Sửa Luật Đất đai: Tránh chồng chéo với các luật hiện hành
Mặc dù đã có nhiều tiếp thu chỉnh lý, thế nhưng, góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), một số góp ý cho rằng, cần rà soát kỹ để tránh sự chồng chéo với các luật hiện hành…
>> Vụ quây núi đá vịnh Hạ Long làm "hòn non bộ": Cần khắc phục “khoảng trống” Luật Đất đai
Theo đó, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 16 Chương và 265 Điều. Trong đó, nhiều nội dung lớn đã được chỉnh sửa, hoàn thiện thêm và cơ bản đã có phương án tối ưu như: Thu hồi đất; điều kiện về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; các trường hợp cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần và hàng năm… Tuy nhiên, bên cạnh các nội dung đã được tiếp thu chỉnh lý, nhiều ý kiến cho rằng, Dự thảo Luật (sửa đổi) cần xem xét, cân nhắc tránh chồng chéo với các luật hiện hành.
Cụ thể, mặc dù cơ bản đồng tình với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi chỉnh lý, tiếp thu, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, nhiều ý kiến cho rằng, một số điều khoản vẫn chưa phù hợp với thực tế.
Góp ý về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Hữu Chính – Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cho rằng, Dự thảo Luật (sửa đổi) quy định khu tái định cư phải đảm bảo các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, đường giao thông bảo đảm kết nối, hạ tầng xã hội bảo đảm khả năng tiếp cận dịch vụ y tế giáo dục, văn hóa, thể thao..., phù hợp với điều kiện phong tục tập quán của từng vùng miền. Tuy nhiên, với những quỹ đất hiện nay khó có khu tái định cư nào đủ 3 điều kiện, nếu quy định cứng trong luật thì vấn đề bồi thường tái định cư trở nên khó khả thi, nhất là các thành phố lớn.
Bên cạnh vấn đề đã nêu, một số đại biểu cũng cho rằng, cần rà soát kỹ Dự thảo Luật (sửa đổi) để tránh sự chồng chéo với các luật hiện hành, thậm chí tránh phải áp dụng cả 2 Luật cho cùng một nội dung hoặc luật không rõ ràng khi áp dụng.
Theo đại biểu Trần Thị Vân - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh, quy hoạch về sử dụng đất quốc gia, các quy định về căn cứ lập quy hoạch sử dụng đất, căn cứ vào nội dung, kế hoạch đất quốc gia được quy định tại Điều 65 Dự thảo Luật Đất đai. Trong khi đó, nội dung quy hoạch sử dụng đất quốc gia lại được quy định tại Điều 24 Luật Quy hoạch. Như vậy, nếu giữ nguyên như Dự thảo, sau khi ban hành việc triển khai thực hiện các quy định pháp luật sẽ bị xé lẻ, manh mún. Đơn vị lập quy hoạch sử dụng đất phải sử dụng cùng một lúc là hai luật.
>> Phó Thủ tướng chỉ đạo kiểm tra dự án quây núi đá vịnh Hạ Long làm "hòn non bộ"
Trong khi đó, về nội dung cho tặng, chuyển nhượng đất trồng lúa, nhiều đại biểu đề nghị chọn phương án quy định định mức cụ thể đối với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp.
Góp ý về vấn đề đã nêu, đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cho biết, qua thực tế tiếp xúc cử tri, đối tượng giáo viên phổ thông hiện nay ở các vùng nông thôn, nên ngoài thời gian, mức lương có hạn nên phải canh tác thêm để đảm bảo cuộc sống, nên việc một vài sào ruộng, những người không trực tiếp làm nông nghiệp thì tôi cho rằng hợp lý. Nếu trên mức đó, đề nghị thành lập công ty.
Còn theo đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, cá nhân tôi cũng cơ bản thống nhất với phương án cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa. Nếu quá hạn mức thì phải thành lập doanh nghiệp.
“Quy định như thế này vừa đảm bảo giữ ổn định được diện tích đất lúa, đồng thời cũng khuyến khích được cá nhân có điều kiện đầu tư vào trong sản xuất nông nghiệp”, vị đại biểu này cho hay.
Cùng với các ý kiến đã nêu, dẫn báo cáo của Ủy ban Dân tộc, năm 2023 có hơn 24.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở và gần gấp đôi số đó thiếu đất sản xuất, không ít ý kiến đề nghị bổ sung điều khoản về nội dung này vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Góp ý về nội dung đã nêu, đại biểu Bế Trung Anh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh đề nghị, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần nghiên cứu bổ sung một điều khoản tạo hành lang pháp lý cho việc này, nếu không sẽ lại có 20 năm lặp lại việc không hoàn thành nhiệm vụ nội dung của Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân tộc, tình hình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Được biết, ngoài các vấn đề đã nêu, đến thời điểm hiện tại, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) còn 21 vấn đề lớn Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang trình các phương án để báo cáo Quốc hội cho ý kiến. Trong đó, không ít ý kiến cho rằng, đây là Dự án Luật khó, phức tạp, còn những vấn đề rất lớn chưa thống nhất, cần phải có thời gian để nghiên cứu kỹ lưỡng hơn, cân nhắc kỹ lưỡng hơn việc thông qua tại kỳ họp lần này.
Có thể bạn quan tâm
Vụ quây núi đá vịnh Hạ Long làm "hòn non bộ": Cần khắc phục “khoảng trống” Luật Đất đai
12:00, 11/11/2023
Sửa Luật Đất đai: Cân nhắc quy định Dự án sử dụng quỹ đất do Nhà nước tạo lập
03:00, 07/11/2023
Sửa Luật Đất đai: Cần đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ
03:30, 06/11/2023
Sửa Luật Đất đai: Cần làm rõ các trường hợp về thu hồi đất
03:30, 05/11/2023
Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua sẽ tạo đà cho phát triển kinh tế-xã hội
17:00, 03/11/2023