Không chỉ tạo ra bước nhảy vọt về công cụ lao động góp phần vào tăng năng suất lao động cho các ngành kinh tế, công nghiệp cơ khí còn được xem là “mảnh đất vàng” giàu tiềm năng…
LTS – Được ví như “trái tim” của ngành công nghiệp nặng Việt Nam, với nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển, tuy nhiên, những bước tiến của ngành cơ khí trong các năm qua vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Nguyên nhân của thực trạng đã nêu từ đâu? Làm sao để thúc đẩy phát triển ngành cơ khí xứng tầm như kỳ vọng thời gian tới?...
>> Vĩnh Phúc: “Mở” chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược vào lĩnh vực cơ khí, ô tô, xe máy
Theo hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, cơ khí chiếm hơn 36% tổng số mã ngành cấp 5 của công nghiệp chế biến, chế tạo, đây là ngành góp phần rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Vai trò lớn…
Trên thế giới, ngành cơ khí là ngành có lịch sử lâu đời, tạo ra bước nhảy vọt về công cụ lao động góp phần tăng năng suất lao động cho các ngành kinh tế, qua đó tạo điều kiện để tiết kiệm chi phí sản xuất, thúc đẩy sự gia tăng nhanh chóng khối lượng sản phẩm, hàng hóa.
Thực tế cho thấy, cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, công nghiệp cơ khí trên thế giới hiện nay đã có nhiều thay đổi so với ngành cơ khí truyền thống, được tích hợp nhiều công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, điều khiển học, công nghiệp vật liệu mới... tại các nước phát triển, công nghiệp cơ khí vẫn chiếm từ 30 đến 40% giá trị sản xuất công nghiệp (như CHLB Đức (40%), Nhật Bản (40%), Hàn Quốc (30%)), đóng vai trò là động lực tăng trưởng quan trọng cho các ngành công nghiệp và nền kinh tế quốc dân.
Tại Việt Nam, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến hết năm 2018, số lượng doanh nghiệp cơ khí đang hoạt động và có kết quả kinh doanh là khoảng 29.713 doanh nghiệp, chiếm 30,7% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến chế tạo; với doanh thu thuần hoạt động sản xuất kinh doanh là 1.686.629 tỷ đồng và tạo việc làm cho khoảng 1.175.978 lao động, chiếm gần 16,1% tổng số lao động trong các doanh nghiệp ngành chế biến chế tạo (theo Niên giám Thống kê Việt Nam năm 2019). Trong nước đã có hệ thống các nhà máy cơ khí với đủ các quy mô lớn nhỏ. Tại một số địa phương, vùng kinh tế đã manh nha mô hình cụm ngành về ngành chế tạo (như khu phức hợp cơ khí Chu Lai – Quảng Nam...). Bên cạnh đó, ngành cơ khí cũng đã hình thành một số doanh nghiệp có tiềm năng phát triển ngang tầm khu vực.
Trong đó, về thiết bị toàn bộ, các doanh nghiệp trong nước đã sản xuất được các loại thiết bị cơ khí thuỷ công cho các nhà máy thuỷ điện; dây chuyền thiết bị cán thép xây dựng công suất đến 30.000 tấn/năm; dây chuyền thiết bị đồng bộ cho nhà máy xi măng công suất đến 800.000 tấn/năm; dây chuyền thiết bị đồng bộ cho nhà máy đường công suất 1.000 tấn mía/ngày; dây chuyền thiết bị đồng bộ cho các nhà máy chế biến mủ cao su công suất 6.000 tấn/năm.
Về sản xuất - lắp ráp ô tô, trong nước có khoảng gần 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, với tổng công suất lắp ráp thiết kế khoảng hơn 680.000 xe/năm. Có nhiều hãng ô tô lớn trên thế giới có hoạt động sản xuất, lắp ráp trong nước, một số doanh nghiệp nội địa đã tham gia sâu vào chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu.
Cùng với các ngành, lĩnh vực đã nêu, sản xuất xe gắn máy; chế tạo thiết bị cơ khí thuỷ công; chế tạo thiết bị cho các nhà máy nhiệt điện; thiết bị cho ngành xi măng và vật liệu xây dựng; ngành thiết bị y tế; ngành chế tạo thiết bị điện; cơ khí phục vụ nông nghiệp;… cũng có nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Với sức lan tỏa rộng rãi trong cơ cấu kinh tế, những kết quả đạt được của ngành công nghiệp cơ khí đã và đang tác động tích cực đến tăng trưởng của các ngành kỹ thuật cao như vật liệu mới, công nghệ điều khiển... và các ngành kinh tế khác, qua đó trực tiếp và gián tiếp tạo việc làm cho hàng triệu lao động, góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao năng suất lao động quốc gia.
>>"Bệ đỡ" thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa Vĩnh Phúc khởi nghiệp sáng tạo
… nhiều tiềm năng
Đi cùng với vai trò, tác động to lớn, ngành công nghiệp cơ khí cũng được cho là “mảnh đất” giàu tiềm năng.
Thực tế, theo dự báo sơ bộ, tổng nhu cầu thị trường cơ khí của Việt Nam giai đoạn 2019 – 2030 có thể đạt 310 tỷ USD, trong đó nhu cầu thị trường từ công trình công nghiệp là 120 tỷ USD; xây dựng, nông nghiệp, chế biến là 15 tỷ USD; thiết bị tiêu chuẩn là 10 tỷ USD; giao thông đường sắt là 35 tỷ USD; tàu điện ngầm là 10 tỷ USD và ô tô là 120 tỷ USD.
Chưa kể, ngoài thị trường trong nước, hiện nay, Việt Nam đã có quan hệ chính thức với 189/193 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó có 4 đối tác chiến lược toàn diện, 17 đối tác chiến lược, 13 đối tác toàn diện); có quan hệ thương mại với 224 đối tác và quan hệ hợp tác với hơn 300 tổ chức quốc tế; đã ký hơn 90 hiệp định thương mại song phương, gần 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư; đàm phán, ký kết và thực thi 19 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới; trong đó 16 FTA đã có hiệu lực với hơn 60 đối tác, phủ rộng khắp các châu lục;… tiềm năng về thị trường là rất lớn.
Theo ông Phùng Văn Thành – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Philippines, quốc đảo Đông Nam Á này là thị trường tiềm năng cho sản phẩm cơ khí khi có 112 triệu người tiêu dùng và quy mô kinh tế tập trung vào ngành dịch vụ (chiếm 60%). Trong khi đó, ngành công nghiệp chỉ chiếm 30% GDP, mặt khác, Philippines cũng đang tập trung vào một vài ngành công nghiệp chủ chốt như khai khoáng, mỏ, đóng tàu, xây dựng, giao thông vận tải. Đây đều là những ngành có nhu cầu lớn về các sản phẩm cơ khí.
Còn theo ông Tạ Đức Minh – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, đại dịch COVID-19 xảy ra, Nhật Bản thấy rõ rủi ro từ việc phụ thuộc vào một vài chuỗi cung ứng quốc tế. Đồng thời, xung đột Nga – Ukraine cũng đã tác động đến nguồn linh kiện từ các quốc gia trên thế giới. Trước tình hình trên, Nhật Bản đã đưa ra gói hỗ trợ hơn 2,2 tỷ USD để cải cách chuỗi cung ứng của mình, trong đó, 2 tỷ USD được hỗ trợ xây dựng nhà máy, đầu tư trang thiết bị sản xuất trong nước… khoảng 200 triệu USD còn lại, Nhật Bản thực hiện đa dạng hóa chuỗi cung ứng, hỗ trợ các đối tác nước ngoài, trong đó có Việt Nam.
Từ đó có thể thấy, dư địa để ngành công nghiệp cơ khí phát triển là không hề nhỏ, việc thúc đẩy phát triển của ngành này là hết sức quan trọng như khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương - Đỗ Thắng Hải, cơ khí là một trong những ngành công nghiệp có lịch sử lâu đời, được Đảng và Nhà nước xác định là ngành công nghiệp mang tính nền tảng, đóng vai trò là động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế.
Bài 2: Khai thác chưa đạt… kỳ vọng
Có thể bạn quan tâm
Weldcom và Cơ Khí Ngãi Cầu ký biên bản ghi nhớ về việc hợp tác chiến lược toàn diện
14:08, 23/10/2023
Phát triển ngành công nghiệp cơ khí: Cần “đòn bẩy” chính sách
17:20, 19/10/2023
Vĩnh Phúc: “Mở” chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược vào lĩnh vực cơ khí, ô tô, xe máy
04:00, 26/09/2023
Nam Định: Thúc đẩy ngành cơ khí phát triển mạnh mẽ hơn nữa
02:37, 26/09/2023
Điểm nghẽn của doanh nghiệp cơ khí
02:00, 02/09/2023