Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí - Bài 4: Trăn trở của người trong cuộc

Bài: GIA NGUYỄN - Ảnh: QUỐC TUẤN 10/11/2023 05:30

Xây dựng, phát triển công nghiệp cơ khí là một việc hết sức khó khăn, nhưng không thể không làm, bởi chỉ khi có nền sản xuất cơ khí không thua kém các nước khác mới có thể độc lập, tự chủ…

>> Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí - Bài 3: Vướng mắc từ đâu?

Đây là chia sẻ của KS Nguyễn Tăng Cường – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung xoay quanh câu chuyện thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp cơ khí quốc gia.

Ngành đặc thù…

Để xây dựng, phát triển công nghiệp cơ khí của quốc gia là một việc hết sức khó khăn, nhưng không thể không làm, bởi khi quốc gia có nền sản xuất cơ khí không thua kém các nước khác mới có thể độc lập, tự chủ trong sản xuất, bảo đảm an ninh quốc phòng để thực hiện phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình thế giới đầy biến động.

Xây dựng, phát triển công nghiệp cơ khí là một việc hết sức khó khăn, nhưng không thể không làm - Ảnh minh họa

Xây dựng, phát triển công nghiệp cơ khí là một việc hết sức khó khăn, nhưng không thể không làm - Ảnh minh họa

Theo ông Cường, ngành công nghiệp cơ khí là một ngành đặc thù, đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối, người làm cơ khí phải có trình độ, kiến thức và sáng tạo nhưng thu nhập có được lại không cao so với nhiều ngành nghề khác nên khó thu hút nhân lực,… trong khi để có một thành phẩm hàng hóa cơ khí hoàn thiện, quy trình sản xuất phải trải qua nhiều khâu đoạn: Nghiên cứu – Thiết kế - Khuôn mẫu – Phôi sản phẩm – Gia công chính xác – Nhiệt luyện – Lắp ráp – Thử nghiệm – Xuất xưởng (hàng hóa thành phẩm).

“Ngành cơ khí vô cùng rộng, có nhiều lĩnh vực, mỗi lĩnh vực có những đặc thù riêng với nhiều sản phẩm nên sẽ có những công nghệ khác nhau. Không phải một doanh nghiệp có thể làm được hết các khâu đoạn, mà trong quá trình sản xuất ra sản phẩm, cần có định hướng chuỗi theo chuyên môn, năng lực. Ví dụ, về thiết kế - cần thành lập các trung tâm thiết kế tại các trường, các viện, có cơ chế ưu đãi để họ chỉ tập trung và chuyên môn theo đặt hàng, hoặc nghiên cứu bán cho các bên có nhu cầu; hay như, về gia công chính xác, với năng lực của các doanh nghiệp hiện nay thì chỉ có thể đầu tư được máy móc nhỏ, còn máy móc to thì cần phải có sự hỗ trợ của Nhà nước thành lập các trung tâm đặt tại 3 miền để khi có nhu cầu doanh nghiệp có thể tìm tới;…”, ông Cường chia sẻ.

Cũng theo ông Cường, ngành cơ khí chế tạo đóng vai trò rất quan trọng trong các cuộc cách mạng công nghiệp trên thế giới, đây là ngành trực tiếp thiết kế, chế tạo ra nhiều loại máy móc, thiết bị, dụng cụ,… thay sức người, tăng năng suất lao động nhằm tạo ra nhiều của cải vật chất, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của con người. Vai trò của ngành cơ khí đối với sự phát triển của công nghiệp trên thế giới là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau về chức năng cần thiết xây dựng phát triển ngành công nghiệp cơ khí đối với nền kinh tế.

Thậm chí, có quan điểm cho rằng “vai trò và sự phát triển công nghiệp cơ khí của Việt Nam đã hết thời, hiện tại là thời của công nghệ số, của giá trị xuất khẩu sản phẩm,… cho nên cần dành nhiều nguồn lực để khuyến khích đầu tư cho hoạt động nghiên cứu thiết kế các sản phẩm phần mềm, phát triển nông nghiệp, thủy sản để xuất khẩu, phát triển du lịch làm công nghiệp không khói,… tham gia chuỗi toàn cầu sẽ mang lại hiệu quả hơn là đầu tư phát triển công nghiệp cơ khí của đất nước”,… nên dẫn đến sự quan tâm, đầu tư thiếu đồng đều, dàn trải khiến ngành cơ khí dù có chủ trương, định hướng nhưng vẫn chưa thể phát triển “xứng tầm”.

>> Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí - Bài 2: Khai thác chưa đạt… kỳ vọng

... bởi khi quốc gia có nền sản xuất cơ khí không thua kém các nước khác mới có thể độc lập, tự chủ trong sản xuất - Ảnh minh họa

... bởi khi quốc gia có nền sản xuất cơ khí không thua kém các nước khác mới có thể độc lập, tự chủ trong sản xuất - Ảnh minh họa

Cần… “trợ lực”

Chia sẻ về thực trạng của ngành, ông Cường cho rằng, xây dựng phát triển công nghiệp cơ khí không thuận lợi như các ngành kinh tế, công nghiệp khác vì hầu như không được vay ODA từ nước ngoài. Đặc biệt, không thể quan niệm xây dựng phát triển các doanh nghiệp cơ khí nội địa như đối với xây dựng phát triển các doanh nghiệp của các ngành kinh tế khác cần ít vốn, nguồn nhân lực không đòi hỏi trình độ tay nghề cao, vòng quay vốn ngắn... do vậy, Nhà nước cần có chính sách đặc thù để “trợ lực” cho ngành công nghiệp cơ khí.

Theo ông Cường, dư địa thị trường để phát triển các ngành cơ khí sản xuất máy móc, thiết bị, vật tư trong nước là khá tiềm năng khi hàng năm Việt Nam nhập khẩu từ nước ngoài hàng chục tỷ USD trang thiết bị, máy, vật tư sản xuất cho toàn ngành kinh tế bao gồm các ngành sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng hạ tầng, dịch vụ và an ninh quốc phòng.

Chưa kể, trong nhiều năm qua, chúng ta đã đầu tư những nguồn lực lớn để phát triển các dự án năng lượng, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác khoáng sản, xây dựng giao thông cầu đường, cảng biển,… đây đều là thị trường đóng vai trò rất quan trọng cho các sản phẩm cơ khí.

“Vì vậy, trong thời gian tới, Chính phủ cần ban hành Nghị quyết về việc phát triển công nghiệp cơ khí Việt Nam, trong đó, trọng tâm là giao các Bộ, ngành phối hợp đề xuất, tham mưu các cấp có thẩm quyền hoàn thiện các chính sách đủ mạnh để tạo cú hích nhằm phát triển ngành cơ khí trong thời gian tới, như việc xác định các ngành, sản phẩm cơ khí trọng điểm ưu tiên phát triển, giải quyết các vướng mắc về thị trường, vốn và các cơ chế hỗ trợ về công nghệ, nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp cơ khí trong nước...

Đồng thời, căn cứ nội dung của Nghị quyết, xem xét ban hành Nghị định về việc phát triển các ngành cơ khí trọng điểm trên cơ sở các chính sách hỗ trợ và ưu đãi đầu tư quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư. Trong đó, cần chú trọng đến các chính sách ưu tiên sử dụng sản phẩm cơ khí trong nước đối với các dự án như: Nghiên cứu quy định các cơ chế nhằm khuyến khích các nhà đầu tư sử dụng vật tư, thiết bị công nghiệp do Việt Nam sản xuất theo hướng các chủ đầu tư sử dụng một tỷ lệ vật tư, thiết bị cơ khí trong nước nhất định sẽ được hưởng các ưu đãi về đấu thầu và các ưu đãi đầu tư;

Đối với một số sản phẩm cơ khí trọng điểm, có quy định bắt buộc các chủ đầu tư phải sử dụng sản phẩm sản xuất trong nước; Trong trường hợp dự án có gói thầu có cấu phần xây lắp, khi tổ chức đấu thầu quốc tế, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu phải quy định rõ nhà thầu nước ngoài tham gia đấu thầu phải liên danh với nhà thầu trong nước;…”, ông Cường đề xuất.

Bài 5: Phía sau bài học… nhãn tiền

Có thể bạn quan tâm

  • Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí - Bài 3: Vướng mắc từ đâu?

    Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí - Bài 3: Vướng mắc từ đâu?

    14:20, 09/11/2023

  • Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí - Bài 2: Khai thác chưa đạt… kỳ vọng

    Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí - Bài 2: Khai thác chưa đạt… kỳ vọng

    05:10, 08/11/2023

  • Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí - Bài 1: “Mảnh đất vàng” giàu tiềm năng

    Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí - Bài 1: “Mảnh đất vàng” giàu tiềm năng

    05:15, 07/11/2023

  • Weldcom và Cơ Khí Ngãi Cầu ký biên bản ghi nhớ về việc hợp tác chiến lược toàn diện

    Weldcom và Cơ Khí Ngãi Cầu ký biên bản ghi nhớ về việc hợp tác chiến lược toàn diện

    14:08, 23/10/2023

  • Phát triển ngành công nghiệp cơ khí: Cần “đòn bẩy” chính sách

    Phát triển ngành công nghiệp cơ khí: Cần “đòn bẩy” chính sách

    17:20, 19/10/2023

Bài: GIA NGUYỄN - Ảnh: QUỐC TUẤN