Mặc dù đã có nhiều tiếp thu, chỉnh lý, tuy nhiên, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được cho vẫn còn nhiều điểm chưa thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật liên quan…
>> Sửa Luật Đất đai: Cần làm rõ các trường hợp về thu hồi đất
Theo đó, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 16 Chương và 265 Điều, so với Dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Dự thảo lần này đã bỏ 4 Điều, bổ sung 6 Điều và sửa đổi 229 Điều.
Mặc dù đã có nhiều tiếp thu, chỉnh lý, tuy nhiên, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được cho vẫn còn nhiều điểm chưa thống nhất với hệ thống pháp luật liên quan như: Luật Nhà ở đang sửa đổi, Luật Quy hoạch,…
Thực tế cho thấy, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) còn khá nhiều chính sách phải đưa ra 2 phương án để lựa chọn. Trong đó, một trong những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau là quy định thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc sử dụng quyền sử dụng đất đang có để thực hiện dự án nhà ở thương mại.
Phương án 1 - là giữ quy định về các loại đất được làm dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất như Luật Nhà ở hiện hành: Chỉ được thực hiện dự án nhà ở thương mại đối với trường hợp đang có quyền sử dụng đất nếu đó là đất ở hoặc đất ở và đất khác (không phải đất ở, bao gồm cả đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp); chỉ được thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với đất ở.
Phương án 2 - là đề nghị mở rộng về các loại đất được làm dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất điều kiện được nhận chuyển nhượng không giới hạn về các loại đất.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 quy định 2 loại đất thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, đó là: Đất ở; đất ở và đất khác (không phải đất ở, bao gồm cả đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp).
Trong khi đó, Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 quy định 3 loại đất thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất: đất ở; đất ở và đất khác (không phải đất ở, bao gồm cả đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp); đất phi nông nghiệp không phải là đất ở đã hoàn thành việc nộp tiền sử dụng đất hoặc nộp tiền thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.
>> Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua sẽ tạo đà cho phát triển kinh tế-xã hội
Bên cạnh vấn đề đã nêu, góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều ý kiến cũng chỉ rõ những bất cập, chồng chéo, thiếu thống nhất giữa Dự thảo Luật này với Luật Quy hoạch.
Theo đại biểu Trần Thị Vân – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh, đối với quy hoạch về sử dụng đất quốc gia, các quy định về căn cứ lập quy hoạch sử dụng đất, căn cứ và nội dung kế hoạch sử dụng đất quốc gia được quy định tại Điều 65 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trong khi đó, nội dung quy hoạch sử dụng đất quốc gia lại được quy định tại Điều 24, Luật Quy hoạch. Vấn đề này cũng xảy ra tương tự đối với nội dung đất quốc phòng, an ninh và một số loại đất khác.
“Như vậy, nếu giữ nguyên như Dự thảo Luật (sửa đổi) thì sau khi ban hành việc triển khai thực hiện các quy định pháp luật sẽ bị xé lẻ, manh mún. Đặt cương vị là đơn vị lập quy hoạch sử dụng đất thì phải áp dụng cùng một lúc hai luật bởi nội dung tuy nằm trong Luật Quy hoạch nhưng căn cứ lại thuộc Luật Đất đai (sửa đổi)”, đại biểu Trần Thị Vân bày tỏ.
Vì vậy, vị đại biểu này đề nghị, các quy định về quy hoạch sử dụng đất cần được sửa đổi, bổ sung vào ngay Chương 5 của Dự thảo Luật (sửa đổi) lần này, đồng thời, bãi bỏ các quy định về nội dung, quy trình đang bị chồng chéo tại Luật Quy hoạch.
Còn theo đại biểu Nguyễn Duy Minh – Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng, tại khoản 5 Điều 65 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định, thành phố trực thuộc Trung ương không phải lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh mà căn cứ quy hoạch đô thị để lập kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay các thành phố trực thuộc Trung ương vẫn có đơn vị hành chính là cấp huyện và cấp xã. Các đơn vị hành chính này lại không thuộc đối tượng quy hoạch đô thị theo như quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật Quy hoạch đô thị. Do vậy, nếu không lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh thì sẽ không có căn cứ để lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất ở cấp huyện, xã.
Từ đó, đại biểu Nguyễn Duy Minh đề nghị, sửa đổi Điều 18 Luật Quy hoạch đô thị cho thống nhất với Luật Đất đai (sửa đổi), bổ sung quy định về lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, cấp xã trong quy hoạch đô thị ở các thành phố trực thuộc Trung ương.
Được biết, liên quan đến Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), trên cơ sở tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo, xin ý kiến Quốc hội về phương án xem xét, thông qua Dự án Luật này trên tinh thần bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và khả thi. Trong trường hợp còn nhiều ý kiến khác nhau, có thể Dự án Luật này sẽ chưa thể thông qua.
Có thể bạn quan tâm
Sửa Luật Đất đai: Cần làm rõ các trường hợp về thu hồi đất
03:30, 05/11/2023
Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua sẽ tạo đà cho phát triển kinh tế-xã hội
17:00, 03/11/2023
Sửa Luật Đất đai: Còn nhiều ý kiến về hành chính đất đai và tài chính đất đai
04:00, 03/11/2023
Luật Đất đai sửa đổi: Tránh “đứt gãy” trong thu hồi đất
01:00, 03/11/2023
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Điều 128 đang bất cập
00:10, 03/11/2023