Dù nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, thế nhưng, những kết quả mà ngành công nghiệp cơ khí đã đạt được vẫn chưa “xứng tầm”, vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến hiện trạng đã nêu?
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, trong giai đoạn từ năm 2022 – 2018, hàng loạt chủ trương, chính sách được Đảng và Nhà nước ban hành đều xác định ngành công nghiệp cơ khí là ngành trọng điểm với những chiến lược phát triển, tuy nhiên, kết quả thu về chưa đạt được như kỳ vọng.
Nhiều hạn chế…
Theo nhận định của Bộ Công Thương, công nghiệp cơ khí là ngành có rào cản gia nhập thị trường lớn, đây là những rào cản của tự nhiên do đặc thù của ngành như: đòi hỏi nhiều vốn, đầu tư ban đầu lớn, thời gian quay vòng vốn dài, vốn luân chuyển chậm; đòi hỏi trình độ khoa học công nghệ cao, người lao động có tri thức, tay nghề, kỷ luật lao động; sản phẩm của ngành không phải dễ dàng phân phối, tiêu thụ như sản phẩm của nhiều ngành công nghiệp khác. Cùng với đó, các điều kiện kinh tế - xã hội khách quan cũng như chủ quan của Việt Nam chưa thực sự thuận lợi cho việc phát triển ngành.
Trong đó, về mặt khách quan, môi trường kinh tế vĩ mô còn chưa thực sự ổn định, chưa tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nói chung và ngành cơ khí nói riêng; việc khởi tạo doanh nghiệp công nghiệp chế tạo, đặc biệt là ngành cơ khí đòi hỏi vốn, công nghệ phức tạp, nguồn nhân lực có tay nghề gặp nhiều khó khăn và rủi ro so với việc thành lập doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ;…
Về mặt chủ quan, việc ban hành và triển khai các chính sách để triển khai, thực hiện chiến lược của Bộ Chính trị, Chương trình của Chính phủ về phát triển ngành cơ khí chậm và chưa hiệu quả. Vai trò quản lý, kiểm tra, đề xuất và triển khai thực hiện cơ chế chính sách phát triển ngành cơ khí của các cơ quan quản lý Nhà nước còn hạn chế…
Các chính sách hỗ trợ về tài chính, lãi suất, thuế có tính khả thi thấp, và mang lại kết quả không cao, như: Vốn vay ngân hàng thương mại thường ngắn hạn, lãi suất biến động và thường ở mức cao, trong khi đó vốn cố định cho sản xuất cơ khí thường lớn, vòng quay vốn lưu động lại thấp dẫn đến thu hồi vốn chậm, trong khi, tín dụng đầu tư Nhà nước khó tiếp cận, cơ chế cho vay chưa phù hợp với những dự án thuộc danh mục cơ khí trọng điểm; Các chính sách về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu chưa linh hoạt để tạo điều kiện thuận lợi trong việc bảo vệ thị trường trong nước và thúc đẩy xuất khẩu đối với các sản phẩm cơ khí của Việt Nam;...
Chưa kể các doanh nghiệp còn thiếu cơ sở dữ liệu thống nhất và đầy đủ, gây khó khăn cho việc tìm kiếm thông tin thị trường; Thiếu sự liên kết, phối hợp giữa các Bộ, ngành, giữa các viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp;
Các doanh nghiệp cơ khí thuộc sở hữu Nhà nước (các Tập đoàn, Tổng công ty...) có nhiều điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn tài chính, đội ngũ nhân lực có kinh nghiệm… nhưng sản xuất, kinh doanh không hiệu quả, lãng phí và thất thoát nguồn lực của Nhà nước trong đầu tư, trong khi, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác xuất phát điểm thấp, yếu kém nhưng đầu tư phát triển một cách chủ quan, tự phát và không theo định hướng, thiếu liên kết, thiếu hợp tác, thiếu vốn;…
… thiếu cơ chế
Theo ông Lê Văn Tuấn - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam, ngành cơ khí muốn phát triển thì phải có thị trường, vì có thị trường thì mới có việc làm, có việc làm mới có thể sáng tạo. Và để có thị trường cho ngành cơ khí, Chính phủ cần có cơ chế riêng cho ngành. Cụ thể như có chính sách rõ ràng đối với các sản phẩm cơ khí sản xuất được trong nước, đối với các thiết bị trong nước sản xuất được thì không cho nhập khẩu.
“Có như vậy, ngành cơ khí trong nước mới có được thị trường để phát triển được”, ông Tuấn bày tỏ.
Còn theo Chủ tịch Hội Doanh nghiệp cơ khí điện TP. Hồ Chí Minh - Đỗ Phước Tống, trong nhiều yếu tố gây khó và cản trở sự phát triển cho doanh nghiệp ngành cơ khí trong nhiều năm qua phải kể đến chính sách thuế. Doanh nghiệp nhập khẩu máy móc nguyên chiếc thì được hưởng mức thuế 0%, nhưng doanh nghiệp sản xuất trong nước nhập khẩu linh kiện sản xuất thì phải chịu mức thuế 10%.
“Một số bất cập khác trong chính sách thuế không chỉ dẫn đến sự chênh lệch về giá thành sản phẩm, mà còn làm cho thương hiệu sản phẩm chế tạo tại Việt Nam không thể so sánh với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu… đồng thời, thị trường tiêu dùng sản phẩm cơ khí doanh nghiệp nội bị hạn chế”, vị này chia sẻ.
Cũng theo ông Tống, một số doanh nghiệp cho biết đang chịu sự đối xử không công bằng so với doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp FDI được các cơ quan chức năng tìm mọi giải pháp hỗ trợ đất đầu tư nhà xưởng, cơ chế tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất. Trong khi đó, doanh nghiệp nội phải chật vật tự tìm địa điểm đầu tư sản xuất kinh doanh và gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận cơ chế hỗ trợ.
Bên cạnh đó, việc Nhà nước đang tạo điều kiện cho doanh nghiệp nội tham gia chuỗi cung ứng nhưng trên thực tế doanh nghiệp nội khó tham gia. Bởi các doanh nghiệp FDI chỉ ưu tiên sử dụng sản phẩm thân hữu nên một số doanh nghiệp nội có khả năng cung ứng tham gia chuỗi toàn cầu không thể tiếp cận được doanh nghiệp FDI đầu cuối, do các doanh nghiệp FDI từ chối tiếp nhận sản phẩm của doanh nghiệp nội.
“Vì vậy, cần có chính sách ràng buộc tỷ lệ sử dụng sản phẩm nội địa, thì mới thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp nội. Điều này mới giúp mang lại cơ hội cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nhận chuyển giao công nghệ của nước ngoài, phát triển sản xuất, tiến đến phát triển sản phẩm hoàn chỉnh”, ông Tống bày tỏ.
Bài 4: Trăn trở của người trong cuộc
Có thể bạn quan tâm
Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí - Bài 2: Khai thác chưa đạt… kỳ vọng
05:10, 08/11/2023
Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí - Bài 1: “Mảnh đất vàng” giàu tiềm năng
05:15, 07/11/2023
Weldcom và Cơ Khí Ngãi Cầu ký biên bản ghi nhớ về việc hợp tác chiến lược toàn diện
14:08, 23/10/2023
Phát triển ngành công nghiệp cơ khí: Cần “đòn bẩy” chính sách
17:20, 19/10/2023
Vĩnh Phúc: “Mở” chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược vào lĩnh vực cơ khí, ô tô, xe máy
04:00, 26/09/2023