Điều chỉnh giảm dần độ tuổi trợ cấp hưu trí xã hội

NGUYỄN VIỆT 23/11/2023 13:56

Việc điều chỉnh giảm dần độ tuổi trợ cấp hưu trí xã hội, trước mắt Chính phủ đề xuất với Quốc hội giảm từ 80 tuổi xuống 75 tuổi và sẽ tiếp tục giảm dần.

>>Không để chính sách bảo hiểm xã hội bị lợi dụng

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết tại phiên thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), ngày 23/11.

luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Góp ý vào quy định giảm độ tuổi từ 80 tuổi xuống 75 tuổi thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình) cho rằng quy định này là cần thiết. Tuy nhiên, về kỹ thuật thì nên đưa vào Luật này hay chỉnh sửa trong Luật Người cao tuổi để cần tiếp tục cân nhắc thêm để sao cho phù hợp và đồng bộ.

Đột phá trong chính sách an sinh xã hội

Bên cạnh đó, tại điểm a, khoản 1 Điều 22 Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có quy định mức trợ cấp hưu trí xã hội hàng tháng do Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ.

Đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị cần nên quy định cụ thể mức trợ cấp hưu trí xã hội hàng tháng so với mức lương tối thiểu. Tại điểm b Khoản 1 của Điều 22 quy định: “Tùy thuộc điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng cân đối ngân sách và kết hợp nguồn lực huy động nguồn lực xã hội tại địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội”.

Đại biểu Trần Khánh Thu cho rằng, quy định này chưa đảm bảo được nguyên tắc thống nhất, bình đẳng chung trong cả nước. Do đó, đề nghị cân nhắc xem xét quy định này và nên có chính sách chung cho cả nước. 

Tham gia tranh luận về vấn đề này, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, không  nên quy định mức tiền cụ thể trong quy định liên quan đến trợ cấp hưu trí xã hội, vì sẽ có trượt giá và các vấn đề liên quan đến lương hưu ở các thời điểm khác nhau.

“Chúng ta mong muốn luật được xây dựng sẽ có thể áp dụng được trong thời gian dài, nên cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần cân nhắc xem xét, sửa đổi theo hướng quy định ở mức lương cơ sở và tính trượt giá, các nội dung cụ thể thì giao Chính phủ quy định để đảm bảo phù hợp, có mức tương đồng theo hướng tốt hơn so với Luật Người cao tuổi”, đại biểu Huỳnh Thị Phúc bày tỏ.

>>Đánh giá tác khi mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc

>>Cần bổ sung hai hành vi chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội  

Đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình).

Đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình).

Phát biểu tranh luận về vấn đề bảo hiểm trợ cấp hưu trí xã hội, đại biểu Trương Xuân Cừ (Đoàn Hà Nội) nêu quan điểm, các quy định về trợ cấp hưu trí xã hội là rất cần thiết.

Theo thống kê của Bộ Công an, hiện nay có 16,1 triệu người cao tuổi, nhưng chỉ có 5,1 triệu người cao tuổi có lương hưu và trợ cấp, còn lại 11 triệu người không có khoản thu nhập về lương hưu, trợ cấp sau 60 tuổi.

Có ý kiến băn khoăn khi quy định về trợ cấp, hưu trí xã hội thì có mâu thuẫn với Luật Người cao tuổi hay không? Đại biểu Trương Xuân Cừ cho rằng, Luật Người cao tuổi được ban hành năm 2009, lúc đó chúng ta có 7 triệu người cao tuổi, GDP bình quân đầu người thời điểm đó là 1200 USD/người. Đến nay, số người cao tuổi đã tăng hơn gấp đôi, GDP cũng đã tăng cao. Do đó, không nên chỉ dừng lại ở mức độ 80 tuổi mới được trợ cấp xã hội. 

Nhiều cử tri cao tuổi đề nghị Quốc hội giảm tuổi hưởng trợ cấp xã hội xuống 75 tuổi. Đại biểu Trương Xuân Cừ nhấn mạnh, việc đưa vào dự thảo luật lần này là một đột phá trong chính sách an sinh xã hội, thể hiện tính ưu việt của Đảng, nêu cao mục tiêu vì con người, để người cao tuổi sống khỏe, sống vui, sống hạnh phúc.

Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ (Đoàn Hà Nội).

Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ (Đoàn Hà Nội).

Quan tâm tới quy định về trợ cấp hưu trí xã hội tại Chương III dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Danh Tú (Đoàn Kiên Giang) cho biết, khoản 2 Điều 17 Luật Người cao tuổi quy định người từ đủ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng thì được hưởng chính sách bảo trợ xã hội. 

Dự thảo Luật đã bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội, công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp xã hội hàng tháng khác sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách Nhà nước bảo đảm. 

Đại biểu Nguyễn Danh Tú nhận thấy, đây là một quy định hết sức nhân văn, đáp ứng nguyện vọng, mong muốn của cử tri. Qua tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, cử tri, nhất là người cao tuổi rất phấn khởi với quy định trên. 

Tiếp tục giảm dần, tiến tới tiệm cận tuổi nghỉ hưu

Quan tâm tới quy định về trợ cấp hưu trí xã hội, đại biểu Ma Thị Thúy (Đoàn Tuyên Quang) băn khoăn chính sách về bảo hiểm xã hội là thực hiện theo nguyên tắc “đóng hưởng”, trong khi trợ cấp cho nhóm đối tượng này hoàn toàn do ngân sách nhà nước chi trả, vậy liệu quy định vào dự thảo Luật có phù hợp hay không?

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Bên cạnh đó, theo quy định hiện nay người từ đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng. Nhưng dự thảo Luật lại quy định trợ cấp hưu trí xã hội cho tất cả công dân từ 75 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng.

Đại biểu Ma Thị Thúy đặt vấn đề, quy định như vậy thì sẽ phải bỏ Điều 17 trong Luật Người Cao tuổi năm 2009 hay giữ nguyên Điều 17?

“Nếu bỏ thì chế độ bảo trợ xã hội đối với người cao tuổi thuộc hộ gia đình nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng những người này đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng sẽ giải quyết như thế nào?”, đại biểu Ma Thị Thúy đặt câu hỏi.

Từ những boăn khoăn nêu trên, đại biểu Ma Thị Thúy kiến nghị Ban soạn thảo cần làm rõ hơn quy định về đối tượng, độ tuổi, tên gọi, mức trợ cấp, các chính sách có liên quan, nguồn lực thực hiện và tính liên thông, tính đa tầng với các quy định khác nhằm bảo đảm phù hợp với các nguyên tắc đã nêu trong dự thảo Luật.

Đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy (Đoàn Tuyên Quang).

Đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy (Đoàn Tuyên Quang).

Phát biểu giải trình, làm rõ vấn đề trợ cấp hưu trí xã hội, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu rõ đây là vấn đề mà Chính phủ, Ban soạn thảo đã bám sát tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW.

Đây là tầng đầu tiên trong hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng. Trợ cấp hưu trí xã hội do Ngân sách nhà nước đảm bảo cho người lao động ở các độ tuổi là cao tuổi và không có lương hưu, không có bảo hiểm xã hội hàng tháng và để có chính sách huy động nguồn lực xã hội bổ sung cho các đối tượng này có mức lương hưu cao hơn.

Việc điều chỉnh giảm dần độ tuổi trợ cấp hưu trí xã hội, trước mắt Chính phủ đề xuất với Quốc hội giảm từ 80 tuổi xuống 75 tuổi và sẽ tiếp tục giảm dần, tiến tới tiệm cận tuổi nghỉ hưu.

“Việc điều chỉnh này sẽ tùy theo tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách của Nhà nước. Điều chỉnh thời điểm nào, mức nào thì sẽ do Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Không để chính sách bảo hiểm xã hội bị lợi dụng

    10:27, 23/11/2023

  • Đánh giá tác khi mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc

    09:36, 23/11/2023

  • Cần bổ sung hai hành vi chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội  

    03:20, 23/11/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Điều chỉnh giảm dần độ tuổi trợ cấp hưu trí xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO