Để đảm bảo tính rõ ràng khi áp dụng, góp ý Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, cần làm rõ khái niệm trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc…
>> Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Cân nhắc lại việc tính tỷ lệ hưởng lương hưu
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) vừa được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 và dự kiến sẽ thông qua tại Kỳ họp thứ 7 tới (tháng 5/2024). Xoay quanh nội dung Dự thảo, vấn đề xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc (tại Điều 36 và Điều 37) là một trong những nội dung nhận được nhiều hội quan tâm và tham gia đóng góp ý kiến.
Theo đó, để khắc phục tình trạng Luật Bảo hiểm xã hội 2014 không có quy định thế nào là trốn đóng BHXH để làm căn cứ xử lý hình sự theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017, về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đã quy định về việc trốn đóng BHXH.
Cụ thể, khoản 2 Điều 36 của Dự thảo Luật (sửa đổi) quy định - Trốn đóng BHXH bắt buộc bao gồm các trường hợp sau đây: a) Người sử dụng lao động chưa nộp hoặc nộp hồ sơ đăng ký tham gia BHXH bắt buộc cho người lao động sau thời hạn quy định tại điểm b khoản 1 Điều này; b) Người sử dụng lao động đăng ký và đóng BHXH bắt buộc thấp hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc theo quy định; c) Các trường hợp quy định tại điểm a, khoản 1 Điều này (về chậm đóng BHXH bắt buộc) mà người sử dụng lao động có khả năng đóng nhưng không đóng.
Nhìn nhận về quy định đã nêu, không ít ý kiến cho rằng, việc bổ sung thêm quy đinh về hành vi trốn đóng BHXH là cần thiết, tuy nhiên, trốn đóng BHXH không được giải thích từ ngữ mà lại liệt kê dưới dạng hành vi như Dự thảo sẽ khó đảm bảo tính rõ ràng khi đưa vào áp dụng.
>> Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Giải pháp nào hạn chế tình trạng rút BHXH một lần?
Vì vậy, theo chuyên gia, thay vì liệt kê hành vi để xem đó là việc trốn đóng BHXH, thì nên có một khoản về giải thích từ ngữ trong Dự thảo. Cụ thể: “Trốn đóng bảo hiểm là hành vi của người sử dụng lao động có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động thuộc đối tượng phải tham gia BHXH, BHYT, BHTN”.
Quy định như vậy được cho không chỉ thể hiện được sự bao quát khi trên thực tế cơ quan BHXH hiện nay thu cả BHXH, BHYT, BHTN, mà còn phù hợp với quy định tại khoản 10 Điều 2 Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao, về Hướng dẫn áp dụng Điều 214 về tội gian lận BHXH, BHTN; Điều 215 về tội gian lận BHYT và Điều 216 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động của Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổ, bổ sung 2017.
Liên quan đến vấn đề đã nêu, thông tin với báo chí, Luật sư Trần Phi Đại - Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh nhìn nhận, điểm a khoản 2 Điều 36 không quy định về trường hợp nộp không đầy đủ hồ sơ đăng ký BHXH bắt buộc cho người lao động. Giả sử một doanh nghiệp có 10.000 người lao động, nhưng mới chỉ nộp hồ sơ cho 9.990 người, còn 10 người chưa nộp thì có bị coi là trốn đóng BHXH bắt buộc không?
Còn tại điểm c quy định “… mà người sử dụng lao động có khả năng đóng nhưng không đóng”, là một quy định không rõ ràng. Ví dụ, doanh nghiệp có khả năng đóng BHXH bắt buộc, nhưng lại dùng khoản tiền đó đi đầu tư máy móc, mua nguyên vật liệu, mở rộng nhà xưởng rồi lấy lý do không có khả năng đóng BHXH thì giải quyết thế nào? Bởi thực tế cho thấy, có không ít doanh nghiệp FDI, vẫn khai báo lỗ để không đóng thuế, dù liên tục mở rộng sản xuất, kinh doanh,...
Trước đó, xoay quanh vấn đề xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc, cho ý kiến thẩm tra Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội - Nguyễn Thúy Anh cũng cho hay, Điều 36 Dự thảo Luật đã phân định rõ 02 hành vi là chậm đóng và trốn đóng BHXH bắt buộc, tuy nhiên, tại Điều 37 Dự thảo Luật quy định xử lý vi phạm về chậm, trốn đóng BHXH bắt buộc thì đóng chậm hay trốn đóng đều xử lý vi phạm như nhau. Đề nghị Cơ quan soạn thảo rà soát, nghiên cứu bổ sung cho phù hợp, đồng thời, cần quy định rõ thời gian chậm đóng, bao lâu sẽ được xem là trốn đóng BHXH.
Bên cạnh vấn đề đã nêu, để giảm thiểu tình trạng người sử dụng lao động trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động, nhiều ý kiến cũng đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm việc chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động là hành vi bị nghiêm cấm.
Cụ thể, khoản 1 Điều 8 của Dự thảo quy định “1. Chiếm dụng tiền hưởng BHXH” nên được sửa thành “1. Chiếm dụng tiền đóng, hưởng BHXH”.
Theo chuyên gia, việc sửa đổi này để làm tiền đề xử phạt vi phạm hành chính đang được quy định tại điểm Đ khoản 5 Điều 39 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP cũng như xử lý hình sự theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 đối với người sử dụng lao động chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động.
Có thể bạn quan tâm
Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Cân nhắc lại việc tính tỷ lệ hưởng lương hưu
04:00, 23/11/2023
Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Giải pháp nào hạn chế tình trạng rút BHXH một lần?
03:30, 22/11/2023
Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Cân nhắc tỷ lệ đóng BHXH
04:00, 26/10/2023
Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Không nên quy định cho rút hết BHXH một lần
03:30, 14/10/2023
Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Cần làm rõ hành vi trốn đóng BHXH
03:30, 16/07/2023