Ông Phạm Trường Giang - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) khẳng định "không có chuyện cấm, dừng quyền hưởng BHXH một lần của người tham gia từ 1/7/2025".
Sáng ngày 23/7, Văn phòng Chủ tịch nước đã họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 5 luật vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 7, trong đó có Luật Bảo hiểm xã hội 2024 (có hiệu lực từ 1/7/2025).
>>Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Cần thiết kế phương án tính lương hưu phù hợp
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Nguyễn Thị Hà cho biết, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có nhiều điểm mới căn bản so với quy định hiện hành. Theo đó, Luật bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng; bổ sung quy định nhằm gia tăng sự liên kết giữa tầng trợ cấp hưu trí xã hội và bảo hiểm xã hội cơ bản.
Luật cũng mở rộng đối tượng được tham gia và thụ hưởng đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội bằng việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; bổ sung quyền thụ hưởng chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; bổ sung chế độ thai sản vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Luật Bảo hiểm xã hội 2024 cũng quy định giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm; bổ sung quy định nhằm gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để được hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đã bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội cho người không có lương hưu. Theo Điều 21 Luật này, công dân Việt Nam được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội khi có đủ các điều kiện: Từ đủ 75 tuổi trở lên; Không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trừ trường hợp khác theo quy định của Chính phủ; Có văn bản đề nghị hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Ngoài ra, luật còn bổ sung thêm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc như: Chủ hộ kinh doanh; Người hưởng chế độ phu nhân hoặc phu quân tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương.
>>Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Có nên mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc?
Về quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong Luật Bảo hiểm xã hội, thông tin đến báo chí tại cuộc họp, ông Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết chủ trương của ban soạn thảo, Chính phủ khi trình Quốc hội là gia tăng việc bảo vệ, tăng quyền lợi, tăng lợi ích nhằm bảo đảm cho người lao động thụ hưởng quyền lợi hưu trí thay vì hưởng BHXH một lần. Đồng thời vẫn bảo đảm tôn trọng quyền của người lao động.
Ông Giang nhấn mạnh theo quy định của Luật, người lao động đã chấm dứt tham gia BHXH mà có đề nghị thì hưởng BHXH một lần nếu thuộc một trong các trường hợp: Người lao động đủ tuổi hưởng lương hưu nhưng chưa đủ 15 năm đóng BHXH; người lao động ra nước ngoài định cư; người lao động một số mắc bệnh hiểm nghèo; người có mức suy giảm lao động từ 81% trở lên.
Theo ông Giang, hiện có khoảng 18 triệu người lao động có thời gian đóng BHXH trước ngày 1/7/2025, những người này có quyền hưởng BHXH một lần. Những người bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1/7/2025 trở đi sẽ giải quyết BHXH một lần trong bốn trường hợp nêu trên. Đại diện Bộ LĐ-TB-XH khẳng định không có chuyện cấm hay dừng quyền lợi hưởng BHXH một lần đối với người tham gia BHXH sau ngày 1/7/2025.
Có thể bạn quan tâm
Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Cần thiết kế phương án tính lương hưu phù hợp
03:50, 24/06/2024
Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Có nên mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc?
03:30, 27/05/2024
Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Nên cho người lao động rút 50% tiền BHXH một lần?
04:00, 27/04/2024
Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Quy định rút BHXH một lần vẫn chưa có… lời giải
04:00, 03/04/2024