thời gian tham gia đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu cũng có thể dẫn đến tình trạng nhiều người nghỉ hưu có mức thu nhập thấp do thời gian tham gia đóng bảo hiểm xã hội ngắn, gây ảnh hưởng đến đời sống của người lao động khi về hưu.

>>Đề nghị cân nhắc quy định trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

>>Người lao động mất niềm tin vì nợ bảo hiểm xã hội

Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Kiều (Đoàn Đắk Nông).

Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Kiều (Đoàn Đắk Nông).

Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị cần tiếp tục rà soát, bổ sung các quy định có liên quan kèm theo để tối ưu hóa sự thay đổi này, góp phần vừa mở rộng được các đối tượng hưởng lương hưu nhưng vừa giúp mức lương hưu được hưởng sẽ đảm bảo đời sống của người lao động khi nghỉ hưu.

Tham gia góp ý về điều kiện hưởng lương hưu (Điều 64), đại biểu Phạm Thị Kiều (Đoàn Đắk Nông) cho biết, do cách tính mức lương hưu dựa trên thời gian đóng góp và mức tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng BHXH nên việc giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH sẽ làm xuất hiện thêm nhiều trường hợp người lao động nghỉ hưu với mức lương rất thấp (lao động nam chỉ hưởng mức 33,75%), tương đương hơn 2 triệu đồng.

Đồng thời, dự thảo Luật đã bỏ quy định về mức lương hưu tối thiểu. Đây là điều mà nhiều người lao động đang băn khoăn, vì có thể dẫn đến xu hướng “nghèo hoá” của một bộ phận người dân trong tương lai. Đại biểu đề nghị cần xem xét thiết kế cách tính lương hưu có tính chia sẻ để hỗ trợ cho những người có tiền lương hưu quá thấp.

Ngoài ra, tại khoản 2, Điều 66 quy định “… cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%”. Theo đại biểu Phạm Thị Kiều, quy định trong dự thảo luật như vậy là quá cao.

“Do đó, đề nghị cần nghiên cứu quy định cho phù hợp, đảm bảo sự hài hòa giữa đóng và hưởng, vì độ tuổi bắt đầu tham gia đóng bảo hiểm của mỗi người khác nhau, cho nên cần quy định thời gian đóng bảo hiểm bao nhiêu để được hưởng tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% là phù hợp”, đại biểu Phạm Thị Kiều nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Cần bổ sung hai hành vi chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội  

    03:20, 23/11/2023

  • Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Giải pháp nào hạn chế tình trạng rút BHXH một lần?

    03:30, 22/11/2023

  • Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Cân nhắc tỷ lệ đóng BHXH

    04:00, 26/10/2023

  • Giải pháp nào đối với rút bảo hiểm xã hội một lần?

    00:46, 22/10/2023

  • Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Không nên quy định cho rút hết BHXH một lần

    03:30, 14/10/2023

  • Đề nghị cân nhắc quy định trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

    17:00, 17/08/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Không để chính sách bảo hiểm xã hội bị lợi dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO